“Đi qua tình yêu”, còn lại gì?
Diễn ra ngày 9/7, tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình hòa nhạc và múa đương đại “Đi qua tình yêu” do các nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO) thực hiện; hứa hẹn sẽ là một đêm diễn đáng nhớ với khán giả yêu múa đương đại.
Chương trình gồm hai phần. Ở phần đầu, khán giả sẽ được thưởng thức các tác phẩm âm nhạc đương đại như “Albanian Suite “(chương I, III, V) của nhạc sĩ David Tuqici (Albania), Chương III, V từ tác phẩm “Giai điệu các dân tộc thiểu số miền Tây Bắc” trích Tám khúc Giao hưởng từ Dân ca Việt Nam của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, Chương 1 - Điệu văn trích Giao hưởng số 1 của nhạc sĩ Lưu Quang Minh, và Overture “Cold desire” của nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh. Các tác phẩm này sẽ được trình diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng HBSO, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Vở múa “Nón”- sự hòa quyện giữa những nét văn hóa truyền thống với các vấn đề trong nhịp sống đương đại. |
Phần hai được tiếp nối với vở múa đương đại “Đi qua tình yêu - Gone Through Love”, một tác phẩm mới của hai biên đạo múa Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Phúc Hùng. Vở múa sẽ được biểu diễn bởi các nghệ sĩ tài năng từ đoàn Vũ kịch HBSO: Trần Hoàng Yến, Nguyễn Thu Trang, Phan Tiểu Ly, Sùng A Lùng, Phan Thái Bình, Nguyễn Minh Tâm.
Với lối dàn dựng tinh giản và sáng tạo, cách biên đạo bài múa tập trung vào thể hiện cảm xúc, dẫn dắt mạch truyện bằng ngôn ngữ đương đại, mới mẻ, hiện đại mà gần gũi, tình tứ, nghệ sĩ Phúc Hải và Phúc Hùng thổi vào vở múa những làn gió cảm xúc lúc nhẹ nhàng khi ào ạt trên nền âm nhạc từ Ólafur Arnalds, Zack Hemsey và Hans Zimmer.
Có người nói rằng, đi qua tình yêu, trong ta chỉ còn lại nỗi khắc khoải về một chuyện tình dang dở. Cũng có người nói rằng, đi qua tình yêu, còn lại trong ta là sự ngọt ngạt, dằng xé chính mình vì những hối tiếc về những lỗi lầm đáng ra không nên có. Lại có người nói khác, đi qua tình yêu ư? yêu là gì? nhớ thương là gì? mà sao trong ta chỉ còn là sự cô đơn và trống trải, mọi cảm xúc về một mùa yêu đi qua thật mơ hồ… Phải chăng tình yêu chỉ là điểm gặp nhau của hai con người xa lạ, cảm thông rồi vun đắp, rồi dìu dắt nhau đi qua những mùa nhớ, mùa thương. Đi qua tình yêu, dù còn lại gì trong ta đi nữa, được hay mất gì đi nữa, ta vẫn luôn giữ trái tim mình đong đầy những yêu dấu, vẫn dang tay đón chờ những mùa yêu sẽ đến, sẽ lại đưa ta trôi miên man trong một vùng cảm xúc, như những phút ban đầu… Tất cả những cung bậc ấy, sẽ được các nghệ sĩ thể hiện trong vở múa này, như một câu trả lời rằng đi qua tình yêu, trong ta còn lại gì.
Và khi “nón” lên sân khấu
Vở múa đương đại “Nón” sẽ ra mắt khán giả Hà Nội tối 21/7 và tái ngộ khán giả TP Hồ Chí Minh vào ngày 26 - 27/7/2016 (vở diễn đã từng ra mắt ngày 13/6, tại TP Hồ Chí Minh).
“Nón” là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa múa đương đại và âm nhạc (sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam đặc biệt như chiêng dây, cả nước chỉ có 2 cây, giọng hát). “Nón” còn là sự hòa quyện giữa những nét văn hóa truyền thống (sự tích bánh chưng bánh dầy, nón lá, áo dài, nhạc cụ dân tộc) với các vấn đề trong nhịp sống đương đại (nỗi cô đơn của con người trong cuộc sống bị công nghệ tiên tiến chi phối, tìm kiếm bản sắc cá nhân, gìn giữ văn hóa nguồn cội - hoà nhập với thế giới).
Bởi vậy, theo đánh giá của đơn vị tổ chức, “Nón” là một dự án nghệ thuật đương đại kết hợp giữa múa đương đại với âm nhạc dân tộc Việt Nam; là sự đồng điệu trong sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải và nhạc sĩ Ngô Hồng Quang. Họ đều là những nghệ sỹ học tập và làm việc nhiều năm tại Việt Nam cũng như nước ngoài. Thông qua vở diễn mới lạ này, hai nghệ sĩ muốn chia sẻ cái nhìn của họ về văn hóa Việt Nam. Đặc biệt sự kết hợp hơi thở đương đại của múa và âm nhạc dân tộc Việt Nam hứa hẹn một trải nghiệm thú vị dành cho khán giả.
Ngô Hồng Quang là nghệ sĩ nhạc dân tộc Việt Nam, có khả năng làm chủ các nhạc cụ như đàn nhị, đàn bầu, trống, đàn K’ny (nhạc cụ dây có cung vĩ của nhiều dân tộc sống ở vùng Bắc Tây Nguyên). Tài năng của Quang được thể hiện trong các chương trình được tổ chức tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác như Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Iceland, Hàn Quốc, Singapore…
Còn Vũ Ngọc Khải được biết đến với vai trò một nghệ sĩ múa đương đại năng động, tài năng qua các chương trình mà anh đồng thời biên đạo, đạo diễn diễn tập như “Chuyện kể những chiếc giày”, “Mộc”, “Tích tắc”, “Sương sớm”, “Tơ”… Anh làm việc nhiều năm ở Thụy Sỹ, Hà Lan, Đức, tham gia nhiều chương trình lớn tại châu Âu, Mỹ, châu Á… và chinh phục nhiều biên đạo nổi tiếng, khó tính như Ismael Ivo (Mishima), Arco Renz (Ha Noi Startdust)…