“Truyện Kiều” xứng đáng là di sản văn hóa của nhân loại

Những ngày qua, người dân mảnh đất Hà Tĩnh quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, đã được sống trong một không gian “đẫm Truyện Kiều”.

Nhiều kỷ lục quốc gia nhất

Ngày 2/12, Tổ chức Liên minh Kỷ lục Thế giới đã chính thức gửi văn bản xác nhận kỷ lục thế giới mới dành cho tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du (ảnh). Theo đó, “Truyện Kiều” chính thức trở thành “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”.

Truyện Kiều của Nguyễn Du xác lập kỷ lục thế giới.

Kỷ lục này được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề cử thành công trong thời gian qua và được Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới xác lập vào đúng dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du và lễ vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du diễn ra trên toàn thế giới.

Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới đánh giá: “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (1765 - 1820) là một kiệt tác văn học, đã chinh phục các thế hệ công chúng trong hơn 200 năm qua. “Truyện Kiều” cũng đã được chuyển ngữ sang hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp... với trên 35 bản dịch. Có thể thấy, “Truyện Kiều” của Việt Nam đã vượt ra ngoài biên giới đến với độc giả nhiều nước trên thế giới. Với “Truyện Kiều”, Đại thi hào Nguyễn Du đã được vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.

Qua nghiên cứu 27 kỷ lục Việt Nam (và được biết con số này vẫn chưa dừng lại) mà VIETKINGS đã xác lập từ năm 2005 đến nay, cho thấy tác phẩm này có sức ảnh hưởng rộng lớn đến các lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam. Con số 27 là một con số ấn tượng về số lượng kỷ lục quốc gia mà đến nay chưa có một tác phẩm văn học nào đạt được trên thế giới. Các kỷ lục này được thể hiện một cách đa dạng qua các hình thức sách báo, dịch thuật, điêu khắc, tranh lụa, hợp xướng, thư pháp, sân khấu... Tất cả đã góp phần tôn vinh những nét văn hóa mà “Truyện Kiều” mang lại cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tại Việt Nam.

Dự kiến, kỷ lục thế giới này sẽ được Liên minh Kỷ lục Thế giới trao trong Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 31, diễn ra vào tháng 3/2016, tại Việt Nam.

Cũng thời điểm kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa Thế giới; các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đã tập trung tìm hiểu và công bố kết quả nghiên cứu về sự tương đồng giữa “Truyện Kiều” của Nguyễn Du với “Kim ngư truyện” (Truyện cá vàng) của nhà văn Nhật Bản lừng danh thời Edo là Kyokutei Bakin phóng tác theo cuốn “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân. Theo các chuyên gia, đó là một nàng Kiều mang dáng dấp Nhật Bản.

Câu chuyện “Kim ngư truyện” kể về nàng Ngư Tử (chính là Thúy Kiều trong truyện của Nguyễn Du), sinh ra trong một gia đình võ sĩ thất nghiệp là Thuyền Vĩ Lân Tàng (chính là nhân vật Vương Ông). Gia đình gặp tai họa, nàng Ngư Tử phải bán mình chuộc cha. Trong đêm gặp chàng Đình Tỉnh Kim Trọng (Kim Trọng), nàng Ngư Tử đã xử sự như một hiền nữ. Khi gặp Hạ Dã Thái Lang (Từ Hải), Ngư Tử đã cho tiền bọn du thủ du thực để nhờ dò xét xem chàng có phải là người đáng tin cậy không. Khi Hạ Dã Thái Lang khinh suất hòa với Quản lãnh Phiến Cốc Triều Hưng (Hồ Tôn Hiến), nàng Ngư Tử hết sức can ngăn. Thái Lang bị phản, bị giết, để trả thù cho chồng, nàng Ngư Tử đã dũng cảm giết chết Bố Lưu Biện Dã (quan thuyết hàng và thổ quan). Sau hành động đó, Ngư Tử nhảy xuống sông tự tử... “Bằng những tư liệu mới sưu tầm ở Nhật Bản, các nhà nghiên cứu đã so sánh “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và “Kim ngư truyện” (Truyện cá vàng) của K.Bakin để thấy đặc tính dân tộc và giá trị trác tuyệt của “Khúc Nam âm tuyệt xướng” của Nguyễn Du”.

Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm

Cùng với một loạt các hoạt động kỷ niệm diễn ra rầm rộ, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng đàn và hát dân ca khu vực đồng bằng Bắc Trung Bộ và Châu thổ sông Hồng với chủ đề "Tiếng tơ Tiên Điền", vừa kết thúc ngày 2/12, tại Hà Tĩnh, thực sự là cuộc hội ngộ của các loại hình nghệ thuật về Kiều. Liên hoan do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH - TT&DL) phối hợp với Sở VH - TT&DL Hà Tĩnh tổ chức, có sự tham gia của hơn 250 diễn viên đến từ 10 đoàn nghệ thuật quần chúng, gồm: TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Nam, Hà Tĩnh, Trung tâm Văn hóa người cao tuổi Việt Nam, CLB Dân ca làng Mộc Quan Nhân - Nhân Chính Thanh Xuân (Hà Nội). Nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật dân gian đã được các đoàn đưa tới tại liên hoan như: hát ca trù, quan họ, chầu văn, hát xẩm, hò vè, ví giặm... Kết thúc Liên hoan, BTC đã trao thưởng cho 17 tiết mục đạt HCV, 16 tiết mục đạt HCB, trong đó đoàn Hà Tĩnh có 3 tiết mục đạt HCV và 2 tiết mục đạt HCB...

Tối 5/12, như điểm khép của Tuần văn hóa, du lịch Nguyễn Du tại Hà Tĩnh, là Lễ Kỷ niệm vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du, với chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” do Cục NTBD, Bộ VH,TT&DL chỉ đạo và Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam thực hiện. Chương trình kéo dài trong vòng 90 phút tại sân khấu Quảng trường trung tâm TP. Hà Tĩnh. Với sự tham gia của hơn 650 nghệ nhân, diễn viên và hơn 1.300 lượt biểu diễn, trên một khu vực sân khấu được chuẩn bị rất rộng rãi, kỳ công.
Anh Minh
Truyện Kiều và những giá trị xuyên thời đại
Truyện Kiều và những giá trị xuyên thời đại

Đại thi hào Nguyễn Du và những tác phẩm của ông, đặc biệt là Truyện Kiều từ lâu đã trở thành di sản quý giá, là niềm tự hào của dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN