Bảo tồn làng cổ như một di sản sống

Theo các nhà nghiên cứu, lẽ ra vấn đề bảo tồn làng cổ ở Hà Nội phải được thực hiện trước quá trình quy hoạch đô thị, nhưng nó lại được đặt ra sau và khi đó, vốn cổ còn lại chẳng bao nhiêu. Đây là mâu thuẫn dẫn đến nhiều hệ lụy như sự mai một, mất đi hay thậm chí phá vỡ nhiều giá trị trong các ngôi làng cổ vốn được cha ông xây dựng, gìn giữ từ bao đời.


Mâu thuẫn giữa “xây” và “giữ”


Theo các chuyên gia, có một thực tế là trong khoảng vài thập niên gần đây, cùng với sự phát triển của đô thị, chúng ta đã chứng kiến sự mất đi vốn di sản của nhiều làng cổ gắn liền với tên tuổi của Hà Nội như làng Nhật Tân, Ngọc Hà, Láng, Bưởi… Và cũng chỉ trong chưa đầy chục năm trở lại đây thôi, tại các làng ven đô như làng Cự Đà hay các làng ở khu vực Mỹ Đình, không gian, cảnh quan kiến trúc đã bị biến đổi với một tốc độ chóng mặt, làm cho các giá trị về kiến trúc, nhân văn của các ngôi làng này hầu hết đều bị ảnh hưởng và mất đi.

Bảo tồn làng cổ Đường Lâm đang đặt ra rất nhiều vấn đề nan giải.


Bởi vậy, việc bảo tồn làng cổ là việc phải làm ngay, trước khi nhiều giá trị truyền thống đặc trưng của các ngôi làng bị biến mất. Tuy nhiên, bảo tồn như thế nào lại đang là vấn đề đầy thách thức với cả người dân và các nhà quản lý.


ThS Đỗ Danh Huấn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội) nhận xét: “Một điều chúng ta vẫn thường gặp trong câu chuyện bảo tồn, đó là giải quyết mối quan hệ giữa truyền thống và đổi mới, phải lựa chọn một trong hai giá trị đó. Truyền thống thường níu kéo đổi mới, còn đổi mới làm “mòn” truyền thống”. Cùng quan điểm này, ThS Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định: Việc bảo tồn các ngôi làng cổ sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa bảo tồn và nhu cầu phát triển. Như trường hợp làng cổ Đường Lâm dù đã được xếp hạng, nhưng việc áp dụng Luật Di sản văn hóa trong bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, trong quá trình bảo tồn lại có độ vênh giữa quy hoạch và thực tiễn, nhận thức của chính quyền địa phương và người dân về di sản chưa trọn vẹn, khiến cho rất nhiều vấn đề đã nảy sinh như thời gian vừa qua.


Di sản sống


Từ câu chuyện có thể coi là thất bại của việc bảo tồn làng cổ Đường Lâm, việc bảo tồn các ngôi làng cổ của Hà Nội như thế nào, đang được các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu thảo luận, nhằm đưa ra một giải pháp bảo tồn hợp lý, vừa gìn giữ được những giá trị truyền thống, vừa để người dân có thể sống được cùng với di sản do mình làm chủ.


GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng: “Việc bảo tồn những làng cổ, những giá trị truyền thống của Hà Nội là một câu chuyện thách thức nặng nề, thách thức sinh tử. Để bảo tồn, trước mắt cần phân biệt rõ di sản và di tích một cách rành mạch, qua đó tìm ra hướng đi cho hợp lý. Chỉ nên bảo tồn khi đó là những di sản thực sự chứ không chỉ là di tích. Nếu ta ứng xử với làng cổ như với di tích sẽ nảy sinh mâu thuẫn đối kháng giữa nhu cầu tự nhiên của cộng đồng dân cư và những đòi hỏi của bảo tồn. Phải hiểu làng cổ như một cơ thể sống và từ đó ứng xử tương ứng, bảo tồn làng cổ trong sự phát triển tiếp nối. Bảo tồn muốn khả thi phải được đảm bảo bằng các chính sách, phản ánh nhận thức đầy đủ và khách quan về di sản văn hóa làng, chiến lược bảo tồn và phát triển. Các chính sách sẽ là nền tảng cho những văn bản mang tính pháp quy, cho công tác quản lý bảo tồn và xây dựng”.


Nhắc đến vai trò của cộng đồng trong bảo tồn làng cổ, GS.TS.KTS Phạm Đình Việt cho biết: “Bảo tồn làng là bảo tồn một điểm dân cư “sống”, bởi vậy phải làm sao để dân sống đúng với nghĩa đen của nó. Điều này cho thấy vai trò của cộng đồng rất quan trọng, vì họ mới là chủ sở hữu của di sản, họ cần được hưởng lợi nhuận từ nó và đồng thời họ cũng phải chịu trách nhiệm về sự tồn tại của nó. Nhà nước nên đứng ở vai trò hướng dẫn và hỗ trợ tích cực. Với phương châm này, Nhật Bản đã thành công trong việc bảo tồn các làng cổ và làng nghề của họ”.

Phó GĐ Sở VH,TT&DL Hà Nội, Trương Minh Tiến: Cần sự đồng thuận Ngoài việc đưa ra các tiêu chí để đánh giá, phân loại giá trị các làng cổ ở Hà Nội, qua đó xây dựng phương án bảo tồn, thì việc quan trọng nhất là phải tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc tự nguyện cam kết bảo vệ di sản. Bên cạnh đó, phải xây dựng được cơ chế chính sách phù hợp đối với từng làng cổ, phù hợp với đặc điểm, tính chất và điều kiện kinh tế, xã hội của từng vùng, từng địa phương.

 

ThS Đinh Thị Duyệt, Viện Bảo tồn di tích: Chú ý nếp sinh hoạt Cần phải bắt đầu từ khái niệm: Làng cổ có phải là một bảo tàng sống? Điều này không chỉ phục vụ cho việc xác định mục tiêu của bảo tồn di sản, mà còn giúp chúng ta lựa chọn lối ứng xử thích hợp cho mục tiêu bảo tồn và phát triển làng cổ. Bên cạnh đó, trong khi bảo tồn làng cổ, cần chú ý nếp sinh hoạt thường ngày, tính cách của người dân. Sự mộc mạc mang tính dân gian của làng cổ là một giá trị văn hóa vô cùng quan trọng. Do đó, nếu vội vã biến các làng cổ thành khu du lịch thì e rằng sẽ có một sự thay đổi không thể lường trước được, người dân thu lợi từ sự có mặt của khách du lịch, tuy nhiên nếu xét theo khía cạnh xã hội thì điều đó đã tạo nên khoảng cách về thu nhập giữa người này với người khác, gia đình này với gia đình khác ở trong làng. Hơn nữa, những người không có lợi ích sẽ cảm thấy bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Việc này tạo nên căng thẳng giữa hai nhóm và mất đi tình đoàn kết cộng đồng.

 

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Chỉ nên bảo tồn 1-2 làng cổ Hà Nội Chúng tôi đã từng tiến hành điều tra lấy ý kiến của một xã ở Hải Dương, thì có tới 90% bà con nông dân nói rằng họ không muốn ở nhà cũ, phải chăng chúng ta đang quá hoài niệm về những thứ được gọi là cổ? Lý do người nông dân không muốn ở trong những ngôi nhà cổ là vì họ sợ không có gỗ, không có tre, nhất là không có kinh phí để sửa nhà, điều này thực sự đang vượt quá sức của chúng ta. Tôi nghĩ rằng, Hà Nội hiện nay diện tích rộng, lại sát nhập thêm rất nhiều làng cổ, nếu đặt nặng vấn đề phải bảo tồn tất cả thì e rằng sẽ gây ra những bức xúc, nảy sinh nhiều vấn đề gây tranh cãi với người dân, những người làm khoa học, nhà quản lý, những người làm công tác bảo tồn cũng phải rượt đuổi theo vấn đề này. Theo tôi, chúng ta chỉ nên tập trung bảo tồn 1 đến 2 làng cổ là di sản thực sự, thực sự đặc trưng, tiêu biểu.

Tạ Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN