Họa sĩ quân đội Phạm Ngọc Liệu - Sống và Vẽ

"Sống và vẽ" là tên triển lãm cá nhân của họa sĩ - chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Ngọc Liệu, nhân giỗ đầu anh, do người vợ đảm yêu chồng yêu luôn cả nghệ thuật của chồng, Nguyễn Thị Trâm, xây dựng ý tưởng và được sự ủng hộ của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Thật đáng trân trọng…

Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu


Nguyễn Thị Trâm như tôi biết, tôi thường gặp chị cùng anh đi các triển lãm mỹ thuật, không ngờ khi anh mất, các tác phẩm vẫn hiện diện trong các triển lãm nhờ chị trân trọng thực hiện lời dặn cuối cùng của chồng trước khi anh mất. Bất ngờ lớn đối với tôi, khi chị đem toàn bộ ảnh tác phẩm của anh đã được sắp xếp theo thể loại, chất liệu mỹ thuật…, nhờ tôi viết lời giới thiệu cho trưng bày sắp tới về anh và cho cả tuyển tập các tác phẩm mỹ thuật của anh. Chưa hết, chị còn bất ngờ ngỏ ý thăm dò muốn lấy tên “Sống và Vẽ” đặt tên cho triển lãm. Quả thật, chị quá hiểu chồng. Tôi nói vui với chị: chí lớn đã gặp nhau rồi. Bởi lẽ tôi biết Phạm Ngọc Liệu đã hơn 30 năm, từ khi anh còn là sinh viên mặc áo lính tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam và còn biết anh đã từng vào sống và vẽ ở tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị…Sau này, anh còn trở lại chiến trường xưa. Chúng tôi còn thường xuyên gặp nhau trong các triển lãm mỹ thuật, trong nhiều chuyến đi tham quan và vẽ ngắn ngày do Câu lạc bộ Hội mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Anh cũng tích cực tham gia nhiều chuyến đi thực tế các đơn vị quân đội do Câu lạc bộ vẽ về đề tài lực lượng vũ trang-chiến tranh cách mạng tổ chức, và anh còn là một thành viên trong Ban chủ nhiệm. Nói ra đôi điều có vẻ dài dòng song rất đúng với cái tạng “máu vẽ” mà anh đã tiếp thu được phong cách sáng tác “Đi - Vẽ - Triển lãm” của các danh họa thế hệ cha anh.


Phạm Ngọc Liệu cùng với thế hệ của mình trưởng thành trong cuộc kháng chiến lần thứ hai của dân tộc, định hình định vị cái “tạng nghệ thuật” đúng với phong cách sáng tác. “Sống là vẽ”, “vẽ là sống”, “sống để vẽ và vẽ để sống”, nhất quán “hai trong một”. Quả thật chuyện đời luôn gắn với chuyện đạo và ngược lại của Phạm Ngọc Liệu.


Tác phẩm "Đặc khu rừng Sác" của họa sĩ.


Đời đã vậy, còn đạo ư? Tôi xin phép được đối thoại đôi điều về hội họa của Phạm Ngọc Liệu.


Trước hết, tôi ấn tượng mạnh về triển lãm ký họa thời chiến tháng 4/2009 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Một triển lãm trực họa về những người lính, về những người bạn tại chiến trường ác liệt nhất…Nghiêm túc, chững chạc và hấp dẫn. Vẽ là để được đối thoại với đồng đội của mình. Sống với những người mình vẽ và vẽ những người mình từng sống đã tạo nên cái duyên, cái đẹp trong không ít tác phẩm của Liệu, thức dậy trong chúng ta, trong công chúng yêu mỹ thuật những kỷ niệm đẹp về một thời chiến tranh. Một vốn sống, vốn hiểu biết, vốn nghệ thuật quý hiếm để Phạm Ngọc Liệu hội đủ điều kiện làm nên tác phẩm lớn.


Cũng như không ít họa sĩ cùng thời, khi sáng tác, Phạm Ngọc Liệu ưa dùng nhiều loại hình, thể loại: hội họa, điêu khắc, đồ họa, trang trí…với nhiều chất liệu: sơn dầu, sơn khắc, gò đồng, gò nhôm, bột màu, phấn màu, giấy dán và cả mực tàu nữa…dù muốn hay không, góp phần làm phong phú hình thức tạo hình của Phạm Ngọc Liệu.


Về nghệ thuật, ít hay nhiều, Phạm Ngọc Liệu đã làm chủ được ngôn ngữ đặc thù và tinh thông chất liệu, kỹ thuật của từng thể loại.


Tranh sơn khắc: Trước hết phải nói đến tác phẩm “Trường Sơn năm ấy” đã được Huy chương đồng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1980. Rồi “Phiên chợ vùng cao” năm 2001. Tất cả đã sáng tác theo tiêu chí tranh sơn khắc, phải khoe cho được cái nền vóc, làm nhịp điệu trong xây dựng hình tượng nghệ thuật, thường là một không gian đồng hiện, chuyển tải được nhiều nội dung của một chủ đề. Đó là một thể loại mà Phạm Ngọc Liệu đã nhận được giải thưởng cao nhất.


Phù điêu, gò đồng, gò nhôm: Các tác phẩm phù điêu như “Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc”, “Tiếng trống Xô viết” đều sáng tác năm 1981, tham gia Triển lãm 10 năm điêu khắc 1973-1983 và sau đó đã được lưu giữ trong Bảo tàng binh chủng Thông tin liên lạc. Ngoài ra là tác phẩm gò nhôm “Thạch Sanh” cũng sáng tác năm đó. Điều thú vị hơn, một họa sĩ được đào tạo chu đáo về chuyên ngành hội họa đã biết khoe cái khối ba chiều trên một mặt phẳng đúng với ngôn ngữ đặc thù của phù điêu.


Tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật hoa: Tranh phong cảnh đã in đậm dấu chân anh trên khắp mọi miền đất nước: lên rừng, xuống biển, vào thành phố, ra mỏ, về nông thôn… Về thể loại tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật thường phải vẽ trực tiếp, dễ truyền cảm xúc tươi nguyên, đặc biệt, phải biết xử lý hiệu quả ánh sáng. Ánh sáng phải là “nhân vật chính” trong tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật. Chẳng phải chỉ là một phong cảnh thôi, như phong cảnh Hồ Gươm với nhiều chiều không gian; ánh sáng ban mai, trưa hè, hoàng hôn…đều đem lại nội dung cảm thụ cuộc sống khác nhau. Trong không ít tác phẩm phong cảnh, tĩnh vật, Liệu đã biết xử lý ánh sáng có hiệu quả.


Tranh nhân vật: Vẻ đẹp của thiếu nữ thành thị, miền núi, miền biển, vùng quan họ đã đi vào tranh anh như chính cuộc sống của họ vậy. Thiếu nữ quan họ nổi lên bên kiến trúc đình chùa vùng Kinh Bắc, còn với thiếu nữ các dân tộc anh lại khai thác yếu tố hoa văn làm nên bản sắc...Các nhân vật khác như bà mẹ, công nhân, nông dân, đặc biệt là những người lính, đều thể hiện tác giả rất vững về hình họa. Mà với những tranh chân dung nhân vật, thì hình đã làm nên ¾ giá trị tác phẩm.


Tranh đề tài công nghiệp: Hưởng ứng cuộc vận động đi thực tế sáng tác về đề tài công nông nghiệp do Hội mỹ thuật Việt Nam tổ chức, Phạm Ngọc Liệu đã đến các nhà máy khu gang thép Thái Nguyên, nhà máy xi măng Hoàng Thạch…và để lại nhiều tác phẩm trực họa, ký họa và tác phẩm như “Gang ra lò” (sơn dầu), “Toàn cảnh nhà máy xi măng Hoàng Thạch” (màu nước), “Nhà máy gang thép Thái Nguyên” (phấn màu), “Lò luyện gang” (màu nước)...Thường là một không gian rộng, một cái nhìn toàn cảnh trong nhiều chiều không gian. Hình tượng nhân vật thường nhỏ bé vẫn ẩn hiện tạo nên một nhịp điệu đậm nét trong một bố cục, một không gian cụ thể.


Triển lãm khai mạc chiều 11/3, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; trưng bày 72 bức tranh và ký họa, cùng 12 cụm hiện vật của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu.


Tranh về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng: Một đề tài tâm huyết của Phạm Ngọc Liệu. Anh đi và vẽ nhiều đề tài này. Có thể kể nhiều tác phẩm tiêu biểu: Trường Sơn năm ấy (sơn khắc), Tiếng trống Xô Viết, Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc (gò nhôm), Bữa cơm giữa rừng (Sơn mài), Không thể bất ngờ (bột màu), Quảng Trị 1972 (sơn mài), Từ Điện Biên đến Hà Nội, Đặc khu Rừng Sác, Đồn biên phòng Lạch Bạng (sơn dầu)…Và tất nhiên, cả vài trăm bức ký họa thời chiến anh vẽ ở tuyến lửa Quảng Trị năm 1971-1972. Xem tranh “Đặc khu Rừng Sác” của anh tham dự Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2014, tôi liên tưởng đến cái thế “rừng che bộ đội rừng vây quân thù” trong thơ Tố Hữu. Nhiều hơn cả trong các tác phẩm đề tài này của Phạm Ngọc Liệu là hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ trực tiếp cầm súng chiến đấu, trên đường hành quân, trực chiến hay phút nghỉ ngơi bên các chiến sĩ gái. Tôi hi vọng chị Trâm sớm sưu tập được bộ tranh về đề tài này. Đó chính là sở trường của anh, là tài sản quý của anh.


Bà Nguyễn Thị Trâm, vợ của họa sĩ (giữa), bên bức tranh của chồng.


Nhìn chung, mảng tranh đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng, hình tượng nhân vật anh bộ đội Cụ Hồ luôn là nhân vật trung tâm trong nhiều chiều không gian thời gian. Định hình định vị một phong cách nghệ thuật tâm trạng mang tên Phạm Ngọc Liệu thuộc kênh tạo hình của chủ nghĩa hiện đại.


Cuối cùng, tôi muốn đối thoại về tác phẩm cuối đời “Nhân nghĩa thắng bạo tàn” bằng chất liệu acrylic để thấy Phạm Ngọc Liệu vẫn ám ảnh, trăn trở về đề tài tranh lịch sử mà anh bộ đội Cụ Hồ là một đề tài lịch sử trọng đại gắn với lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc. Anh vẫn muốn tự vượt mình trong tác phẩm “Bản trường ca Thăng Long”. Một đề tài lịch sử, một nội dung khái quát thiên về triết lý nhân sinh, không sa vào nội dung cụ thể như thường thấy. Về hình thức nghệ thuật, anh biết khai thác các yếu tố tạo hình của chủ nghĩa hiện đại Phương Tây: sự thực, lập thể, ấn tượng, biểu hiện trừu tường và trừu tượng, kết hợp với nét tinh hoa của mỹ thuật dân tộc theo quan niệm tạo hình truyền thống Phương Đông trong một không gian đồng hiện chuyển tải được nhiều nội dung của một đề tài lịch sử lớn. Đó là một tín hiệu muốn chuyển mình của Phạm Ngọc Liệu, muốn đối thoại với đồng nghiệp và công chúng yêu mỹ thuật, ngay khi trong mình đã ủ căn bệnh hiểm nghèo…Tiếc thay! Anh không còn để tiếp tục sự chuyển mình đáng trân trọng ấy.


Lê Quốc Bảo

(Nhà giáo, nhà phê bình)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN