Tối 17/4, sân khấu cung An định đã bùng cháy với chương trình "Vũ điệu của trống" đến từ nhóm vũ nhạc “Tararam”, nhóm nhạc đại diện cho Israel lần đầu tiên tham gia biểu diễn tại Festival Huế 2014. Các nghệ sỹ của "Tararam" đã biến những cái chổi, thùng phi, ghế đẩu, thùng thiếc... trở thành nhạc cụ và cống hiến cho khán giả một màn biểu diễn ấn tượng, mang đậm nét văn hóa đặc sắc và độc đáo của mảnh đất Trung Đông huyền bí.
Buổi biểu diễn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân ở Huế. Khán đài hơn 1.000 chỗ ngồi của cung An Định đã chật cứng người đến xem và cổ vũ cho các nghệ sĩ. Trên sân khấu, các nghệ sĩ thể hiện sức sáng tạo và thăng hoa trong cảm xúc thông qua sự pha trộn của nhịp điệu, vũ đạo và ánh sáng, phía dưới khán đài người xem hòa mình vào không gian vũ nhạc đa phong cách bằng những tràng vỗ tay dòn giã hay nhịp chân hưởng ứng.
Các nghệ sỹ của "Tararam" biểu diễn với những vật dụng tái chế. Ảnh: huefestival.com |
Nhóm Tararam có 8 nghệ sỹ, lần này đến Festival Huế, nhóm cử 5 thành viên xuất sắc nhất gồm Kim Gordon, Yael Rosenblat, Yair Tzabary Gordon, Tomer Ifrach và Amir Weiss. Phần biểu diễn của nhóm không phải là những tiết mục đơn lẻ mà là một bản nhạc được tổng hợp từ những đoạn biểu diễn hay nhất của nhóm trong các chương trình đã lưu diễn khắp nơi trên thế giới, xuyên suốt hơn 1 giờ đồng hồ. Các nghệ sỹ của nhóm Tararam kết nối với khán giả bằng những âm thanh đặc biệt được tạo ra bởi các vật dụng tái chế và các bộ gõ. Vật dụng tái chế nhóm đem đến Festival Huế lần này gồm thùng phi, chổi, ghế đẩu, thùng thiếc...
Bạn Võ Thu Trang, đến từ Hà Tĩnh cho biết: "Đây là lần đầu tiên mình được thưởng thức một chương trình đặc biệt như thế, quá tuyệt vời. Từ những vật dụng bình thường nhưng các nghệ sỹ đã tạo nên những âm thanh đặc biệt, tác động mạnh đến thính giác và thị giác của người xem. Đây là một trải nghiệm đầy thú vị, giúp mình cảm nhận được phần nào nét văn hóa đặc sắc của một quốc gia đến từ Trung Đông".
Được mệnh danh là “dàn nhạc của những âm điệu hòa hợp từ nhạc cụ tái chế”, Tararam là sự pha trộn của những giai điệu và chuyển động đầy năng lượng kết hợp với những màn biểu diễn trống kèm vũ đạo uyển chuyển. Nhóm vũ nhạc được thành lập vào năm 1997 bởi nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc dày dặn kinh nghiệm Doron Raphaeli. Âm nhạc trong các tiết mục của nhóm đến từ những vật dụng tái chế đặc biệt như những chiếc vỏ lon, thùng nhựa, ống nước, ghế gỗ, trống, thìa kim loại, hay thậm chí là…cưa máy.
Nhóm vũ nhạc Tararam đã có những chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới hết sức thành công, đặc biệt nhóm từng tham gia biểu diễn tại Thế vận hội mùa hè 2004 tại Athens, Hy Lạp, hội chợ triển lãm Quốc tế - World Expo tại Đức và nhiều Festival âm nhạc quốc tế ở Costa Rica, Slovenia, Colombia, Ấn Độ, Hàn Quốc... Tararam đã thành công trên con đường thể hiện cốt lõi văn hóa Israel bằng những trải nghiệm nhạc - vũ - kịch thú vị và đầy cảm hứng của mình.
Tại sân khấu này, nhóm nhạc Tararam mang đến những góc nhìn mới lạ, trẻ trung về nghệ thuật trình diễn của Israel bằng sự kết hợp giữa nét hiện đại của xã hội công nghiệp với những yếu tố văn hóa truyền thống của Israel nói riêng và Trung Đông nói chung. Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, các nghệ sỹ giao lưu với khán giả bằng những âm thanh kỳ diệu phát ra từ những vật dụng đời thường. Rất nhiều khán giả đã cùng nhún nhảy trong suốt thời gian diễn ra chương trình để cùng hòa mình với những nghệ sĩ trong thế giới âm thanh đầy sống động. Sự ủng hộ nhiệt tình của người dân Huế và du khách nước ngoài đã làm tăng sự hứng thú cho các nghệ sĩ, khiến tác phẩm âm nhạc này mang nhiều xúc cảm và cuốn hút hơn.
Nhóm vũ nhạc “Tararam” chinh phục khán giả tại Israel bằng những chương trình biểu diễn sôi động đầy hứng khởi, đưa người xem đến với một thế giới âm nhạc đặc sắc và mới lạ chưa từng có ở Việt Nam. Sắp tới, nhóm vũ nhạc Tararam sẽ có buổi biểu diễn tại Hà Nội vào ngày 21/4.
Tham gia vào không gian âm nhạc đa sắc màu hôm nay, còn có 28 đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước biểu diễn ở tất cả các sân khấu tại Đại nội, Cung An Định, Bia Quốc học và các công viên ở thành phố Huế. Để đưa lễ hội đến gần hơn với công chúng, nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, nhóm múa Smile đến từ Nga và đoàn nghệ thuật tổng hợp Hà Nam (Trung Quốc) và đoàn nghệ thuật PA Talents (Singapore) còn đến biểu diễn phục vụ bà con ở những vùng miền xa trung tâm, như ở thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Quảng Điền, Phú Lộc. Không chỉ vậy, bà con ở huyện miền núi Nam Đông cũng được thưởng thức một chương trình nghệ thuật phong phú từ múa hiện đại, đến múa dân gian hay những điệu múa cổ điển đặc trưng của xứ sở Bạch Dương của các nghệ sỹ đến từ nhóm múa Raduga - nhóm múa xuất sắc và giàu tính sáng tạo nhất thành phố Khabarovsk – Nga, từng tham gia rất nhiều liên hoan múa trên khắp thế giới.
Tường Vi