“Nhật ký hòa bình” là câu chuyện về thời kỳ đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam (1954 - 1975); là lời cảm ơn từ trái tim của bạn bè quốc tế, những người không phân biệt quốc tịch, màu da, sắc tộc, đã tập hợp đấu tranh vì hòa bình cho đất nước Việt Nam. Tinh thần yêu chuộng hòa bình đó đã bùng cháy thành ngọn lửa, lan tỏa tới bạn bè khắp năm châu, rực cháy ngay tại nước Mỹ, trong hàng ngũ những binh lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam và cả những phi công bị giam giữ tại Trại giam Hỏa Lò.
Khu trưng bày được chia thành 3 nội dung chính: Nấc thang cuộc chiến, Khát vọng hòa bình và Thông điệp cho ngày mai.
Gian trưng bày "Khát vọng hòa bình" được thể hiện qua những bức ảnh đầy khí thế hào hùng về tinh thần chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Cùng với đó là những bức ảnh xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam của nhân dân Mỹ, cũng như nhiều nước trên thế giới cùng những trang nhật ký, lá thư gửi về cho người thân của những người cựu lính Mỹ, người xem được nhìn lại nhiều hình ảnh khốc liệt về cuộc chiến tranh và tinh thần yêu chuộng hòa bình của mỗi người dân Việt Nam.
Đặc biệt, trong buổi trưng bày còn có những "câu chuyện" của các nhà hoạt động xã hội Mỹ từng đến miền Bắc Việt Nam trong những ngày mưa bom, bão đạn, do ông Thomas Eugene Wilber (con trai Đại tá Hải quân Walter Eugene Wilber, cựu phi công Mỹ từng bị giam trong Nhà tù Hỏa Lò) chia sẻ.
Ông Thomas Eugene Wilber, người đã có tới 30 lần tới thăm Hà Nội, chia sẻ: “...có thể nói đây là ngôi nhà thứ hai của tôi. Nơi đây, bố tôi đã từng sống hơn 5 năm và bị giam chính trong nhà tù Hỏa Lò, ông đã được nhận sự đối xử nhân đạo của Chính phủ, cũng như người dân Việt Nam. Khi đến Việt Nam và nhà tù Hỏa Lò, lúc nào tôi cũng có cảm giác thân thiện như gặp lại những người thân trong gia đình. Nhiều hiện vật của bố tôi đã được tặng lại nhà tù Hỏa Lò, nên mỗi lần đến đây, khi nhìn những hiện vật này, tôi tự hào vì nhìn được hình ảnh của cha mình".
Đợt trưng bày này cũng là lần đầu tiên những hiện vật, kỷ vật gắn bó với các nhân chứng lịch sử, các cá nhân, tổ chức phản chiến giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ được giới thiệu đến đông đảo công chúng, như: Huy hiệu, phụ nữ Mỹ đeo trong các cuộc mít tinh, biểu tình để phản đối cuộc chiến Mỹ tiến hành tại Việt Nam (1964 - 1973); thống kê thư của bà Cora Weiss - người đứng đầu phong trào Phụ nữ đấu tranh vì Hòa bình và các nhà hoạt động xã hội đã chuyển từ các phi công Mỹ ở các Trại giam miền Bắc đến gia đình và ngược lại; sưu tập báo phản chiến do binh sỹ Mỹ xuất bản và phát hành tại các doanh trại, tàu chiến Mỹ (từ năm 1968 - 1972) do các tổ chức hòa bình tặng cán bộ quản giáo Trại giam Hỏa Lò...
Khu trưng bày “Nhật ký hòa bình” được tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm diễn ra Sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964 - 5/8/2019), 20 năm Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 - 16/7/2019).
Có mặt tại buổi trưng bày, Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng khu trưng bày "có ý nghĩa và gợi mở, dấy lên tinh thần yêu nước, yêu hòa bình của nhân dân Việt Nam”.