Rất may cho bọn trẻ là con đường làng ở quê giờ đây đã được trải nhựa khang trang nên dù trời có mưa vào đúng ngày Rằm thì cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc vui Trung thu như ngày trước.
Còn nhớ, để có lồng đèn vui “Tết thiếu nhi” là bọn con nít quê tôi phải bỏ ống heo từ trước đó rất lâu. Gần đến Rằm, chúng tôi “làm thịt” con heo đất, đem tất cả tiền dành dụm mua giấy kiếng, keo dán, nến về để cùng nhau làm lồng đèn. Bọn con trai thì chặt tre, trúc đem vót rồi phơi nắng cho thật dẻo để làm khung. Bọn con gái khéo tay thì ngồi bọc giấy kiếng, vẽ hình cây đa, chú Cuội, chị Hằng. Không chỉ làm đèn ngôi sao, chúng tôi còn sáng tạo không biết bao nhiêu loại đèn lồng khác nhau từ những vỏ lon bia, lon sữa bò,… Những chiếc đèn lồng thủ công do chính bọn trẻ làm tuy không sặc sỡ, đẹp bằng lồng đèn mua ở chợ nhưng vô cùng đáng yêu và quý giá. Ngày đó, nếu có được một chiếc đèn lồng như thế là quý bằng cả một gia tài.
Khi ánh trăng tháng Tám tròn vành vạnh và sáng nhất thì cũng chính là lúc khai hội trăng Rằm. Trong khi người lớn tất bật với việc cúng trăng thì bọn trẻ chúng tôi đã tập hợp lại với nhau thành một hàng dọc và trên tay đứa nào cũng cầm những chiếc lồng đèn lung linh ánh nến xanh, đỏ, tím, vàng.
Men theo con đường làng thẳng tắp, chúng tôi vừa đi, vừa cất lên những câu hát quen thuộc: “Tết Trung thu rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường/ Lòng vui sướng với đèn trong tay/ Em múa ca trong ánh trăng Rằm”. Rước đèn xong, bọn trẻ nhóm một đống lửa, ngồi quây quần chơi các trò chơi rồi lấy bánh ra ăn. Trên gương mặt bạn nào cũng đầy ắp niềm vui và hạnh phúc.
Trung thu ở quê tôi là vậy, luôn rộn rã tiếng cười và rực rỡ sắc màu. Ngày trước, cuộc sống dẫu có khó khăn nhưng Trung thu đối với chúng tôi bao giờ cũng là ngày “Tết” ngọt ngào và vui vẻ nhất. Bây giờ, dù đã trưởng thành và không còn được chơi lồng đèn nữa nhưng mỗi khi Tết Trung thu về là lòng tôi lại xao xuyến với những cung bậc cảm xúc. Nhớ quá những ngày Trung thu ở quê cùng bạn bè và người thân…