Để múa rối có giá trị tư tưởng, chất lượng nghệ thuật

Hội thảo “Xây dựng tiết mục múa rối có giá trị tư tưởng, chất lượng nghệ thuật cao trong giai đoạn mới” tổ chức chiều 27/3, tại Hà Nội, thu hút đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, viết kịch, nhạc sĩ, nghệ sĩ và đại diện nhiều nhà hát múa rối trong nước tham dự.

Hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày Sân khấu thế giới năm 2014 nhằm phát huy kết quả nghiên cứu, lý luận và thực tiễn hoạt động múa rối nhiều năm qua; tìm ra những giải pháp giúp nghệ thuật múa rối hội nhập và phát triển trong giai đoạn mới.

Gần 20 tham luận tại hội thảo là những ý kiến tâm huyết, sâu sắc với mong muốn nâng cao hơn nữa giá trị tư tưởng, chất lượng nghệ thuật của các tiết mục múa rối vì công chúng trong thời đại mới.

Múa rối nước được coi là môn nghệ thuật ra đời vào loại sớm nhất trong số các môn nghệ thuật dân gian của dân tộc Việt và đang được bảo tồn, phát huy một cách nghiêm túc. 20 năm qua, sân khấu múa rối đã có bước tiến dài. Tiết mục đã không còn gò bó, chật hẹp; thể loại đã đa dạng, nhiều yếu tố mới cũng được đưa vào vở diễn. Sự thay đổi đó đã làm sâu khấu múa rối hấp dẫn hơn, thể hiện được những nội dung, kỹ thuật phức tạp, phong phú hơn.

Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới, khi xã hội có những bước phát triển về kỹ thuật, nghệ thuật, theo họa sĩ Ngô Quỳnh Giao, Việt Nam cần xem xét thực trạng hiện nay của nghệ thuật múa rối để có những bước tiến căn bản hơn, xây dựng được một nền nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp, hiện đại.

Tiết mục "Mã đáo thành công" chào mừng Ngày Sân khấu thế giới do các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn. Ảnh: Minh Đức/TTXVN


Coi rối nước là một “đặc sản” của văn hóa Việt Nam, song nhà lý luận phê bình Lê Quý Hiền vẫn trăn trở bởi “chúng ta thiếu một môi trường biểu diễn rối nước đúng nghĩa nên xảy ra hiện tượng rối nước Việt Nam được quốc tế coi trọng, nhưng khán giả trong nước nhiều khi chưa quan tâm lắm”.

Để nghệ thuật múa rối ngày càng phát triển, thu hút được đông đảo khán giả trong và ngoài nước, theo Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước. Các giải pháp được ông gợi ý gồm: Đánh giá lại quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn, xây dựng hồ sơ để UNSECO công nhận Nghệ thuật múa rối nước là di sản nhân loại; xây dựng quy hoạch đơn vị nghệ thuật để có nhiều đoàn múa rối phục vụ thiếu nhi; xây dựng sân khấu múa rối thành sân khấu học đường…

Còn Thạc sĩ Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam lại cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực là một trong những khâu quan trọng nhất để tạo ra sự chuyên nghiệp trong nghệ thuật múa rối. Trước mắt, tại một số đoàn, đơn vị đã áp dụng giải pháp tình thế là liên kết đào tạo hoặc đào tạo truyền nghề tại chỗ, nhưng về lâu dài cách làm này chưa đáp ứng được nhu cầu chuẩn hóa người diễn viên nghệ thuật thời đại mới. “Tương lai không xa, nếu ra đời một viện hoặc một trung tâm nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành nghệ thuật múa rối sẽ tương xứng với bước phát triển mạnh của nghệ thuật múa rối hiện nay”- bà Thủy chia sẻ.

Cùng chung quan điểm về tạo nguồn nhân lực, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thùy Trang (Nhà hát múa rối Việt Nam) cho rằng tạo được nguồn đã quan trọng, song giữ nguồn cũng quan trọng không kém. Để người diễn viên yêu nghề, sống trọn với nghề, các nhà hát, đoàn múa rối có thể tự lập dự án sân khấu thử nghiệm; quảng bá, tiếp cận công chúng trong nước; đào tạo diễn viên kế nghiệp đa phong cách; chuyên nghiệp hóa hoạt động múa rối…

Tổ chức liên hoan, hội diễn, hội thảo… cũng là cách giúp xây dựng những tiết mục múa rối có giá trị tư tưởng, chất lượng nghệ thuật trong giai đoạn mới, là suy nghĩ của nhà nghiên cứu Hoàng Kim Dung.

Quan điểm này cũng được Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ ủng hộ bởi chúng tạo nên một sinh hoạt nghệ thuật có hiệu quả trong đời sống, lao động, sáng tạo của ngành Rối. Nghệ sĩ Tiến Thọ cũng cho rằng: Những hoạt động này được tổ chức là dịp để các nghệ sĩ Việt Nam giới thiệu giá trị nghệ thuật múa rối đặc sắc của mình với quốc tế. Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý nghệ thuật, nghệ sĩ múa rối Việt Nam có điều kiện giao lưu, học hỏi những kỹ xảo, kinh nghiệm nghệ thuật múa rối của các nước.


Mỹ Bình
Biên đạo múa Arco Renz thực hiện workshop tại VN

Từ ngày 17 - 23/3, biên đạo múa người Đức Arco Renz sẽ cùng các diễn viên múa của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam luyện tập vở múa hợp tác giữa hai nước Đức - Việt, dự kiến ra mắt khán giả vào cuối tháng 9, trong khuôn khổ Liên hoan Múa đương đại “Châu Âu gặp châu Á trong múa đương đại”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN