Độc đáo mô hình đèn Trung thu lớn nhất Việt Nam

Đến hẹn lại lên, mỗi khi đến rằm Trung thu, thành phố Tuyên Quang lại rộn rã tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng trẻ vui cười bên những mô hình đèn Trung thu khổng lồ.


Mô hình đèn trung thu cá chép. Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN


Năm nay, chuẩn bị cho rằm Trung thu, ngay từ đầu tháng 7, các tổ dân phố trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đã lên kế hoạch xây dựng những mô hình đèn Trung thu khổng lồ để tham gia lễ hội Thành Tuyên 2015. Dự kiến, các tổ dân phố sẽ làm gần 100 mô hình đèn, mỗi mô hình mang một hình dáng, ý nghĩa khác nhau, tạo nên một đêm rằm Trung thu đa sắc màu, sinh động, đem lại niềm vui cho trẻ nhỏ, góp phần làm nên “Lễ hội Trung thu lớn nhất Việt Nam” của Tuyên Quang.

Tại tổ dân phố 21, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, người dân nơi đây đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng để hoàn thiện mô hình đèn Trung thu “Cá chép trông trăng”. Nhằm hoàn thiện mô hình này, người dân đã bắt tay vào làm cách đây gần 2 tháng. Mô hình có chiều dài gần 11 mét, chiều cao gần 5 mét, với kinh phí hơn 16 triệu đồng. Mô hình đèn Trung thu của tổ dân phố 21, phường Tân Quang được đánh giá là một trong những mô hình đẹp nhất mùa lễ hội năm nay.

Bà Phùng Thị Thanh Hương, Bí thư chi bộ tổ dân phố 21, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, cho biết: Lấy ý tưởng từ bức tranh dân gian “Lý ngư vọng nguyệt” với ý nghĩa hướng tới sự hoàn thiện, viên mãn của con người, qua mô hình này, các bậc phụ huynh của tổ dân phố 21 gửi gắm thông điệp mong muốn con, em mình luôn chăm ngoan, học giỏi và trưởng thành trong tương lai. Để hoàn thành được mô hình “Cá chép trông trăng”, tổ dân phố đã vận động nhân dân trong tổ đóng góp kinh phí tùy theo khả năng của mỗi hộ. Hoạt động này đã làm tăng thêm tinh thần đoàn kết của người dân trong tổ dân phố. Cũng theo bà Hương, trước khi bắt tay vào xây dựng mô hình, tổ dân phố 21, phường Tân Quang đã họp và quyết định thiết kế mô hình theo phong cách “động”, tức là mô hình “Cá chép trông trăng” sẽ tự quẫy đuôi, lắc mình, miệng nhả bong bóng thông qua hệ thống truyền chuyển động do người dân trong tổ tự thiết kế, sáng tạo.

Mô hình đèn Trung thu diễu trên đường phố. Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN


Mô hình “Rồng vàng” của tổ dân phố 22, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang được triển khai cách đây gần một tháng. Mô hình có chiều dài gần 12 mét, chiều cao 3,5 mét, uốn cong 5 đỉnh, hoàn thiện với kinh phí hơn 20 triệu đồng do người dân trong tổ đóng góp. Ông Phạm Duy Hữu, trưởng ban công tác mặt trận tổ 22, phường Phan Thiết chia sẻ, con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết con rồng cháu tiên của người Việt. Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh "long, lân, quy, phụng”. Thông qua mô hình “Rồng vàng”, các bậc ông bà, cha mẹ trong tổ dân phố mong muốn con, cháu mình luôn nhớ về nguồn gốc “con Lạc cháu Hồng”, tự hào về giống nòi của người Việt, sau này đóng góp sức lực, trí tuệ của mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại lễ hội Thành Tuyên năm nay, ngoài những mô hình đèn Trung thu lấy ý tưởng từ những truyền thuyết dân gian, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn của Việt Nam, còn có nhiều mô hình được lấy ý tưởng gắn với những sự kiện lịch sử hào hùng của nước ta. Bên mô hình “Âm vang Điện Biên”, bà Trần Thị Cõn, tổ trưởng tổ dân phố số 2, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, cho biết: Cứ đến rằm tháng Tám, người dân trong tổ dân phố lại làm đèn cho các cháu thiếu nhi vui Tết Trung thu.

Năm nay, tổ quyết định xây dựng mô hình đèn Trung thu “Âm vang Điện Biên”, với mong muốn các con, các cháu phải luôn luôn ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha anh đã hi sinh xương máu, đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, để các con, các cháu có được cuộc sống ấm no như ngày hôm nay và được hưởng Tết Trung thu vui vẻ, ấm áp. Mô hình đèn Trung thu của tổ dân phố gồm có 3 phần: phần 1 mô phỏng chiếc xe tải chở vũ khí, đạn dược phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ; phần 2 mô phỏng hình tượng 3 chiến sỹ phất cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng De Castries; phần 3 mô phỏng di tích lịch sử cầu Mường Thanh. Mô hình được hoàn thành trong thời gian một tháng, với kinh phí hơn 30 triệu đồng do người dân tự đóng góp.

Mặc dù chưa đến rằm Trung thu nhưng những ngày này, vào buổi tối trên các con phố của thành phố Tuyên Quang có hàng nghìn người dân và du khách tham gia rước đèn “khởi động” cho lễ hội Thành Tuyên. Những mô hình đèn Trung thu khổng lồ do người dân Tuyên Quang tự tay làm đã tạo ra không khí náo nhiệt, sự ngạc nhiên, cảm giác thích thú của du khách thập phương và niềm vui trong từng ánh mắt, nụ cười của trẻ nhỏ.

Quang Cường (TTXVN)
Bánh Trung thu truyền thống “lên ngôi”
Bánh Trung thu truyền thống “lên ngôi”

Người Hà Nội luôn dành tình cảm đặc biệt cho các thương hiệu bánh Trung thu truyền thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN