Để nghệ thuật truyền thống thành “mỏ vàng” của du lịch

Việc đưa nghệ thuật truyền thống trở thành sức hút đối với du khách trong và ngoài nước đã được nhiều quốc gia triển khai hiệu quả. Ở Việt Nam, nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương hay múa rối… được khai thác để phát triển du lịch đã được nhiều đơn vị nghệ thuật áp dụng, tuy nhiên, con đường này vẫn còn nhiều gian nan.

 

Bài 1: Khai thác thế mạnh văn hóa


Nhiều đơn vị nghệ thuật ở Việt Nam đã xây dựng những chương trình nghệ thuật và đưa vào biểu diễn phục vụ du lịch.

 

Hơn 1 năm nay, cứ tối thứ 6 hàng tuần, tại rạp Kim Mã (Hà Nội), Nhà hát Chèo Việt Nam lại mở ra chiếu chèo truyền thống, với 5 chương trình khôi phục lại, chủ yếu là các trích đoạn chèo cổ theo đúng nguyên gốc và chầu văn. Lúc đầu, chương trình không có khách, nhưng dần dần cứ tối thứ 6 là rất đông khán giả đến rạp Kim Mã để nghe chèo, trong số đó có nhiều các bạn trẻ, có nhiều khách du lịch nước ngoài. Cho đến bây giờ, rạp Kim Mã đã trở thành điểm đến không chỉ những người yêu nghệ thuật chèo mà cả khách du lịch trong và ngoài nước.

 

Múa rối nước là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống thu hút du khách.Ảnh: cinet.gov.vn


NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: “Mong muốn của chúng tôi là rạp Kim Mã với chiếu chèo truyền thống hàng tuần sẽ là một điểm đến của khách du lịch. Họ đến để thưởng thức một thứ “đặc sản” của văn hóa Việt Nam, bởi nghệ thuật chèo chuyển tải được đời sống của người Việt mà ở các loại hình nghệ thuật khác ít có. Bên cạnh việc giới thiệu nghệ thuật chèo cổ, chúng tôi còn kết hợp cả các loại hình khác với chèo để khách du lịch, nhất là khách nước ngoài có thể biết thêm về ca trù, về các tích, trò trong chèo...”.

NSƯT Thanh Ngoan cho biết thêm, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ xây dựng một chiếu chèo ổn định, chuyên nghiệp cả về lịch diễn và chất lượng để thực hiện bán tour, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật chèo truyền thống của Việt Nam của khách du lịch tới Hà Nội. Tới đây, nhà hát sẽ đẩy mạnh thêm công tác quảng bá thông tin tới đông đảo khán giả trong và ngoài nước.

 

Để thu hút du khách, từ giữa năm 2011, Nhà hát Cải lương Hà Nội (số 72 phố Hàng Bạc) đã nghiên cứu, thí điểm phục vụ khách du lịch nước ngoài nghe thuyết minh tiếng Anh qua hệ thống tai nghe chuyên dụng cho vở diễn “Mệnh đế vương”. Từ thành công bước đầu ấy, nhà hát đã mạnh dạn xây dựng những chương trình nghệ thuật thử nghiệm bằng tiếng Anh với các tiết mục: “Trống hội”, “Dạ cổ Hoài lang”, “Lý Ngựa ô”, kịch ngắn “Kẻ trộm đêm giao thừa”, múa Chăm, bài hát tân cổ “Tình yêu trên dòng sông Quan họ”, múa sáo… Đến nay, sân khấu Nhà hát Cải lương Hà Nội luôn sáng đèn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến xem. Các nghệ sĩ sẽ biểu diễn bằng tiếng Việt, khán giả nước ngoài nghe bản dịch bằng tiếng Anh thông qua tai nghe đã được cài đặt sẵn trên ghế, giúp cho du khách hiểu thêm về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.


Với mong muốn đưa bộ môn nghệ thuật tuồng đến gần hơn với công chúng và du khách, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đã xây dựng chương trình nghệ thuật với chủ đề “Đêm Hoàng Cung” để phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Chương trình biểu diễn có các tiết mục tuồng truyền thống đặc sắc như: Ông già cõng vợ đi xem hội, Nhã nhạc cung đình Huế, Múa: Lân mẹ đẻ lân con, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo… Hiện các chương trình biểu diễn dành cho du khách diễn ra vào thứ 2, thứ 5 (bắt đầu lúc 18 giờ) và chủ nhật (lúc 19 giờ 30) hàng tuần. Mỗi chương trình kéo dài khoảng 1 giờ.


Một trong những đơn vị nghệ thuật được đánh giá là thành công nhất trong việc đưa nghệ thuật truyền thống đến với du khách là Nhà hát múa rối nước Thăng Long. Đây là đơn vị nghệ thuật duy nhất có số buổi biểu diễn đều đặn hàng ngày, thu hút được sự quan tâm của hầu hết du khách và có lượng khán giả ổn định. Trung bình mỗi tháng Nhà hát đón khoảng 10.000 khách quốc tế, 3.000 khách nội địa, trong đó, lượng khách tour chiếm 70 - 80%. Đây là một con số đáng mơ ước của không ít nhà hát và cũng là mục tiêu hướng tới của các đơn vị nghệ thuật.


Trên thực tế, việc đưa nghệ thuật truyền thống vào để khai thác du lịch đã được các đơn vị nghệ thuật ý thức và xây dựng từ lâu. Năm 2010, Nhà hát Chèo Hà Nội đã xây dựng một chương trình riêng phục vụ khách du lịch “Trẩy hội ngày xuân” khá công phu, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các loại hình nghệ thuật: chèo, xiếc, ca trù, quan họ… rất phù hợp với du lịch và thu hút du khách, nhưng rồi cũng không hấp dẫn được du khách. CLB Ca trù Thăng Long với ý tưởng đưa nghệ thuật ca trù đến gần với du khách, nên đã mở địa điểm hát ca trù tại đền Quán Đế (28 Hàng Buồm) và Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, nhưng du khách đến nghe hát cũng chỉ đếm được quá đầu ngón tay.

Ca nương Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long tâm sự: “Đa phần khách tới nghe hát tại những điểm biểu diễn của câu lạc bộ là khách lẻ chứ chưa có khách đoàn do các công ty lữ hành đưa tới. Chúng tôi đã nhiều lần kết nối với các công ty du lịch nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên điểm biểu diễn ca trù chưa có mặt trong các tour du lịch. Thậm chí, nhiều người làm du lịch chưa từng nghe ca trù, chưa tiếp cận được ca trù, đây là một trong những rào cản lớn cho việc đưa ca trù đến với du khách”.


Phương Lan - Tạ Nguyên

 

Bài 2: Chuyện không đơn giản

Gìn giữ nghệ thuật ca trù Thanh Tương
Gìn giữ nghệ thuật ca trù Thanh Tương

Gắn liền với xứ sở của chùa Dâu, chùa Bút Tháp và thành cổ Luy Lâu, trung tâm Phật giáo của quốc gia phong kiến Đại Việt xưa, làng Thanh Tương (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nổi tiếng với nghề hát ca trù.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN