Duyên viết sách của “thầy đồ” xứ Thanh

Vài năm lại đây, nhà giáo Hoàng Khôi (ảnh) (tên thật là Vũ Ngọc Khôi, SN 1949) liên tiếp cho ra mắt bạn đọc những cuốn sách với nhiều thể tài khác nhau. Ông cũng khoe, thời gian tới một nhà sách sẽ in tiếp vài đầu sách nữa của mình.


Tù binh đảo Phú Quốc viết sách

Sinh ra ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, quê hương Nguyễn Du, Vũ Ngọc Khôi lớn lên và trưởng thành, gắn bó với nghề dạy học suốt mấy chục năm ở xứ Thanh, gắn bó cả đời với bao lứa học sinh các cấp ở Đông Sơn, Quảng Xương, trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), Chu Văn An (Hà Nội). Sự cầu toàn của người thầy khi bình văn bình thơ, khen sao cho có cơ sở, khen sao cho đúng, phê sao cho phải đã thôi thúc thầy giáo Khôi vừa dạy học vừa viết sách.
Thực ra, Vũ Ngọc Khôi là người có duyên với viết lách. Tháng 5/1972, khi đã là giáo viên, trong đợt tổng động viên vào chiến trường Quảng Trị, cùng với 46 giáo viên và kỹ sư của Thanh Hóa, ông lên đường đi bộ đội. Chiều ngày 27/1/1973, đúng ngày Hiệp định Pari ký kết, ông bị địch bắt làm tù binh, giam ở đảo Phú Quốc.

55 ngày sau, ông được trao trả ở sân bay Thiện Ngôn, Tây Ninh. Sau đó chàng trai Vũ Ngọc Khôi được giữ lại làm cán bộ tuyên huấn, chuyên viết bài gương người tốt. Sau đó thì quay ra Bắc. Trong thời gian quay ra, đi theo đường Trường Sơn, vừa đi vừa tìm hiểu, vừa học tập, hình thành ý tưởng viết về con đường Trường Sơn huyền thoại. năm 1981, ông cho ra mắt cuốn “Ngàn dặm Trường Sơn” (Nhà xuất bản Văn hóa), như một bút ký nghiên cứu.

Cuốn sách giới thiệu (một cách phổ thông) giá trị địa lý, lịch sử, văn hóa của vùng đất Trường Sơn và Tây Nguyên; con đường mòn Hồ Chí Minh; về cuộc chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ trên đường Trường Sơn. Cuốn sách đã được dịch ra tiếng Anh (NXB Thế giới) và được in lại rồi tái bản những năm gần đây. Đây cũng là cuốn sách mà ông rất ưng ý. Năm 1985, khi bắt đầu lấp sông Đà đợt hai cho việc xây dựng Nhà máy thủy điện, ông cũng đã lên đây. Để rồi, cũng cách viết như “Ngàn dặm Trường Sơn”, Vũ Ngọc Khôi viết “Dọc sông Đà”, giới thiệu những giá trị thuộc về văn hóa dọc triền sông.

Nghiên cứu văn hóa dân gian

Vũ Ngọc Khôi được biết đến nhiều với tư cách là “nhà nghiên cứu văn hóa dân gian”. Điều này ông thừa hưởng từ cha mình, Giáo sư Vũ Ngọc Khánh, một nhà giáo, một nhà nghiên cứu, viết khá nhiều sách về văn hóa dân gian.

Sự cần mẫn của người cha khi tích lũy sách phục vụ nghiên cứu đã để lại dấu ấn trong đầu cậu bé Khôi. Cậu vẫn còn nhớ, trong nhà có những cuốn sách cách đây bảy, tám mươi năm, trải qua bao nhiêu năm tháng chiến tranh, chạy hết chỗ nọ chỗ kia đi sơ tán, bị mối mọt xông nhưng vẫn được cha cất giữ cẩn thận.

Ban đầu Vũ Ngọc Khôi sưu tầm ca dao, tục ngữ, truyện dân gian. Khi có đủ vốn liếng thì viết bài đánh giá, giới thiệu về truyện dân gian, thơ ca dân gian. Từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước đến nay, Vũ Ngọc Khôi là một trong những người biết về văn hóa dân gian Thanh Hóa khá kỹ.

Suốt một thời gian dài, kể cả lúc còn đang dạy học, cho đến lúc nghỉ hưu, tuần nào ông cũng lên Truyền hình Thanh Hóa để nói về những giá trị văn hóa của vùng đất này. Sau này về Hà Nội rồi (năm 2009) thì ông mới thôi không làm việc này nữa. Cách đây khoảng hơn chục ngày, khi cuốn “Truyện dân gian Thanh Hóa” (Vũ Ngọc Khôi in chung với một số tác giả khác) được in lại và dịch sang tiếng Hàn, cầm cuốn sách dày dặn đẹp đã ông không giấu được sự vui mừng.

Truyền thuyết những người mở cõi

“Nghiên cứu văn học văn hóa dân gian nhiều, nên tôi đã tập hợp nhiều truyền thuyết liên quan đến vấn đề “dựng nước, mở cõi”, ông kể. Một lần, có người bạn đưa cho cuốn sách “Những người mở đất phương Nam” viết các chúa Nguyễn, vua Nguyễn mở cõi ở phương Nam thế nào. “Lúc ấy tôi nghĩ, với những tư liệu tích lũy, sưu tầm bao nhiêu năm nay, tại sao mình không viết cuốn “mở cõi Việt Nam” nhỉ”.

Trong quá trình xây dựng cuốn sách đó, ông cũng nghĩ một điều nữa là văn hóa làng. Mới thấy, Việt Nam hay ở chỗ, một đất nước bị kẻ thù thường tìm cách xâm chiếm, có lúc bị đô hộ; nhưng riêng yếu tố làng không bao giờ bị phá vỡ. Làng không mất, lệ làng không mất, như thế có nghĩa những giá trị thuộc về văn hóa làng vẫn tồn tại. Từ đó mới nghĩ, “mở cõi” không chỉ mở về mặt không gian mà còn mở cả về tầm văn hóa, tầm ngoại giao nữa.


Nhưng cuốn sách vẫn chỉ là trong ý nghĩ, cho đến năm 2010, khi Vũ Ngọc Khôi vào Đà Lạt, tình cờ gặp một người dân tộc trên đỉnh Langbiang. Vị này cho ông một cuốn sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Trác Dĩ (thời Việt Nam cộng hòa). Trong đó có một số truyền thuyết về đắp đất, mở núi. Từ đó, tứ của cuốn sách hình thành. “Mở cõi” phải bắt đầu từ thời hồng hoang khi mọi thứ còn sơ khai, đất trời chưa phân định, “mở cõi” cũng được tính từ lúc Thần trụ trời phân khai trời đất Việt, với đẻ đất đẻ nước, từ lúc Lạc Long Quân và Âu Cơ. “Mở cõi” phải mở ở cả vùng đất phía bắc, mở ở phía nam, phải mở ở cao nguyên, Tây Nguyên và phải mở ra phía biển nữa. Mở ra phía biển có Mai An Tiêm, các vua Nguyễn đã mở ra Hoàng Sa, Trường Sa, mở ra Phú Quốc, mở ra Côn Đảo, Nguyễn Công Trứ khai phá đất Tiền Hải-Thái Bình… Kết thúc cuốn sách Vũ Ngọc Khôi dành một phần viết “Người đi tìm hình của nước”. “Viết về những người mở cõi mà không viết về chủ tịch Hồ Chí Minh thì có lẽ là một thiếu sót lớn. Bác Hồ là người khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đó cũng là mở cõi vậy”, ông nói.

Thực ra, không phải đến Vũ Ngọc Khôi, truyền thuyết về những người mở cõi mới được viết. Nguyễn Đổng Chi khi viết “Lược khảo thần thoại VN” đã nói về Lạc Long Quân, về Kinh Dương Vương, Âu Cơ, Ngư Tinh, Mộc Tinh,… Nhưng đó là những mẩu lẻ ngắn, chưa thành hệ thống.

“Tất cả truyền thuyết người ta kể đã in thành sách cả rồi. Chẳng hạn về Lạc Long Quân, sách viết cả rồi, mình cũng chẳng hơn gì cả, chỉ là người biết cách để tổng hợp lại thôi, để bạn đọc tiện theo dõi, so sánh đối chiếu”. Chẳng hạn cũng về Lạc Long Quân thì ông sắp xếp câu chuyện từ lúc Lạc Long Quân mở nước thế nào, lấy bà Âu Cơ ra sao, các trận đánh trừ diệt yêu tinh, quỷ quái giúp đỡ dân lành…

Hay như truyện Thần trụ trời, nếu đọc trong sách giáo khoa thì có một mẩu thôi. Nhưng khi Vũ Ngọc Khôi đọc đến truyền thuyết về vị thần này ở vùng Lạng Sơn, vùng Cao Bằng, thì thấy ở đấy cũng có Thần trụ trời, dưới sự cai quản của thần có các Ông đào sông, Ông trồng cây,… ông đã đưa những câu chuyện này vào thành một mạch truyện, như phần “Thần trụ trời phân khai trời đất Việt” ngay đầu tiên của cuốn sách.

Chỉ trong vài tháng cuốn sách đã được viết xong. Cuối năm 2013, “Truyền thuyết về những người mở cõi” (NXB Hà Nội liên kết Nhà sách Thăng Long) của Vũ Ngọc Khôi ra mắt bạn đọc. Ông muốn gửi gắm đến người đọc “Những người mở cõi là mở ra một không gian cho người Việt. Trong quá trình đó, con người không chỉ khẳng định mở cõi bằng địa vực mà bằng cả văn hóa như văn hóa làng, bằng ngôn ngữ và khả năng ngoại giao”. Cuốn sách còn mang một ý nghĩa đặc biệt nữa khi lời tựa do chính cha ông, Giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết. Những dòng kết của cuốn sách, phần viết về Hồ Chí Minh, ông cũng trích một đoạn trong “Khải hoàn bố cáo” của giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, để tri ân cha mình, người có sức ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của ông.

 Bài và ảnh: Hoàng Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN