Dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương

Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam từ bao đời nay, Vua Hùng là vị Quốc Tổ đã có công dựng nên nước Văn Lang - Nhà nước sơ khai đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Để thể hiện tấm lòng thành kính tri ân công đức đối với tổ tiên, tỉnh Phú Thọ đã quyết định sẽ xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương, giúp cho các thế hệ trẻ hiểu được lịch sử dân tộc Việt Nam; đồng thời góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh.

Theo ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, việc xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương tại khu di tích lịch sử Đền Hùng là hết sức cần thiết. Đó không chỉ là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ; mà còn là tấm lòng của đồng bào cả nước hướng về cội nguồn dân tộc.Tượng đài Hùng Vương còn được coi là thông điệp lịch sử và nghệ thuật giúp cho các thế hệ trẻ hiểu được lịch sử dân tộc. Mặt khác, cùng với cảnh quan xung quanh, tượng đài trở thành một công trình văn hóa công cộng giàu tính thẩm mỹ, góp phần giáo dục truyền thống cho mọi thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam.

Phối cảnh mẫu Tượng đài Hùng Vương 01.
Ảnh: Trung Kiên – TTXVN

Với ý nghĩa to lớn ấy, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Phú Thọ lập dự án xây dựng tượng đài Hùng Vương; cân nhắc lựa chọn địa điểm, hình tượng nhân vật dựa trên các cơ sở khoa học cũng như tư liệu hiện có. Từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan và các chuyên gia, UBND tỉnh Phú Thọ sơ bộ thống nhất vị trí lựa chọn xây dựng tượng đài nằm trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng và giao Khu di tích lịch sử Đền Hùng làm Chủ đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định.

Phối cảnh mẫu Tượng đài Hùng Vương 02.

Để có thể tạo điểm nhấn không gian, nâng cao vị thế của công trình, tỉnh Phú Thọ đã lựa chọn kỹ càng về vị trí chính xác cũng như quy mô kích thước tượng đài phù hợp, hình khối chắc, mạch lạc, đơn giản; nhưng gây được ấn tượng mạnh và bằng chất liệu bền vững, đáp ứng được các yêu cầu về nội dung tư tưởng, về mỹ thuật, quy mô, kết cấu, chất liệu tượng đài, đảm bảo an toàn, độ bền vững và không gian kiến trúc cảnh quan, sân vườn, đường dạo…

Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng đã tiến hành xây dựng đề cương dự án xây dựng tượng đài Hùng Vương trình UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời tham mưu với UBND tỉnh thành lập Hội đồng nghệ thuật, lập Đề án tổ chức và thể lệ thi tuyển “Sáng tác phác thảo Tượng đài Hùng Vương” tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cuộc thi, tổ thư ký và Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã thành lập Ban tổ chức cuộc thi giúp Ban Chỉ đạo trong quá trình tổ chức cuộc thi sáng tác phác thảo mẫu tượng đài Hùng Vương.

Phối cảnh mẫu Tượng đài Hùng Vương 03. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN

Việc tổ chức mời tham gia thi tuyển "Sáng tác phác thảo mẫu Tượng đài Hùng Vương" đã được triển khai trên quy mô toàn quốc; đồng thời giới thiệu cho các tổ chức, cá nhân, nhóm tác giả tham gia đăng ký dự thi đi tham quan, khảo sát hiện trường tại khu di tích và vị trí nơi dự kiến xây dựng tượng đài; cung cấp các thông tin có liên quan, tiếp nhận thông tin trong suốt quá trình thi tuyển.

Theo ý kiến của các chuyên gia, Vua Hùng là vị Quốc Tổ đã có công dựng nên nước Văn Lang - Nhà nước sơ khai đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, khi xây dựng tượng đài cần phải đảm bảo là hình ảnh được đúc kết một cách cô đọng nhất, phản ánh được trí tuệ, nhân cách và ý chí kiên cường của tổ tiên trong thời kỳ dựng nước; thể hiện được sức mạnh tinh thần của nhân vật, đạt tới hình thái biểu tượng anh hùng dựng nước, người khai phá, đặt nền tảng và dựng xây đất nước.

Sau 4 tháng dự thi, Ban tổ chức đã tiếp nhận được 21 phương án, tác phẩm dự thi, mỗi phương án gồm có: Mẫu tượng, bản vẽ và thuyết minh đi kèm. Quá trình tổ chức chấm và xét chọn các phương án, tác phẩm dự thi đã được diễn ra công khai, minh bạch tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đảm bảo đúng trình tự các bước theo quy định trên cơ sở đề án và thể lệ cuộc thi.

Hội đồng nghệ thuật đã tiến hành làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao, tổng hợp kết quả xét chọn và chọn được 3 phương án, tác phẩm tiêu biểu đưa vào vòng 2. Từ 3 tác phẩm được lựa chọn, hội đồng tiến hành đánh giá, ghi phiếu kiến nghị cho các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện tác phẩm của mình, nộp lại tác phẩm cho Ban tổ chức để trưng bày lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các nhà khoa học, chuyên môn.

Bà Tạ Thị Kim Nhung, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Đúng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2016, Ban tổ chức chính thức giới thiệu mẫu tác phẩm tượng đài Quốc tổ Hùng Vương để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân và các nhà khoa học, chuyên môn ngay tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Việc lấy ý kiến được diễn ra trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, từ ngày7/4 đến hết ngày 16/4 (tức 1/3 đến hết ngày 10/3) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Tác phẩm được đông đảo ý kiến nhân dân đồng thuận và được Hội đồng nghệ thuật quyết định chọn, sẽ được lựa chọn làm cơ sở cho việc thực hiện đầu tư xây dựng công trình theo quy định.
Lâm Đào An
Triết lý nhân sinh trong huyền tích thời Hùng Vương
Triết lý nhân sinh trong huyền tích thời Hùng Vương

Trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt, những câu chuyện, những truyền thuyết và những huyền tích trong thời đại Hùng Vương từ bao đời nay vẫn còn sống mãi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN