Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự buổi gặp mặt.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo tại tỉnh An Giang. Với ý chí quật cường và lòng yêu quê hương, đất nước, ngay khi là công nhân đã sớm thức tỉnh tinh thần yêu nước của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Năm 1912, khi mới 24 tuổi, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Nhà máy sửa chữa tàu thủy Ba Son, mở đầu cho cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian lao nhưng rất vinh quang của người.
Là người có uy tín lớn trong Đảng, trong nhân dân, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đảm nhiệm qua nhiều chức vụ, đặc biệt, ông là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và 27 năm liên tục, ông làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và MTTQ Việt Nam, là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 2, 3, 4 cho đến khi qua đời (ngày 30/3/1980).
Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một nhà chính trị kiên định, nhà tổ chức tài năng, có những đóng góp quý giá về lý luận, làm sáng tỏ và phong phú hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu tham dự đã chia sẻ, làm sáng tỏ hơn những cống hiến trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Ông Phạm Thế Duyệt, Nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác Tôn là điều hết sức cảm động, từ những hoạt động này đã khơi dậy lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền bối, biết ơn trước công lao đóng góp của Bác Tôn đối với Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng chính là thể hiện cao độ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng chính là biểu tượng của thế trận lòng dân vững chắc. Chính tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nên sức mạnh riêng có của dân tộc Việt Nam. Chính "sức mạnh mềm" đó đã giúp đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và dành được thắng lợi như ngày hôm nay.
Bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, thế trận lòng dân được xuất phát từ lòng yêu quê hương, đất nước và sự tin tưởng đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Từ bài học thành công trên cho thấy, thế trận lòng dân đã tập hợp được lực lượng nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong mỗi giai đoạn cách mạng.
Do đó cần củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại ngày nay, cũng như suy nghĩ rộng hơn vai trò của mỗi cán bộ Mặt trận trong tình hình mới, luôn là người gương mẫu đi đầu để dân tin và cũng là để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người chiến sỹ cộng sản kiên trung, mẫu mực, đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, cho dân tộc; người là bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một nhân cách lớn, cao thượng và trong sáng, là tấm gương để chúng ta và các thế hệ mai sau mãi mãi tôn vinh và học tập.
Ông Trần Thanh Mẫn cho biết, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh thực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là dịp để mỗi người Việt Nam cùng ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, ôn lại cuộc đời cách mạng của những người cộng sản tiền bối như Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng.
Đồng thời, hiểu hơn giá trị thắng lợi của sự nghiệp cách mạng đã đạt được, tiếp nối truyền thống ông cha bằng những thắng lợi của cách mạng hôm nay; học tập tấm gương đạo đức sáng ngời của lớp người đi trước, tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng để phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân.
"Ghi tạc công sức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta càng tự hào về truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam, 88 năm qua đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành và phát triển; các thế hệ làm công tác Mặt trận nguyện tiếp tục ra sức rèn luyện, học tập đạo đức cách mạng "Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư" của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao" - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng đây là dịp để mỗi người cán bộ Mặt trận nhận thức sâu sắc hơn về công tác Mặt trận, về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và đạo đức cách mạng, xác định trách nhiệm của mình trong giai đoạn mới.
Từ đó, MTTQ Việt Nam các cấp luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chăm lo tốt hơn đời sống của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, góp phần tăng cường, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ tấm gương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Mặt trận các cấp tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong lao động, sản xuất, học tập, công tác; thường xuyên chăm lo cho các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, người yếu thế trong xã hội và đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ…; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nắm bắt tình hình nhân dân để kịp thời phản ánh, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về những vấn đề nhân dân quan tâm.
Các cấp Mặt trận tham gia tích cực, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, cùng Đảng, Nhà nước thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước, các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết XII của Đảng và kế hoạch kinh tế - xã hội Nhà nước đã đề ra.