Để nghệ thuật truyền thống thành “mỏ vàng” của du lịch - Bài cuối: Không để biến dạng di sản

Việc đưa nghệ thuật truyền thống vào biểu diễn để khai thác du lịch là việc làm cần thiết. Chúng ta vừa có thêm sản phẩm văn hóa để thu hút khách, vừa quảng bá được văn hóa nước nhà. Song, có nhiều ý kiến lo ngại sẽ bị biến dạng nghệ thuật truyền thống. Làm thế nào để làm du lịch mà không mất đi bản sắc của nghệ thuật truyền thống là bài toán khó.

 

Hãy để cồng chiêng Tây Nguyên sống trong không gian văn hóa của buôn làng. Ảnh: Phương Hà 

 

Nhiều công ty du lịch đã đưa đờn ca tài tử vào khai thác trong các tour, tuyến du lịch, góp phần quảng bá trực tiếp môn nghệ thuật truyền thống đến với du khách. Tuy nhiên, việc đưa ồ ạt các chương trình biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử vào phục vụ du lịch đã phát sinh nhiều vấn đề chưa hay, chưa đẹp. Trong hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, GS.TS Trần Văn Khê đã tỏ ra lo lắng khi các công ty du lịch đưa đờn ca tài tử Nam Bộ vào phục vụ khách du lịch, nhất là khách quốc tế, nhưng nếu chỉ nghe trong vòng 15 phút, thì làm sao người diễn có thể biểu diễn cho ra hồn, cho xuất thần được, và du khách làm sao đã kịp hiểu được về nghệ thuật này. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cũng kể một câu chuyện buồn: Trong không gian miệt vườn, khi các nhạc công đang nắn nót từng phím đàn, khi cô ca sỹ cất tiếng ca “Từ là từ phu tướng”, thì một thanh niên trong đoàn du lịch đã hô lên: “Một, hai, ba, dzô, mừng ca sĩ”. “Thật buồn vì người ta đem một dòng nhạc sang trọng, bác học, tinh tế để thay cho loại nhạc rẻ tiền trong các tiệm ăn ven đường”, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh ngậm ngùi.


Dân ca quan họ Bắc Ninh cũng bị rơi vào tình trạng tương tự. Để hoành tráng, thu hút khách, Bắc Ninh đã lập kỷ lục hơn 3.000 liền anh, liền chị hát quan họ, khiến cho nhiều nhà nghiên cứu có ý kiến. Rồi các liền anh, liền chị hát dân ca quan họ ngửa nón xin tiền, quan họ lên sân khấu trong ánh đèn ngũ sắc sặc sỡ, trong tiếng nhạc điện tử ồn ã, hay hát phục vụ du khách trong những bữa tiệc nhậu, cũng làm mất đi hình ảnh đẹp về một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của cha ông.


Không chỉ đờn ca tài tử, dân ca quan họ Bắc Ninh, cồng chiêng Tây Nguyên cũng vậy. Mặc dù được UNESCO tôn vinh không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đặt nó trong bối cảnh không gian văn hóa của buôn, làng Tây Nguyên, nhưng rồi cồng chiêng Tây Nguyên lại được đưa lên sân khấu, được đưa vào những hội chợ để biểu diễn cho du khách đã làm mất đi không gian văn hóa đặc thù của loại hình nghệ thuật này… Theo PGS.TS Lê Thị Hoài Phương, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, tiếng cồng, tiếng chiêng Tây Nguyên chỉ thực sự cuốn hút, âm vang mời gọi khi được trình diễn quanh bếp lửa ở các buôn làng, gắn với các lễ hội như lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới… Việc một số địa phương xây dựng điểm du lịch rồi đưa các đội cồng chiêng của đồng bào dân tộc đến đó biểu diễn cho khách du lịch xem, thay vì nên đưa khách du lịch đến bản làng thưởng thức sinh hoạt văn hóa độc đáo này của người dân tộc đã làm mất đi cái hay, cái đẹp, cái ý nghĩa của loại hình nghệ thuật này. Tương tự, dân ca quan họ Bắc Ninh chỉ thực sự hấp dẫn khi được hát ở hội Lim, ở các làng quan họ cổ gắn với tục kết chạ truyền thống của nó, chứ không phải trên sân khấu hay trong tiệc tùng…


Phải thừa nhận rằng, với chức năng quảng bá, khám phá, tìm hiểu và trao đổi văn hóa, du lịch đang được thừa nhận là một động lực tích cực cho việc bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống. Việc khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật truyền thống để tạo thành những sản phẩm du lịch độc đáo sẽ góp phần thu hút du khách, giúp khách du lịch hiểu hơn về những loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, có những trải nghiệm khám phá các giá trị của các loại hình nghệ thuật này, đồng thời, giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, tăng thời gian thực hành di sản, gìn giữ di sản…


Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, để đưa nghệ thuật truyền thống vào phục vụ du lịch mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa đặc sắc của nghệ thuật thì cần phải tổ chức một không gian văn hóa, có sự gắn liền giữa di tích lịch sử với di tích văn hóa, thì chúng ta mới tôn vinh được nghệ thuật cổ truyền. Lấy ví dụ, chúng ta có thể đưa du lịch đến với ca trù, bằng cách tổ chức hát ca trù ở những đình làng đã có truyền thống ca trù từ ngày xưa, ở đấy có những tấm bia về ca trù, có những câu chuyện về ca trù và có hát ca trù. Du khách đến vừa tham quan đình, vừa tham quan làng, vừa được nghe những câu chuyện về ca trù, lịch sử hình thành và phát triển của nó… nếu làm được như vậy thì cùng một lúc chúng ta vừa tôn vinh được một không gian văn hóa, tôn vinh được một bộ môn nghệ thuật.


Đối với đờn ca tài tử hay cồng chiêng Tây Nguyên cũng vậy, nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa đều cho rằng, trả đờn ca tài tử về không gian của nó, trả nghệ nhân về đúng chất tài tử là điều mà nhiều nhà quản lý văn hóa ở các tỉnh, thành phố phía Nam, nhất là các địa phương có đờn ca tài tử cần hướng tới. Hay như cồng chiêng Tây Nguyên, hãy trả về với không gian văn hóa buôn làng, để cồng chiêng Tây Nguyên được biểu diễn cho du khách bên đống lửa, trong những lễ mừng nhà mới…


Để làm được điều này, bên cạnh những nỗ lực của địa phương, rất cần có sự tham gia tích cực của các nhà quản lý, của các doanh nghiệp du lịch… Nếu làm được như vậy, nghệ thuật truyền thống sẽ trở thành “mỏ vàng” của ngành du lịch Việt Nam.

 

Phương Lan - Tạ Nguyên

Để nghệ thuật truyền thống thành “mỏ vàng” của du lịch - Bài 2: Chuyện không đơn giản
Để nghệ thuật truyền thống thành “mỏ vàng” của du lịch - Bài 2: Chuyện không đơn giản

Bên cạnh một số tín hiệu mừng, vẫn còn nhiều tồn tại khiến nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam đến nay vẫn chưa thể trở thành một “điểm nhấn” thu hút khách du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN