Nâng tầm đội ngũ sáng tạoDiễn ra cuối tháng 6, đầu tháng 7/2016; “Cuộc thi Tài năng trẻ Biên đạo múa 2016” được đánh giá là mang lại một luồng gió mới từ đội ngũ biên đạo trẻ cho múa Việt Nam.
Những đầu tư thời gian gần đây hứa hẹn sẽ mang tới diện mạo mới cho múa Việt Nam. Ảnh: Minh Đức-TTXVN |
Với sự tham dự của gần 30 biên đạo trẻ, ở độ tuổi dưới 35, các tiết mục dự thi được BTC và BGK đánh giá là đầy sáng tạo và mang đến rất nhiều cảm xúc cho người xem. “Sự thành công không chỉ đến từ sự đa dạng, phong phú ở cả thí sinh biên đạo mà còn là những đề tài, văn hóa truyền thống, vùng miền được thể hiện rõ nét. Hầu hết các biên đạo đều được học trong các trường múa ở Hà Nội, ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội, TP Hồ Chí Minh; các tỉnh, thành Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Quân khu phía Bắc...”, đại diện BTC cho biết.
Chính sự đa dạng này đã giúp cho đề tài cũng như cách thể hiện ngôn ngữ múa của các thí sinh có nhiều sáng tạo mới. Đặc biệt, rất nhiều thí sinh đã biết tận dụng “ưu thế vùng miền”, tìm hiểu và đưa những nét văn hóa dân gian, tín ngưỡng địa phương, dân tộc để thể hiện trong tác phẩm múa của mình như: “Mệnh đất trời”, “Cầm giả ca”, “Linh thiêng mâm vàng”, “Dạ cổ hoài lang”... Điều đáng nói, những câu chuyện xưa này đã được làm mới bằng ngôn ngữ hiện đại, khiến cho tác phẩm gần gũi với người xem và chinh phục được cả những công chúng còn rất trẻ.
Đại diện BGK, NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã khẳng định: Đội ngũ biên đạo trẻ góp mặt trong cuộc thi đã mang đến luồng gió mới cho múa Việt Nam. Trong tác phẩm của mình, các biên đạo trẻ đã biết lồng ghép truyền thống và hiện đại. Các thí sinh tham gia biểu diễn cũng đều là những nghệ sĩ được đào tạo chuyên nghiệp, có kỹ thuật tốt. Cũng theo NSND Chu Thúy Quỳnh, với thành công của cuộc thi, hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào một thế hệ biên đạo trẻ vững vàng trong tương lai.
Cùng quan điểm, NSND Nguyễn Công Nhạc - nguyên Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận định, các biên đạo trẻ của cuộc thi năm nay đã có bước tiến rất rõ rệt so với cuộc thi năm 2014. Và họ, những biên đạo trẻ tham gia cuộc thi tài năng năm nay sẽ là những con người gánh vác trọng trách, là lực lượng chủ đạo của đội ngũ biên đạo múa dòng chính thống trong tương lai.
Đầu tư cho đào tạo
Song song với “Cuộc thi Tài năng trẻ Biên đạo múa 2016”, kế hoạch mở lớp tập huấn “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên ngành múa cho giáo viên, giảng viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật”, cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) triển khai. Theo đó, một lớp tập huấn sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 31/7 - 7/8/2016, dành cho các giảng viên, giáo viên đang giảng dạy ngành múa tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khối văn hóa nghệ thuật toàn quốc.
Lớp tập huấn nhằm nâng cao, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy sư phạm chuyên ngành về lĩnh vực múa; thống nhất quy cách, động tác cho cán bộ, giảng viên, giáo viên chuyên ngành múa của các Trường Văn hóa nghệ thuật, góp phần cập nhật, hoàn thiện phương pháp giảng dạy ở trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các giảng viên, giáo viên được trao đổi kinh nghiệm, tăng cường sự phối hợp, liên kết chặt chẽ trong công tác quản lý và giảng dạy, nhằm góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực múa và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
Các giảng viên, giáo viên sẽ được học về tính sân khấu và tính dân tộc của múa cổ điển Việt Nam; Chất liệu, quy cách động tác, kết cấu bài tập theo các hình thức khác nhau, phương pháp huấn luyện của múa hiện đại. Cùng với đó là học về múa dân gian dân tộc của các dân tộc thuộc nhóm Trường Sơn - Tây Nguyên và múa dân tộc Thái, dân tộc Chăm...
Theo Bộ VHTTDL cho biết, lớp tập huấn này nằm trong khuôn khổ Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011 - 2020”.