Lễ mít tinh kỷ niệm 20 năm Hà Nội được công nhận là “Thành phố vì hòa bình” sẽ diễn ra tại vườn hoa Lý Thái Tổ vào 8 giờ ngày 13/7 với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu trong nước và quốc tế… Trong lễ mít tinh sẽ có hoạt động thả chim bồ câu, bóng bay mang thông điệp hòa bình và thành phố sẽ công bố việc xây dựng hồ sơ tham gia mạng lưới “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Tại sự kiện này, Hà Nội huy động từ 4.000 – 5.000 sinh viên, lưu học sinh, quần chúng nhân dân tham gia đi bộ vì hòa bình; tổ chức các không gian trưng bày và đồng diễn thể thao của Hội Người cao tuổi Hà Nội.
Ngày hội văn hóa Hòa Bình từ ngày 13 – 14/7 sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao. Trong đó, hai đêm nhạc đặc sắc với chủ đề “Tôi yêu Hà Nội”, “Thắp sáng hòa bình” diễn ra tại vườn hoa Lý Thái Tổ do các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng qua các thời kỳ hát những bài hát hay nhất về Hà Nội, về hòa bình. Tại Không gian trưng bày “Làng Hữu nghị” trên phố Lê Thạch, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán sẽ tham gia gian hàng giới thiệu văn hóa; nghệ nhân giới thiệu, trưng bày sản phẩm các nước.
Tại sân khấu vườn hoa Lý Thái Tổ là chương trình giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh như: Nghệ thuật Bài Chòi (Trung bộ), nhã nhạc Cung đình Huế, ca trù… Tại Cung thiếu nhi, nhà Bát Giác sẽ giới thiệu không gian văn hóa và ẩm thực Hà Nội cùng một số tỉnh, thành phố. Khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, đền Bà Kiệu và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, xiếc, ảo thuật, múa rối, biểu diễn võ thuật truyền thống…
Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phụ trợ như: Liên hoan các Ban nhạc Kèn Hà Nội tại sân khấu vườn hoa Lý Thái Tổ vào ngày 14/7; Triển lãm ảnh “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” từ tháng 7 - tháng 9, giới thiệu nét tinh tế, thanh nhã, hào hoa của người Hà Nội từ truyền thống đến hiện đại; Triển lãm ảnh “Nhật ký Hòa bình” tại Hỏa Lò từ tháng 7 – tháng 9, giới thiệu sự đau thương của cuộc chiến tranh chống Mỹ, hoạt động hàn gắn vết thương chiến tranh và thúc đẩy hòa bình trên thế giới.
Hà Nội cũng sẽ phát động đợt viết về “Hà Nội – Thành phố vì hòa bình” từ tháng 4 – tháng 10; cuộc thi tìm kiếm “Đại sứ hữu nghị vì hòa bình 2019” diễn ra từ tháng 5 – tháng 11; Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế “Em yêu Hà Nội – Thành phố hòa bình” tại khu vực nhà Bát Giác vào tháng 6; Liên hoan giai điệu hòa bình, hữu nghị với chủ đề “Âm vang thành phố hòa bình” diễn ra vào tháng 10.
Trong dịp này, thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo “Hà Nội – Thành phố vì hòa bình, 20 năm hội nhập và phát triển” với sự tham gia của các nhà văn hóa, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và bạn bè quốc tế. Hoạt động thông tin và truyền thông tập trung vào việc sản xuất các phim tài liệu chủ đề “Hà Nội – Thành phố vì hòa bình”, các thành tựu kinh tế - xã hội của Thủ đô; Hội sách Hà Nội với chủ đề “Hà Nội – Thành phố vì hòa bình”; xuất bản sách ảnh “Hà Nội – 20 năm Thành phố vì hòa bình”.
Giải thưởng UNESCO “Thành phố vì hòa bình” trao 2 năm một lần cho thành phố tiêu biểu của mỗi châu lục, nhằm tôn vinh những thành phố đã có nhiều thành tựu trong quảng bá văn hóa hòa bình và thúc đẩy các thành phố tiếp tục triển khai công cuộc cao cả này. Cho đến thời điểm kết thúc giải thưởng (năm 2005), chỉ có 21 thành phố trên thế giới vinh dự nhận giải thưởng này. Hà Nội được UNESCO vinh danh và trao Giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” tại thành phố La Paz, Bolivia vào năm 1999 vì đã có những thành tựu trong quá trình đổi mới và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Giải thưởng.