Đọc “Văn minh Việt Nam” - hiểu thêm về văn hóa Việt

Cuốn “Văn minh Việt Nam” được coi là một trong những tác phẩm quan trọng bậc nhất, trong tủ sách nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam. Cuốn sách là một trong số ít nghiên cứu, đặt vấn đề tiếp cận văn hóa Việt Nam một cách tổng thể.

Khẳng định văn hóa Việt

Cuốn sách “Văn minh Việt Nam” của tác giả Nguyễn Văn Huyên, nhà dân tộc học, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục vừa được NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam phát hành vào những ngày cuối cùng của năm 2016. Cuốn sách gồm 12 chương, cung cấp một lượng thông tin đồ sộ về con người, xã hội và văn hóa Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, những gì thuộc về bản sắc Việt Nam, được gọi là “tật xấu” hoặc “nét đẹp” trong văn hóa người Việt.

Nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên (bên phải).

Nói về hoàn cảnh ra đời cuốn sách, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, con trai ông Nguyễn Văn Huyên kể, năm 1938, toàn quyền Đông Dương có nghị định về việc cần viết một cuốn sách về văn minh Việt Nam, để dùng làm sách giáo khoa cho bộ môn văn hóa Việt Nam trong các trường trung học mới được thành lập. Bởi vậy, Nha học chính Đông Dương đã đặt ông Nguyễn Văn Huyên viết cuốn sách này. Chỉ một năm sau (năm 1939) cuốn sách đã hoàn thành với tựa đề “La civilisation annamite”.

Mặc dù bị kiểm duyệt gắt gao của chính quyền thuộc địa thời đó, nhưng tác giả vẫn bền bỉ kháng cự để bảo vệ quan điểm của mình, nên phải 5 năm sau (năm 1944), cuốn sách mới được xuất bản tại Hà Nội.

Phải đến 50 năm sau khi in bản tiếng Pháp, cuốn sách mới được dịch sang tiếng Việt lần đầu tiên, vào năm 1995 - 1996 và được in trong cuốn “Góp phần nghiên cứu Văn hóa Việt Nam”, sau đó được tái bản trong “Nguyễn Văn Huyên toàn tập”, rồi xuất bản trong bộ sách “Những công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh”... Đây là lần thứ 5, cuốn “Văn minh Việt Nam” được tái bản, nhưng gần như là lần đầu tiên, cuốn sách đến tay bạn đọc dưới hình thức là một ấn bản độc lập. “Cuốn sách do dịch giả Đỗ Trọng Quang, một người bạn của gia đình dịch và là một bản dịch tin cậy”, PGS.TS Nguyễn văn Huy cho biết. 

Trong lịch sử dân tộc học Pháp, ông Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) thuộc về thế hệ các nhà dân tộc học chuyên nghiệp đầu tiên, thế hệ được các bậc thầy như Marcel Mauss dìu dắt. Ngày 17/2/1934, ông bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ ở Pháp. Về nước năm 1935, ông dạy Sử - Địa ở trường Bưởi - Chu Văn An cho tới hè 1938. Ngày 29/8/1938, Toàn quyền Đông Dương quyết định điều ông sang làm việc tại Viện Viễn Đông bác cổ Pháp với tư cách là thành viên biệt phái, sau đó là "thành viên khoa học" chính thức có biên chế tại viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về Đông phương học này. Ông là người châu Á duy nhất ở Viện Viễn Đông bác cổ Pháp giai đoạn trước 1945, được bổ nhiệm làm "thành viên khoa học", ngang hàng với các học giả người Pháp.


Cửa sổ mở ra thế giới

Theo đánh giá của nhiều học giả, cuốn “Văn minh Việt Nam” của Nguyễn Văn Huyên là tác phẩm quan trọng bậc nhất, trong tủ sách nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam, là phát ngôn của người Việt về văn hóa Việt Nam với cộng đồng thế giới. Ra đời trong cùng bối cảnh với “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh, “Văn minh Việt Nam” của Nguyễn Văn Huyên là một trong số ít nghiên cứu đặt vấn đề tiếp cận văn hóa Việt Nam một cách tổng thể. 

Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Huyên, một người viết bằng tiếng Việt, một người diễn đạt bằng tiếng Pháp, là hai tác giả người Việt đầu tiên đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu mới nhất của cộng đồng khoa học quốc tế đương thời và sử dụng phương pháp khoa học phương Tây để nghiên cứu các hiện tượng văn hóa và xã hội Việt Nam.

Bìa cuốn sách “Văn minh Việt Nam”.


Nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét, “Văn minh Việt Nam” là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”. PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể, ông đã nhiều lần được gặp và nói chuyện với nhà dân tộc học ông Georges Condominas, và ông đã thừa nhận, ông đã hiểu Việt Nam nhiều hơn, bởi ông đã đọc đi đọc lại cuốn “Văn minh Việt Nam” của Nguyễn Văn Huyên.

Cuốn sách có giá trị về việc mở ra một cửa sổ, để quốc tế hiểu hơn về văn minh Việt Nam, trong thời điểm đất nước ta chưa có được những công trình, những tài liệu để mở ra cho thế giới như ngày hôm nay. “Văn minh Việt Nam” còn giúp độc giả hiểu thêm về cuộc sống xã hội Việt Nam vào những năm 1930, thời điểm Nguyễn Văn Huyên viết tác phẩm này, từ đó, có những so sánh, đối chiếu với xã hội hiện nay, để thấy được sự thay đổi của văn hóa Việt trong 70 năm qua, đồng thời, cũng chứng minh một vấn đề, rằng văn hóa luôn không ngừng biến đổi.

Có thể nói, “Văn minh Việt Nam” đã tập hợp kho tri thức đồ sộ về văn minh và xã hội Việt Nam vào những năm 1930 - 1940, khi đó chúng ta đang sống trong một đất nước bị nô lệ, và việc Nguyễn Văn Huyên “dám” khẳng định một nền “Văn minh Việt Nam” vào thời điểm đó, là một việc làm dũng cảm, góp phần nhen nhóm niềm tự hào, truyền đạt lòng yêu nước cho thế hệ trẻ học sinh Việt Nam thời đó.

Phương Hà
Ra mắt sách ảnh về các di sản được UNESCO vinh danh
Ra mắt sách ảnh về các di sản được UNESCO vinh danh

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á vừa ra mắt cuốn sách ảnh “11 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh”. Sách do NXB Thông tấn in và phát hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN