Lễ hội Kéo co thôn Hữu Chấp là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời nhất của vùng Kinh Bắc, với hàng trăm năm tồn tại và đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 4 Tết, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, người dân có cuộc sống ấm no, hưng thịnh.
Khác với trò chơi kéo co ở các địa phương khác, kéo co làng Hữu Chấp sử dụng thân cây tre làm dây kéo. Việc lựa chọn tre được người dân nơi đây tiến hành hết sức cẩn trọng tỷ mỉ. Ngay từ trước Tết Nguyên đán, Ban tổ chức lễ hội đã cử người đi chọn 2 cây tre thẳng, không già quá, không non quá, không bị cộc ngọn, không bị sâu, tổng số đốt của 2 cây tre phải là số lẻ. Tre cũng phải lựa chọn ở nhà không có tang bụi.
Lễ hội kéo co thôn Hữu Chấp. Ảnh: bacninh.gov.vn |
Sáng mùng 3 tết, đông đảo nhân dân tập trung tại đình làng cạo sạch tre sao cho thân cây tre lộ ra phần cật trắng, đục lỗ hai đầu, kết thừng làm thành ba hình tròn xoắn trôn ốc to nhỏ khác nhau để giao kết hai đầu của hai cây tre. Hai đòn tay biểu trưng cho hai hướng Đông, Tây. Ba hình tròn to nhỏ khác nhau biểu thị cho tính đực và cái, âm và dương, đó chính là ba hình con nhện (một con cái và hai con đực) hai sợi dây vắt chéo hình dấu nhân là chân nhện. Sau khi dây kéo làm xong được treo lên phía trước cửa nhà tiền tế đình để báo cáo với Thành hoàng làng việc chuẩn bị cuộc thi đã hoàn tất. Đó cũng chính là tín ngưỡng phồn thực với ước mong mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi phát triển.
Theo Ban tổ chức, đội hình kéo co bao gồm 70 thanh niên khỏe mạnh trong độ tuổi từ 30 đến 45 chia làm 2 đội bên Đông và Tây. Bốn ông hóa cầm cờ lệnh và bốn ông vè làm nhiệm vụ cầm chịch cuộc chơi. Bốn người to khỏe nhất sẽ được chọn đứng đầu đòn gánh, tất cả đều cởi trần, đóng khố, thắt lưng nhiễu điều, đầu chít khăn lụa, những người còn lại bám vào thân tre chờ hiệu lệnh của các ông Hóa mà kéo.
Theo quy định từ xa xưa của người dân Hữu Chấp, các đội sẽ kéo 3 keo, bên nào kéo được 2 keo bên đó thắng. Đặc biệt, tới keo thứ 3 thì người xem được quyền vào kéo giúp. Điều độc đáo trong trò chơi không phải bên nào kéo khỏe sẽ thắng mà cần vận hành theo quy tắc. Người dân nơi đây cho rằng phía Đông là hướng của mặt trời mọc và phía Tây là phía mặt trời lặn, sự xuất hiện và biến mất của mặt trời thể hiện chu trình khép kín của thời gian luân chuyển từ ngày này sang ngày khác. Đây cũng là một đặc trưng nổi bật của cộng đồng cư dân trồng lúa nước mang trong mình tín ngưỡng thờ thần mặt trời. Vì thế, đến keo thứ ba, dân làng sẽ vào giúp bên Đông để bên Đông chiến thắng.
Với những giá trị truyền thống về văn hóa cũng như lịch sử lễ hội Kéo co làng Hữu Chấp đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào 12/2014. Đồng thời góp phần đưa Nghi lễ, trò chơi Kéo co ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào 12/2015.