Câu chuyện văn hóa

“Con đẻ, con nuôi”

Nhiều người đã ví như vậy khi đề cập đến điện ảnh nước nhà. Lâu nay, các hãng phim nhà nước vốn rất được ưu đãi (nhất là nguồn vốn làm phim), nên người ta gọi nó là “con đẻ”. Còn các hãng phim tư nhân, dù đang tạo nên những hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, thống lĩnh các rạp chiếu, cũng chỉ được coi là những đứa “con nuôi”.


Trong các kỳ liên hoan phim Việt Nam cũng như giải thưởng “Cánh diều vàng” hằng năm, đã cho thấy sự áp đảo của phim tư nhân và sự lép vế của phim được Nhà nước cấp vốn để sản xuất. Nhìn vào danh mục các phim dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 diễn ra tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) từ 11 đến 15/10/2013 cũng vậy, sẽ chỉ có 4 phim nhà nước tranh tài cùng 19 phim tư nhân.


 

Một cảnh trong phim “Cát nóng”.

 

Đã một thời gian dài, phim do Nhà nước tài trợ và đặt hàng thống lĩnh các rạp chiếu ở khắp cả nước, nhưng giờ phim nhà nước đang mất vai trò chủ đạo trong đời sống điện ảnh nước nhà. Theo tiết lộ của đại diện một số rạp chiếu, gần đây, các bộ phim tư nhân mới chính là phim kéo khách đến rạp. Doanh thu “khủng” được công bố sau những ngày công chiếu, có thể thấy phim tư nhân đã có những bước tiến đáng kể trong công nghệ làm phim và tiếp cận khán giả. Trong khi đó phim nhà nước thì vẫn ì ạch. Đơn cử như hai bộ phim nhà nước tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 sắp tới, “Cát nóng” và “Đam mê” bị dư luận chê thảm hại. Tháng 7 vừa qua, “Cát nóng” được đưa ra chiếu tại các rạp lớn đều không trụ nổi 3 ngày, nhiều suất chiếu phải hủy vì quá ít khán giả.


Còn nhớ, cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hoạt động của các hãng phim nhà nước luôn sôi động. Mỗi năm đều đặn ra lò trên dưới 10 phim do Nhà nước tài trợ hoặc đặt hàng; mỗi cuộc tổng kết cuối năm đều như một ngày hội, các nghệ sĩ hồ hởi, tự hào với những “đứa con tinh thần” của mình... Nhưng hiện giờ, số lượng phim hàng năm rút xuống còn 1 - 2 phim, thậm chí có năm không có phim nào ra rạp.


Có nhiều nguyên nhân khiến phim nhà nước đánh mất dần vị thế, nhưng rõ nhất là vốn đầu tư của nhà nước cho điện ảnh ngày càng thắt lại. Trước tiên phải nói đến sự suy giảm đầu tư của Nhà nước đối với dòng phim truyện nhựa. Hàng năm, số tiền đầu tư này chỉ đủ làm 2 - 3 phim với quy mô nhỏ. Đối với phim có quy mô vừa và lớn, đặc biệt đối với những phim lịch sử và phim chiến tranh, thì tiền đầu tư của nhà nước thường không đáp ứng được với yêu cầu thực tế. Điều này không chỉ làm giảm số lượng phim truyện nhựa do Nhà nước đầu tư, mà còn ảnh hưởng tới cả chất lượng của những bộ phim này. Không những thế, trong khoản tiền đầu tư của Nhà nước, không có tiền quảng bá, tiếp thị cho phim nên những bộ phim này từ giai đoạn chuẩn bị quay, cho đến khi ra rạp đã không tạo được sự quan tâm của khán giả. Rất nhiều phim sản xuất ra chỉ được chiếu phục vụ các ngày lễ chỉ sống thoi thóp ở rạp được vài buổi chiếu, rồi đem cất kho. Có cảm giác hiệu quả kinh tế của phim Nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ không được quan tâm mấy, miễn là hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Cơ chế bao cấp vẫn rơi rớt trong lĩnh vực quản lý điện ảnh nên phim hay, dở, lỗ lãi chẳng quy trách nhiệm cho ai, hiệu quả chẳng ai đánh giá.


Bên cạnh đó, tư duy làm phim của các hãng phim nhà nước không còn thích ứng với cơ chế thị trường. Với nguồn vốn được đầu tư, thường là chia cho đầu phim dựa trên các kịch bản đã được duyệt. Quan trọng là phim phải xong đúng kế hoạch, đúng dịp kỷ niệm nào đó liên quan thì đem phim đi chiếu miễn phí, thế là xong nhiệm vụ. Quy trình đó đã bỏ qua khâu quan trọng nhất là phim sẽ được khán giả đón nhận thế nào.


Còn với các hãng phim tư nhân, sản xuất bộ phim là một quy trình tính toán chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra, không thể tư duy theo kiểu ai làm phim cứ làm, còn chiếu là việc của người khác. Với tư nhân, đồng tiền đi liền khúc ruột. Các hãng phim tư nhân vận hành theo thị trường, điện ảnh đối với họ là một công việc kinh doanh hấp dẫn mà khó nhọc. Thường thì khi bắt đầu làm việc với êkip sản xuất phim, nhà sản xuất phải tính luôn thời điểm ra rạp, để phim của họ được lợi thế nhất khi phát hành. Điều đó lý giải vì sao phim của họ ngày càng chiếm lĩnh các rạp chiếu trong nước và có rất nhiều phim đạt mức doanh thu “khủng”. Doanh thu của các hãng phim tư nhân, nếu tính ở thị trường trong nước, nó lấn át cả phim bom tấn của Mỹ. “Avatar” đạt doanh thu trên 1 triệu USD, “Cô dâu đại chiến”, “Để Mai tính” hay “Long ruồi” doanh thu đều trên dưới 20 tỷ đồng. Ở sân chơi bên ngoài, gần đây, phim “Hotboy nổi loạn” của Vũ Ngọc Đãng cũng được Liên hoan phim Toronto mời công chiếu, Fortissimo mua bản quyền chiếu ở nước ngoài.


Rõ ràng, phim tư nhân ngày càng khẳng định vị thế, tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội. Do vậy, rất cần sự đánh giá khách quan và hơn thế, cần sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước (về vốn đầu tư) đối với các hãng phim tư nhân. Có như vậy mới hy vọng tạo một cú hích cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà trong thời kỳ mở cửa.


Yến Nhi

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN