Gìn giữ nét đẹp Làng khoa bảng

Làng cổ Đông Ngạc - một trong ba ngôi làng thuộc xã Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không chỉ nổi danh là Làng khoa bảng, mà còn là mảnh đất lưu giữ được nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử có giá trị. Tuy nhiên, trước cơn lốc đô thị hóa hiện nay, những di sản trong ngôi làng cổ đang có nguy cơ bị biến dạng, thậm chí có thể bị xóa sổ nếu không sớm được bảo tồn.

 

Trong cái nắng gay gắt của những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến làng cổ Đông Ngạc. Ngoài vẻ đẹp yên bình, cổ kính, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những chiếc cổng làng, cổng nhà được xây theo hình tháp bút, một trong những biểu tượng thể hiện tinh thần hiếu học của người Bắc kỳ xưa nói chung, của người dân làng Đông Ngạc nói riêng.

 

Một trong những ngôi nhà tại Làng Vẽ trên 100 tuổi.


Theo lời kể của các cụ già trong làng, làng cổ Đông Ngạc, có tên nôm là Kẻ Vẽ, là một trong ba ngôi làng thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, nổi danh với 21 người đỗ tiến sỹ. Cả năm dòng họ lớn trong làng, dòng họ nào cũng có người đỗ đại khoa. Nhiều người trong số họ đã trở thành những danh nhân có ảnh hưởng lớn tới nhiều thế hệ trí thức nước nhà như Phan Phu Tiến, Hoàng Minh Giám, Đỗ Thế Giai, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Trung…


Không chỉ tự hào về truyền thống hiếu học, Đông Ngạc còn là mảnh đất lưu giữ được nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử có giá trị. Theo thống kê của Sở VH,TT&DL Hà Nội, toàn xã Đông Ngạc hiện có 21 di tích bao gồm đình, đền, chùa, nhà thờ họ… và khá nhiều kiến trúc nhà cổ. Trong hệ thống những ngôi nhà cổ ở Đông Ngạc có sự hòa trộn giữa hai trường phái kiến trúc Pháp - Việt. Đan xen giữa những ngôi từ đường, nhà thờ họ theo lối kiến trúc truyền thống phương Đông là những biệt thự được xây dựng từ đầu thế kỷ XX theo kiến trúc Pháp. Đó là tư gia của những trí thức Tây học hoặc của những thương gia kinh doanh phát đạt. Đây cũng là một trong những nét độc đáo của làng cổ Đông Ngạc.

 

Cụ Phan Trác Thuật, 92 tuổi, người trông nom nhà thờ họ Phan.


Đến với làng Đông Ngạc, sẽ thật thiếu sót nếu không ghé qua thăm nhà thờ tổ của họ Đỗ, Phan, Phạm, Nguyễn. Đây là những dòng họ có công xây dựng nên ngôi làng. Theo lời giới thiệu của người dân trong làng, chúng tôi tìm gặp ông Đỗ Quốc Hiến, Trưởng họ Đỗ đời thứ 15. Vừa nhâm nhi tách trà mạn, ông Hiến vừa tự hào kể về cụ tổ họ Đỗ là cụ Đỗ Thế Giai, một võ quan cao cấp dưới thời Lê - Trịnh. Từ khi còn sống, cụ Đỗ Thế Giai đã được triều đình phong Vương (gọi là Đỗ Đại Vương), đến khi qua đời cụ được tôn làm Thần (Thượng đẳng phúc thần).

Ông Hiến cho biết thêm, ngôi nhà cổ họ Đỗ này đã có niên đại trên 300 năm, trải qua sự khắc nghiệt của thời gian và ảnh hưởng của thời kỳ chiến tranh, nhiều cây cột, kèo trong ngôi nhà đã bị hư hại nặng. Phần mái gỗ nhiều chỗ bị hỏng, bị mọt, có chỗ được chắp vá tạm thời, trời mưa vẫn bị dột. Nền nhà cổ thấp, nên mỗi khi trời mưa lại bị ứ đọng nước, gây ẩm thấp, làm cho đồ đạc trong nhà cũng dễ bị hỏng theo. “Nếu có điều kiện, tôi rất muốn được sửa chữa lại, để ngôi nhà cổ của cha ông được sống mãi với thời gian, để cho con cháu đời sau biết được về truyền thống hiếu học của cha ông mình”, ông Đỗ Quốc Hiến tâm sự.

UBND quận Bắc Từ Liêm vừa triển khai thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Làng khoa bảng Đông Ngạc. Theo đề án, UBND quận Bắc Từ Liêm cam kết sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan để xúc tiến nhanh đề án, nhằm bảo vệ di sản của Hà Nội. Trước mắt, quận sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá và xếp hạng lại toàn bộ giá trị các di tích có giá trị trong làng, trên cơ sở đó lập hồ sơ khoa học các hiện vật trong di tích, đồng thời lấy ý kiến các nhà khoa học để tìm biện pháp bảo tồn các di tích của Làng khoa bảng, trên cơ sở giá trị những di tích, lịch sử của Làng khoa bảng để xây dựng đề xuất công nhận danh hiệu làng cổ Đông Ngạc.


Chia tay ông Đỗ Quốc Hiến, chúng tôi đến nhà thờ họ Phan, cũng là một trong những dòng họ nổi tiếng trong làng khoa bảng. Cụ Phan Trác Thuật, Trưởng họ đời thứ 18 của dòng họ Phan cho biết: “Nhà thờ họ Phan được xây dựng từ năm 1602, thờ cụ Phan Phù Tiên, người hai lần đỗ Tiến sĩ vào thời Trần và thời Lê. Ngôi nhà thờ này là niềm tự hào bao đời nay của con cháu dòng họ Phan. Nhưng khi hỏi tới hiện trạng của nhà thờ, cụ Thuật lo lắng: “Nhà thờ của chúng tôi hiện nay cứ hỏng đâu lại chữa đấy, dột thì lợp lại ngói, cột nghiêng thì kê bắn lại”. Cụ Thuật cho biết, cách đây 6 năm cụ đã phải lợp ngói lại một lần rồi, nhưng đến nay vẫn chưa có điều kiện để sửa chữa tổng thể.


Không chỉ riêng nhà ông Hiến, mà nhiều ngôi nhà cổ ở Đông Ngạc cũng đang trong tình trạng xuống cấp cần sớm được bảo tồn. Đó là nhà thờ họ Nguyễn, họ Phạm… Khi hỏi về thực trạng nhà thờ hiện nay, cụ Nguyễn Mạc, ban trị sự của dòng họ Nguyễn cho biết: “Từ năm 90 tới giờ, nhà thờ họ Nguyễn cũng đã ba lần sửa chữa, hai lần lát nền, một lần làm lại mái, nhưng đó chỉ là những giải pháp tạm thời để nhà thờ đỡ xuống cấp, chứ chưa có điều kiện để trùng tu toàn bộ những chỗ hư hỏng”.


Trao đổi với ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng Ban di tích phường Đông Ngạc về công tác trùng tu, bảo tồn những ngôi nhà cổ ở làng Đông Ngạc, ông cho biết, UBND quận Bắc Từ Liêm đang phối hợp với Sở VH,TT&DL Hà Nội hoàn thành hồ sơ để công nhận 10 di tích nhà thờ họ trong làng, từ đó sẽ tìm nguồn kinh phí để bảo tồn, trùng tu những ngôi nhà cổ đó. Tuy nhiên, việc khó khăn nhất hiện nay là có nhiều nhà thờ đang nằm trong khu vực đất đai vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó tính pháp lý chưa được công nhận, nên sẽ gây khó khăn không nhỏ cho công tác bảo tồn.


Bài và ảnh: Thùy Linh

Cách bảo tồn hiệu quả  ở làng cổ Đường Lâm
Cách bảo tồn hiệu quả ở làng cổ Đường Lâm

Ngôi nhà cổ 5 gian, đã 400 năm tuổi của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng là 1 trong 5 công trình của làng cổ Đường Lâm, vừa được UNESCO trao giải “Công trạng” trong Giải thưởng về bảo tồn di sản văn hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2013.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN