Cộng đồng tham gia bảo tồn, phát triển di sản

Sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển các khu di sản thế giới đang trở thành một chiến lược quan trọng toàn cầu, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với tất cả các khu di sản thế giới.

Tuy nhiên, do những hạn chế nhất định liên quan đến khuôn khổ pháp luật, đặc trưng địa phương, đã tạo ra các rào cản ảnh hưởng tới sự tham gia của người dân với các khu di sản thế giới... 

Chồng chéo chức năng

Theo chuyên gia UNESCO, tôn trọng và chấp nhận kiến thức và cách thức quản lý theo truyền thống của địa phương, là những yếu tố cơ bản trong cách tiếp cận công bằng và toàn diện hơn trong bảo tồn di sản.

Tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước đối với các di sản văn hóa hiện có quá nhiều đầu mối và chưa rõ đầu mối chính là cơ quan nào. Ở Trung ương, ngoài Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban UNESCO Việt Nam, còn có các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng quản lý các di sản thiên nhiên. Ở địa phương, đến nay cũng chưa có một mô hình quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thống nhất. Tùy theo hoàn cảnh, mỗi địa phương lại đưa ra những mô hình quản lý riêng của mình, nơi thì giao cho UBND tỉnh, nơi lại là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh.

Di tích kinh thành Huế.Ảnh: Hồ Cầu -TTXVN

Ví dụ: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là một đơn vị cấp sở, chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong khi đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ lại là đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa. Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An là cơ quan chức năng trực thuộc UBND thành phố Hội An (thành phố Hội An chỉ là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam). Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn là cơ quan chức năng thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng lại là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Quảng Bình...

Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, TS Nguyễn Linh Giang, Viện Nhà nước và Pháp luật nêu rõ: Ngoài việc tuân thủ và thực hiện theo công ước quốc tế về di sản, công ước quốc tế về quyền con người và các công ước quốc tế khác có liên quan cũng như thực thi Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ môi trường, đất đai, quyền của người thiểu số liên quan đến bình đẳng, sinh kế, văn hóa, pháp lý... Việt Nam vẫn chưa có văn bản riêng biệt liên quan đến di sản thế giới. Việc áp dụng pháp luật về quản lý di sản chủ yếu thuộc thẩm quyền của các tỉnh, UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì việc quản lý nhà nước về di sản. Nhiều chức năng quản lý nhà nước vẫn bị lẫn lộn giữa các phòng quản lý di sản thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ban quản lý di tích, hoặc có những hoạt động lại không thuộc chức năng của cơ quan nào...

Cần thay đổi nhận thức

Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di tích Hội An thừa nhận công chúng không được chính quyền cho là có vai trò quan trọng đối với sự phát triển liên quan đến du lịch tại Di sản thế giới Hội An. Tuy nhiên, họ công nhận Phố cổ Hội An chính là một di sản sống, minh chứng cho quá trình lập kế hoạch có sự tham gia của các bên liên quan thuộc chính quyền và người dân trong phát triển bền vững di sản.

Điều đó cho thấy Việt Nam cần có cơ chế để người dân có quyền được tiếp cận và phát triển di sản. Đây chính là động thái cụ thể nhất để Chính phủ tháo gỡ dần các rào cản, khơi gợi lại sự tôn trọng của cộng đồng nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, kinh tế... tại các khu di sản.

Chiến lược phát triển loại hình du lịch homestay đang được thực hiện tại các khu di sản cũng là một định hướng tốt nhằm "lôi kéo" nhiều hơn sự tham gia của người dân, thông qua đảm bảo lợi ích kinh tế, chia sẻ nguồn tin minh bạch, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phân chia trách nhiệm và lợi ích giữa: Quản lý, doanh nghiệp, khoa học (bảo tồn) và người dân để xây dựng các giải pháp quy hoạch, phân vùng (vùng lõi, vùng đệm) cần phát triển để bảo vệ, bảo tồn...

PGS.TS Phạm Trương Hoàng (Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ: Sự tham gia của cộng đồng tại các khu di sản thế giới có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo quyền con người, giúp họ tiếp cận dựa trên quyền và thực hiện các nghĩa vụ tham gia. Cộng đồng cần nhận thức một cách sâu sắc lợi ích và mối liên kết của họ với di sản thế giới tại địa phương nhằm phát triển du lịch, cộng đồng, hướng tới phát triển bền vững. Để làm được việc này, Việt Nam cần thiết phải xây dựng cơ chế liên kết giữa các bên liên quan, khuyến khích nhiều hơn sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển du lịch, sáng kiến trong lập kế hoạch và ra quyết định liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm với di sản thế giới.

Có thể nói, sự tham gia của cộng đồng là một “quá trình” không dễ dàng. Nó phụ thuộc vào sự đàm phán giữa các nhóm khác nhau trong cộng đồng và có thể phải mất rất nhiều thời gian mới đạt được sự đồng thuận. Mặc dù vậy, đây vẫn là những thách thức cần phải giải quyết ngay từ bây giờ, nhằm đảm bảo tính bền vững của các di sản thế giới tại Việt Nam.
Thời Trân
Phát động cuộc thi Hành trình di sản 2016
Phát động cuộc thi Hành trình di sản 2016

Tạp chí Heritage đã tổ chức lễ phát động cuộc thi “Giải thưởng nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản” lần thứ 4, năm 2016, bắt đầu từ ngày 15/1 và kết thúc ngày 31/10/2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN