Thông qua hơn 16.800 hiện vật, tư liệu và hình ảnh về Chủ tịch Tôn Đức Thắng đang được Bảo tàng lưu giữ, du khách hiểu rõ hơn con người và những cống hiến của Bác Tôn trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một đời liêm chính
Bảo tàng Tôn Đức Thắng tại TP Hồ Chí Minh là bảo tàng duy nhất trong cả nước giới thiệu khá đầy đủ và có hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, thông qua những mốc thời gian: Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn tại Pháp (1916 - 1920); Bác Tôn tham gia phản chiến ủng hộ cách mạng tháng 10 Nga (1919); giai đoạn Bác Tôn lãnh đạo phong trào công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn (1920 - 1930); thời gian Bác Tôn bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo (1930 - 1945)...
Phần lớn các hiện vật được Bảo tàng sưu tầm từ các cơ quan lưu trữ trong nước như: Trung tâm Tư liệu Quốc gia II, III, Lưu trữ Trung ương Đảng, Lưu trữ Quốc hội, Thông tấn xã Việt Nam… Bên cạnh đó, còn có các hiện vật được sưu tầm từ các cơ quan lưu trữ nước ngoài như ở Pháp, Nga, Đức, Ukraina và một số được đồng đội, bạn bè, người thân của Bác Tôn gửi tặng.
Mỗi hiện vật gắn liền với từng câu chuyện, cuộc đời của Bác Tôn, đã và đang được tất cả cán bộ, nhân viên tại Bảo tàng lưu giữ cẩn trọng với mong muốn phát huy những ý nghĩa cao cả của cuộc đời và sự nghiệp của người chiến sỹ cách mạng tiền bối Tôn Đức Thắng trong đời sống hiện tại.
Dành nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm những mẩu chuyện về Bác Tôn, chị Ngô Thị Hồng Quế, Phó Trưởng Phòng trưng bày tuyên truyền Bảo tàng nhớ mãi câu chuyện 3 lần “từ chối” nhận nhà của Bác.
Chị Quế kể: Khi Bác Tôn gần 90 tuổi, đồng chí Phạm Hùng (lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) dự định bố trí đưa Bác Tôn về miền Nam để tránh cái rét ngoài Hà Nội. Lúc này, T78 đã chuẩn bị cho Bác căn biệt thự ở khu An Phú (Quận 2 bây giờ). Nhưng khi biết được sự việc, Bác Tôn đã thẳng thắn nói rằng “Tôi đã có nhà ở Hà Nội rồi” và nhất quyết không nhận.
Lần tiếp theo, lãnh đạo Trung ương Đảng tiếp tục có chủ trương xây cho Bác Tôn một căn biệt thự gần Hồ Tây để Bác tiện tập thể dục. Đồng chí Nguyễn Việt Dũng, lúc bấy giờ là Chánh Văn phòng của Phủ Chủ tịch nước kể lại rằng tất cả đã chuẩn bị xong chỉ chờ Bác Tôn đồng ý. Ấy vậy, khi ông Việt Dũng đến nhà gặp Bác, Bác Tôn gặng hỏi: “Tôi nghe nói các anh định xây nhà cho tôi ở?”. Ông Việt Dũng lúc này mới nói rằng: “Dạ không ạ, tụi cháu chỉ xây nhà khách Chính phủ”. Nghe thấy vậy, Bác Tôn mới bảo “Thế thì được. Nếu các anh xây nhà cho tôi ở thì các anh ở. Tôi không ở!”.
Vì vậy, Bác Tôn vẫn ở nhà số 35 Trần Phú, Hà Nội. Bác dặn các con “Nhà này là nhà của Chính phủ giao cho ba để làm việc. Sau khi Ba mất, các con phải trả lại nhà cho Chính phủ”.
Chị Quế chia sẻ thêm, khi Bác Tôn nhận trách nhiệm làm Chủ tịch nước vào năm 1969 thì đến năm 1970, hai người con gái của Bác đã rời khỏi ngôi nhà này, đến ở tại căn nhà số 24-26 đường Cao Bá Quát với diện tích 20m2, theo đúng tiêu chuẩn con cán bộ viên chức.
Từ câu chuyện này về Bác Tôn đã cho thấy Bác Tôn luôn là người chính trực, liêm khiết, trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi đảm nhận nhiệm vụ, trọng trách của một người lãnh đạo đất nước, chị Quế xúc động kể.
Giáo dục và phát huy truyền thống trong thế hệ trẻ
Ngót 20 năm công tác tại Bảo tàng, ông Trần Nam Phi, Trưởng phòng Kiểm kê, bảo quản tại Bảo tàng luôn hạnh phúc và tự hào khi mỗi ngày, được tiếp xúc và giữ gìn những kỷ vật về Bác Tôn. Mặc dù một số hiện vật khi được Bảo tàng tiếp nhận đã bị hư hao đi ít nhiều nhưng các cán bộ lưu giữ vẫn hết sức thận trọng, bảo quản từng hiện vật của Bác trong điều kiện tốt nhất có thể.
Ông Phi chia sẻ, hiện nay phòng bảo quản kiểm kê hàng chục ngàn hiện vật, trong đó có hiện vật giá trị như Huân chương Sao Vàng mà Bác Tôn là người đầu tiên được tặng thưởng năm 1958. Ngoài ra, còn có những hiện vật khó bảo quản như bút tích, các giấy tờ liên quan vì theo thời gian và sự tiếp xúc với môi trường (ánh sáng, độ ẩm…) sẽ bị mai một, hủy hoại dần.
“Mỗi hiện vật đều có một sự sống riêng, hơn hết đều gắn liền với cuộc sống và con người của Bác Tôn nên mỗi ngày chúng tôi đều làm hết trách nhiệm của mình để có thể bảo quản tốt các hiện vật, giới thiệu đến khách tham quan hiểu hơn về con người của Bác”, ông Phi cho hay.
Các hiện vật, tư liệu này không chỉ khắc họa phần nào cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng mà còn lưu giữ, đánh giá vai trò và những cống hiến của Bác Tôn đối với Cách mạng Việt Nam, những thành tựu mà nhân dân ta đã đạt được trong thế kỷ 20; đồng thời minh chứng cho sự hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống giản dị, liêm khiết của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Hằng năm, Bảo tàng thường xuyên tổ chức các hoạt động trưng bày, giao lưu, tuyên truyền lưu động tại các trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất; tổ chức Hội thi Vẽ tranh thiếu nhi với Bác Tôn. Qua đó, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống cho các thế hệ sau, nhất là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Chia sẻ cảm tưởng trong cuốn sổ lưu niệm Bảo tàng, ngày 1/2/2012, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Bùi Khánh Thế, đại diện đoàn các sinh viên trường Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh đã viết: "Chúng tôi nguyện noi gương đạo đức và tinh thần phục vụ của Bác, suốt đời làm tròn nhiệm vụ của những người công dân của Đất nước Việt Nam, xứng đáng là thế hệ do Bác Hồ, Bác Tôn và các bậc tiền bối của cách mạng Việt Nam dìu dắt, hướng dẫn trong cương vị mỗi người được Đất nước và nhân dân giao phó”.
Cùng chung một cảm tưởng, em Trương Tấn Phát, Liên đội phó Liên Đội trường Trung học Cơ sở Hoàng Quốc Việt, Quận 7 viết vào ngày 19/5/2018: “Chúng em cảm thấy rất khâm phục về cuộc đời của Bác Tôn trong sự nghiệp cách mạng của Người. Chúng em rất tự hào vì đất nước Việt Nam có một vị Chủ tịch nước tài năng. Chúng em hứa sẽ với Bác Tôn sẽ học tập thật chăm chỉ, vâng lời cha mẹ trở thành con ngoan trò giỏi”.
Nhằm đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ kết nối truyền thống cách mạng trong quá khứ và giới trẻ hiện đại hôm nay thông qua tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, bà Nguyễn Thị Khánh Hằng, Phó Giám đốc Bảo tàng TP Hồ Chí Minh cho biết, tập thể Ban giám đốc và cán bộ, nhân viên Bảo tàng tiếp tục nỗ lực hơn nữa, hoàn thiện công tác lưu giữ, bảo quản tư liệu, hiện vật của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Theo bà Khánh Hằng, TP Hồ Chí Minh đã quyết định cho phép xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng ở vị trí hiện tại với những trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại hơn. Qua đó, sẽ tiếp tục mang đến cho khách tham quan những trải nghiệm, nhận thức và ý nghĩa mới về Tôn Đức Thắng. Vừa là sản phẩm của thời đại, vừa ảnh hưởng đến thời đại, là một con người bình thường mà vĩ đại, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã trở thành biểu tượng - một hạt nhân đoàn kết dân tộc bởi phẩm chất đạo đức của ông.