Cuốn sách “Hai lần vượt Trường Sơn” dày 448 trang được bố cục 3 phần. Phần 1 “Thăm thẳm Trường Sơn” tái hiện lại cuộc hành quân vượt Trường Sơn lần thứ nhất vào mùa Xuân năm 1965. Phần 2 “Thênh thang Trường Sơn” ghi lại ký ức về cuộc hành quân vượt Trường Sơn lần thứ hai vào mùa Xuân năm 1974. Phần 3 là tập hợp những tình cảm chân thành dành cho nhà báo Kim Toàn và các đồng nghiệp tại chiến trường gồm những bài viết của đồng đội, đồng nghiệp gắn bó với nhà báo Kim Toàn suốt thời gian làm chiến sỹ và nhà báo trong chiến trường cũng như sau này.
Cuốn sách “Hai lần vượt Trường Sơn” - tác phẩm thứ tư mà Nhà báo Kim Toàn cho ra mắt bạn đọc. Những người làm báo hiểu được thông điệp từ tựa đề cuốn sách, bởi đó là thông tin lõi xuyên suốt tác phẩm gần 450 trang in này. Những ghi chép có ngày, tháng cụ thể với những chi tiết về mốc thời gian, tên nhân vật, tình huống sự việc, hiện tượng… được Nhà báo Kim Toàn tập hợp, sắp xếp và giới thiệu trong cuốn sách không chỉ là những trang ghi chép mà còn thực sự trở thành cuốn sách có giá trị về nghiệp vụ rất quý với những người làm báo, nhất là những người làm báo trẻ...
Cảm nhận về cuốn sách “Hai lần vượt Trường Sơn”, Nhà báo Hà Minh Huệ, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam xúc động nói: “Quả thật, đọc hết từng trang, từng dòng ghi chép của ông rất chi tiết, cụ thể và sống động, tôi thấy ông đã “hòa” vào một tập thể gan dạ, dũng cảm, “hòa” vào cuộc chiến đấu của cả dân tộc để đi tới đích giải phóng miền Nam như tên của tờ báo mà ông phục vụ: Báo Giải Phóng... Không rõ Nhà báo Kim Toàn còn có ý định viết tiếp đề tài chiến tranh, tiếp tục công bố những tư liệu, tài liệu quý mà ông đã công phu ghi chép, cất giữ và sưu tầm gần 60 năm qua hay không, bởi những cuốn sách ông đã xuất bản là nguồn tư liệu quý báu về mảng đóng góp của giới báo chí trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Những ghi chép của ông là một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh tổng thể về chiến công hiển hách của dân tộc ta trong thế kỷ XX mà cho đến nay những người làm nghệ thuật vẫn khắc khoải mong chờ một tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm, dù là một bộ phim hay một tác phẩm văn học”.
Với Nhà văn Đặng Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, đọc “Hai lần vượt Trường Sơn”, những cảm xúc ấy lại một lần nữa cuộn lên mạnh mẽ. Nhưng khác với các cuốn nhật ký mà chị đã từng đọc, ở “Hai lần vượt Trường Sơn” của nhà báo Kim Toàn, chị còn có thêm sự đồng cảm và tình yêu nghề nghiệp.
Những trang viết trong cuốn sách này khiến Nhà văn Đặng Thị Thúy thấy tự hào hơn, yêu nghề nghiệp hiện tại của mình hơn. Tài năng, bản lĩnh, ý chí kiên cường của một nhà báo lão thành với hơn 60 năm làm nghề, trong đó có hàng chục năm vào sinh ra tử, xông pha nơi chiến tuyến, từng viết rất nhiều tin, bài và chụp hàng ngàn tấm ảnh thời sự quý giá từ mặt trận năm xưa, chính là tấm gương sáng cho Nhà văn Đặng Thị Thúy soi vào đó mà rèn giũa, tiếp cho chị thêm nguồn động lực và sức mạnh niềm tin để phấn đấu mỗi ngày.
Nhà báo Phạm Thùy Linh, Báo Hải Phòng chia sẻ: "Mỗi cuốn sách của Nhà báo Kim Toàn được xuất bản đều giúp các nhà báo trẻ như chúng tôi có thêm cẩm nang về nghiệp vụ báo chí. Ba cuốn sách của ông xuất bản từ năm 2017 đến 2020 với bút danh "Cao Kim" viết về những năm tháng làm phóng viên Báo Giải Phóng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam hoạt động tại chiến trường cho tôi và đồng nghiệp những kinh nghiệm phong phú về sử dụng tình tiết, từ ngữ, cách chọn thể loại, cách viết mang theo thông tin, tư liệu quý giá… Các cuốn sách của ông đều kết hợp hài hòa giữa văn phong báo chí và phương thức diễn đạt bằng văn chương - vừa mềm mại, vừa súc tích".
Nhân dịp này, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội Tiến sĩ Trần Quốc Bình trao tặng 100 cuốn sách "Hai lần vượt Trường Sơn" cho cán bộ, chiến sỹ Trường Sa.