Định hướng phát triển của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam

Ngày 11/3, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk tổ chức Tọa đàm “Định hướng phát triển của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam” nhằm chào mừng kỷ niệm 71 năm ngày Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024).

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Hồ Sỹ Minh phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm.

Cách đây 71 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam, đặt nền móng cho sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam. Từ đó đến nay, ngành nhiếp ảnh đã có những bước phát triển, ghi lại những hình ảnh quý giá về chặng đường đấu tranh giành độc lập và đổi mới, đi lên của đất nước, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Hồ Sỹ Minh cho biết, Tọa đàm là một trong những nội dung quan trọng nhằm tìm hướng đi mới cho nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam sau 50 năm thống nhất đất nước, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, trí tuệ nhân tạo.

Tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ đã được khẳng định và đánh giá cao. Tài năng và nhiệt huyết của anh chị em đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam mới - yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Đó là gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc. Chính tình hình tư tưởng, tình cảm của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ hiện nay đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị của xã hội, sự phát triển của đất nước”.

Tuy nhiên, những thành tựu văn học nghệ thuật đã đạt được chưa thật sự tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hòa với số lượng. Chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người. Còn ít tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn… Do đó, ông Hồ Sỹ Minh đề nghị, Tọa đàm cần nhìn nhận một cách tổng quát, đồng bộ, khoa học, khách quan trên nhiều phương diện để làm rõ những yếu tố cơ bản, thực trạng, chiến lược, giải pháp nhằm định hướng phát triển của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn mới; thúc đẩy nhiếp ảnh nghệ thuật vượt qua khỏi sự trì trệ, vươn lên phát triển, góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Quang cảnh tọa đàm.

Tại Tọa đàm, đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề như: Định hướng phát triển nhiếp ảnh Việt Nam trong thời đại công nghệ số; photoshop với giám khảo thi ảnh nghệ thuật; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào việc thẩm định, chấm điểm, xét chọn ảnh nghệ thuật; Youtube với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; đa dạng loại hình nhiếp ảnh; phát triển đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh…

Nhiều đại biểu cho rằng, dưới tác động của công nghệ số, công cụ chụp và hoàn thiện sản phẩm ảnh ngày càng hiện đại; chất lượng hình ảnh ngày càng được nâng cao; các lĩnh vực và quy mô sử dụng hình ảnh ngày càng được mở rộng, phong phú và đa dạng hơn. Tuy vậy, nhiếp ảnh cần giữ vững và phát huy bản chất truyền thống, khuyến khích sử dụng những tiến bộ công nghệ số trong nhiếp ảnh nhưng phải giữ được bản chất của hình ảnh.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm.

Theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông, hiện nay, nhiếp ảnh là loại hình rất đại chúng. Hội chỉ có hơn 1.000 hội viên, song ngoài xã hội có hàng chục ngàn người có điện thoại thông minh để chụp ảnh và có nhiều bức ảnh đẹp. Do đó, Tọa đàm nhằm trưng cầu ý kiến của các văn nghệ sĩ để nhiếp ảnh Việt Nam ngày càng phát triển hơn, sáng tạo ra nhiều tác phẩm đỉnh cao, tác phẩm chất lượng phục vụ cho sự nghiệp phát triển của Đảng, của nhân dân; góp phần phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời, Hội cũng định hướng trang bị kiến thức, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh tiếp cận kỹ thuật, trang bị kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong sáng tác và thẩm định ảnh.

Tin, ảnh: Hoài Thu (TTXVN)
Bổ sung quy định đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan
Bổ sung quy định đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 89/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh và Nghị định số 126/2018/NĐ-CP ngày 20/9/2018 của Chính phủ quy định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN