Giải thưởng Sách Quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.
Dự lễ trao giải có đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Nhờ sự nỗ lực của ngành xuất bản, kể cả trong điều kiện khó khăn mà vẫn ra được nhiều đầu sách, nhiều bộ sách không chỉ có giá trị về nội dung mà cả về hình thức. Đặc biệt cùng với đó là các phương thức để lan truyền nội dung của sách, ảnh hưởng tích cực đến văn hóa đọc của người Việt Nam.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến đánh giá, Giải thưởng Sách Quốc gia ngày càng quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của văn hóa, lan tỏa tri thức và bày tỏ mong muốn Giải thưởng Sách Quốc gia ngày càng có uy tín hơn, là cái nôi cho ngành xuất bản, để văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển hơn.
Trải qua 6 mùa giải, Giải thưởng Sách Quốc gia đã thể hiện xứng tầm là giải thưởng cấp quốc gia, trao giải cho những cuốn sách/bộ sách có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mĩ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng; khuyến khích, tôn vinh những người sáng tác và những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách Việt Nam, góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng hướng và phù hợp với xu hướng hội nhập.
Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng cấp Nhà nước được tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách/bộ sách có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, các nhà khoa học và những người làm công tác xuất bản, góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc; thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển đúng định hướng và phù hợp với xu thế hội nhập.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đánh giá, các cuốn sách, bộ sách đạt giải là những tác phẩm giàu tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc, những công trình nghiên cứu khoa học hết sức công phu, nghiêm túc, có nhiều giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao.
Sau thời gian dịch bệnh, số lượng sách phát hành của các đơn vị đều giảm, tuy nhiên số lượng ấn phẩm dự Giải thưởng Sách Quốc gia tăng lên, cho thấy sức hút của giải đối với các nhà xuất bản.
Nét mới của Giải thưởng Sách quốc gia năm nay là Hội đồng công bố các đề cử trước khi trao giải để có thể lắng nghe ý kiến đánh giá, phản biện từ chuyên gia và độc giả, nhằm tăng chất lượng giải.
Theo Ban tổ chức, tiêu chí xét giải năm nay có sự điều chỉnh lớn. Tác phẩm đoạt giải ngoài giá trị nội dung, tính thực tiễn, còn cần đáp ứng được yêu cầu về tính lan tỏa.
Sự lan tỏa của sách được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí: Số bản sách phát hành của cuốn sách đó, thông tin báo chí về cuốn sách, đánh giá của những người trong giới và khả năng truyền thông của sách sau khi đoạt giải.
Số lượng nhà xuất bản tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay là 41, ít hơn mùa giải trước 7 nhà xuất bản (48). Tuy nhiên, số sách tham dự tăng. Mùa giải năm nay, các đơn vị đã gửi tới 312 tên sách và bộ sách, bao gồm 435 cuốn (nhiều hơn 14 tên sách và bộ sách, 49 cuốn sách so với mùa giải trước).
Bên cạnh 2 cuốn sách giải A, “Chào Tiếng Việt” của tác giả Nguyễn Thụy Anh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và cuốn sách “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo công ước của Liên hợp quốc 1982 về luật biển” của nhóm tác giả Bùi Công Quế, Phùng Văn Phách, Đỗ Huy Cường, Trần Tuấn Dũng, Lê Đức Anh, Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Ban tổ chức trao giải B cho 10 tác phẩm, 11 tác phẩm được giải C và 18 giải Khuyến khích.
Chia sẻ niềm xúc động khi vinh dự nhận giải thưởng lớn, tác giả Nguyễn Thụy Anh cho biết: Trong thời gian thực hiện bộ sách, mỗi năm chị dành thời gian từ một tới hai tháng ra nước ngoài để thực hiện đề tài. Khoảng thời gian còn lại để kết nối trực tuyến với các nhân vật. Với chị, đây không phải là công việc để kiếm tiền và với một người còn trẻ như chị khi thực hiện cuốn sách thì đây là một áp lực không hề nhỏ.
“Tôi chưa bao giờ muốn bỏ cuộc vì đây là tâm huyết của tôi từ khi còn là sinh viên. Tôi đã từng chia sẻ những câu chuyện này với các ông bố, bà mẹ người Việt ở nước ngoài. Tôi ở Nga 17 năm và tôi rất hiểu câu chuyện lo sợ khi con mẹ mất đi tiếng của nước mình, nỗi lo sợ khi giữa bố mẹ con cái không còn sự kết nối bằng ngôn ngữ thật sự sâu lắng của dân tộc. Và chính tôi cũng là một bà mẹ sinh con ở nước ngoài. Cho nên sau này, đối với tôi cuốn sách như một sứ mệnh, một lời hứa một điều mà chắc chắn tôi sẽ phải thực hiện, không bao giờ bỏ cuộc” - tác giả Nguyễn Thụy Anh chia sẻ.
Tác giả vinh dự nhận giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI cho biết thêm: “Ngay khi được đưa vào đề cử Giải thưởng Sách Quốc gia, tôi đã thấy rất ý nghĩa rồi. Ý nghĩa thứ nhất đây là một giải thưởng rất uy tín với nhiều vòng đọc khác nhau, là cơ hội cho những chuyên gia sâu về chuyên ngành này đánh giá thẩm định. Và ngoài ra khi được đề cử giải cao thì bao giờ cũng có các chuyên gia thẩm định phản biện độc lập và chúng tôi có cơ hội lắng nghe đánh giá của họ một cách công tâm và khách quan.
Khi được giải A tôi rất hạnh phúc công sức của mình đã được công nhận, con đường mà mình đang đi được nhiều người cổ vũ. Điều đó cực kỳ có ý nghĩa và chắc chắn là động lực để trong những năm tới, với sự cổ vũ như vậy, tôi sẽ làm việc nhiệt tình hơn và hiệu quả hơn.”
Nhận xét về mảng sách thiếu nhi tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI, nhà văn Lê Phương Liên cho biết bà ấn tượng với bộ truyện tranh “Hít hà mùi đất nước”. Đây là một truyện tranh Việt Nam rất thú vị, do họa sĩ Việt Nam sáng tác, viết về đất nước thông qua các nhân vật rất thú vị, phù hợp với trẻ em ngay từ tên gọi.
Các tác phẩm tiêu biểu, có giá trị cao thuộc 5 mảng sách: Chính trị, Kinh tế; Khoa học Tự nhiên và Công nghệ; Khoa học Xã hội và Nhân văn; Văn hóa, Văn học và Nghệ thuật; Thiếu nhi.
41 cuốn sách/bộ sách được giải gồm 2 Giải A, 10 Giải B, 11 Giải C và 18 giải Khuyến khích. Giải A được nhận 100 triệu đồng; giải B là 50 triệu đồng; giải C là 30 triệu đồng và 10 triệu đồng cho giải Khuyến khích.
“Dựa trên các sách thiếu nhi được giải thưởng lần này, chúng tôi đánh giá mảng sách thiếu nhi hiện rất phong phú. Điều này thể hiện thực chất việc sách thiếu nhi hiện nay đang phát triển.
Về quy trình chấm giải, từ khi chúng tôi nhận được sách từ các nhà xuất bản, chúng tôi có biện pháp lọc. Những sách kinh điển hoặc là các sách đã được sáng tác được thế kỷ trước, đã được tái bản nhiều lần, thì chúng tôi sẽ không xét vì đây là những sách mà giá trị đã được khẳng định rồi. Sau đó chúng tôi sẽ chia sách cho tiểu ban đọc. Và sau đợt đọc đầu tiên, chúng tôi sẽ có phiên họp để các thành viên báo cáo lại kết quả đọc của mình và đề cử những sách sẽ vào giải. Sau cuộc họp, chúng tôi đổi sách đọc chéo. Như vậy, mỗi một đầu sách ít nhất là có hai giám khảo đọc và viết bản nhận xét.
Tiếp đó, vòng hai có 16 tác phẩm. Chúng tôi tiếp tục họp bàn một lần nữa để quyết định những sách đưa vào nhận giải. Chúng tôi quyết định sách nhận giải thông qua phiên cuối cùng là phiên bỏ phiếu.”
Tại Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã trao thưởng bằng khen cho các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, doanh nghiệp sách đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền quảng bá, xuất bản sách tinh gọn, phát hành sách có số lượng lớn góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.
Trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã trưng bày, triển lãm những cuốn sách, công trình nghiên cứu đặc biệt có giá trị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều tác phẩm lý luận chính trị quan trọng khác và toàn bộ sách đoạt Giải qua các kỳ trao Giải từ lần thứ I đến nay.