Thành viên của đội Tân Sơn thể hiện phần thi gói bánh chưng. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN |
Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2016 tổ chức Hội thi “Gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày dâng lên Vua Hùng”. Tham dự hội thi có 15 đội, trong đó có hai đội thuộc thành phố Hà Nội, Hưng Yên; 13 đội còn lại đến từ các huyện, thị của tỉnh tỉnh Phú Thọ gồm: Thanh Thủy, Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Yên Lập, Lâm Thao, Tam Nông, Phù Ninh, Thanh Ba, Đoan Hùng, Tân Sơn, Hạ Hòa. Theo truyền thuyết, bánh chưng, bánh dày là biểu tượng của trời, đất, được chế biến từ hạt lúa nếp thơm, một sản phẩm tiêu biểu của nghề trồng lúa nước có từ thời Vua Hùng.
Hai loại bánh đặc biệt này được gắn với tục thờ cúng tổ tiên, với tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương của dân tộc Việt Nam. Hội thi "Gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày dâng lên Vua Hùng" được tổ chức hàng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng để tỏ lòng biết ơn, tri ân công đức các Vua Hùng đã tạo dựng nên một phong tục đẹp của dân tộc. Theo Ban Tổ chức, hai đội đoạt giải Nhất hội thi “Gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày dâng lên Vua Hùng" năm 2016 sẽ được gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày dâng lên Vua Hùng vào ngày 10/3 Âm lịch năm 2017.
Các đội trưng bày sản phẩm tại Hội thi. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN |
*Cùng ngày, tại sân Bảo tàng Hùng Vương, UBND thành phố Việt Trì tổ chức Liên hoan hát Xoan thanh thiếu nhi lần thứ III. Tham gia liên hoan Xoan có trên 100 thanh thiếu nhi tuổi đời từ 6 đến 18 tuổi đến từ các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Các đội thi đã biểu diễn 18 tiết mục Hát Xoan cổ ở cả ba chặng như: Nhàn ngâm cách, Nhập tịch mời vua, Đối rẫy cách, Bỏ bộ, Đón đào, Giáo trống, Thơ nhang… Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ tổ chức chương trình giới thiệu đĩa DVD hát Xoan chọn lọc. Đây là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển hát Xoan Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân lại. Theo đó, tỉnh Phú Thọ sẽ trình UNESCO công nhận hát Xoan Phú Thọ thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2017.
Thành viên của đội Hà Nội thể hiện phần thi gói bánh chưng. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN |
*Nhân dịp này, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2016 tổ chức triển lãm các tư liệu ảnh, hiện vật quý mà đồng bào cả nước cung tiến Đền Hùng.Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng những hiện vật quý thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của mọi miền đất nước như: đàn đá Khánh Sơn do Thành phố Hồ Chí Minh cung tiến nhân dịp Giỗ Tổ năm 2000; hai kiệu Bát Cống do tỉnh Vĩnh Phúc cung tiến năm 2005; hai lọ lục bình làm từ gỗ Du Sam có độ tuổi 400 năm, nặng 1 tấn do tỉnh Đắc Nông cung tiến năm 2015. Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày các tư liệu ảnh về các danh lam thắng cảnh, sản phẩm gốm, sứ, đồng (lọ lục bình, chóe sứ, lư hương…) do các nghệ nhân gốm Bát Tràng và tập thể, cá nhân những người con đất Tổ cung tiến. Việc tổ chức triển lãm trưng bày các tư liệu ảnh, hiện vật cung tiến Hùng Vương góp phần làm phong phú thêm các hoạt động của Lễ hội Đền Hùng, thể hiện tình cảm sâu sắc, nhớ ơn công đức tổ tiên của những người con đất Việt. Đây cũng là cơ hội để các địa phương quảng bá, giới thiệu đến du khách những nét đặc sắc trên quê hương đất Tổ.
Thành viên của đội Đoan Hùng thể hiện phần thi giã bánh dày. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN |
Ngoài ra, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2016 cũng đồng loạt tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng của các tỉnh tham gia góp giỗ; các giải thể thao quần chúng như: Vật dân tộc, bóng chuyển, bắn nỏ truyền thống; tổ chức trưng bày tư liệu, hiện vật về văn hóa phi vật thể “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tinh hoa cổ vật vùng đất Tổ” phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016...
Ngày mai (14/4) sẽ diễn ra Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích; khai mạc triển lãm tranh, ảnh của các nghệ sỹ Phú Thọ; khai mạc giải bóng truyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương và nhiều hoạt động khác.