Chùa Ô Chumaram Prếk Chếk (hay gọi chùa Ô Chum) ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), nơi nuôi giấu chiến sĩ cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến.
Tỉnh Sóc Trăng có trên 31% dân số là người Khmer, 93 chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Chùa không chỉ là nơi thể hiện tín ngưỡng mà còn là điểm tựa tinh thần, nơi thể hiện sự sùng kính đức Phật, ngôi nhà chung cho đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, nhiều ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở Sóc Trăng là nơi nuôi chứa những chiến sỹ cách mạng, trong đó nhiều người dân tộc Khmer, một lòng kiên trung theo Đảng, theo Bác Hồ, đóng góp cho sự nghiệp thống nhất đất nước.
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm Ô Chumaram Prếk Chếk (hay gọi chùa Ô Chum) ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm để nghe những câu chuyện hơn 50 năm trước của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây đứng lên đấu tranh bảo vệ chiến sỹ cách mạng, tham gia kháng chiến, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Phơl (75 tuổi) cho biết, giai đoạn 1969 - 1972, phong trào đấu tranh của quân và dân xã Vĩnh Quới diễn ra quyết liệt. Thời điểm đó, cuộc sống của đồng bào Khmer còn rất khó khăn nhưng rất nhiệt tình đóng góp gạo, muối, sức lao động… nuôi chứa các chiến sỹ. Riêng tại chùa Ô Chum, các vị sư, sãi xây dựng hầm bí mật trong chánh điện để che giấu chiến sỹ cách mạng trước những trận càn quét của quân địch.
Ông Trịnh Phơl kể lại, năm 1965, ông tham gia tu học tại chùa, lúc đó chùa do Đại đức Danh Hem trụ trì. Chùa có một hầm bí mật là nơi che giấu lực lượng du kích địa phương,… Các năm 1968 - 1969, quân địch 2 lần cho máy bay ném bom tàn phá nhà chùa, làm một số đồng bào Khmer, sư, sãi thương vong, chùa bị hư hỏng nặng. Lúc đó, nhiều thanh niên trai tráng hăng hái " làm cách mạng", tham gia du kích, giao liên, tiếp tế lương thực… Tất cả đều chung một ý chí đánh đuổi quân thù, mang lại sự bình yên cho phum, sóc.
Đại đức Sơn Phước Lợi, hiện là trụ trì chùa Ô Chum cho biết, cuối thế kỷ 18, vùng đất Xẻo Chích (xã Vĩnh Quới ngày nay) còn hoang vu. Nơi đây có vài hộ dân Khmer đến sinh cơ lập nghiệp. Năm 1798, chùa Ô Chum được người dân nơi đây xây dựng. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, nhiều hòa thượng, đại đức ở chùa là "ngọn cờ đầu" dẫn đường cho đồng bào dân tộc Khmer sẵn sàng góp của, góp công để giúp phong trào cách mạng ở địa phương.
Theo Đại đức Sơn Phước Lợi, sau 50 năm đất nước thống nhất, đời sống người Khmer ở Vĩnh Quới không ngừng được nâng lên, trẻ em được đi học, không còn hộ nghèo, nhiều hộ khá giả... Có được những điều đó là do sự quan tâm phát triển kinh tế vùng dân tộc của Đảng và Nhà nước. Đồng bào Khmer luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của địa phương trong xây dựng quê hương, đất nước.
Khuôn viên chùa Majjmaram Chruitimchas (chùa Trà Tim) Phường 10, thành phố Sóc Trăng.
Chùa Majjmaram Chruitimchas (chùa Trà Tim - Phường 10, thành phố Sóc Trăng) là nơi diễn ra sự kiện đấu tranh chính trị trực diện với giặc của đồng bào Khmer gây tiếng vang lớn vào giai đoạn 1962 - 1970.
Ông Nguyễn Minh Tâm, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh kể lại, trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nơi đây là điểm tập hợp lực lượng bộ đội ta tiến vào thị xã Sóc Trăng (thành phố Sóc Trăng ngày nay), gây tổn thất nặng nề cho kẻ địch. Các vị sư, sãi, đồng bào Khmer đã nhiều lần biểu tình chống chiến dịch bắt lính; nổi dậy chống ý định dời chùa, nhằm biến ngôi chùa thành phi trường để chính quyền Ngụy mở rộng bàn đạp tấn công đàn áp phong trào kháng chiến của quân dân ta.
Ông Nguyễn Minh Tâm cho biết, sự kiện đấu tranh của sư, sãi và đồng bào Khmer diễn ra không thương vong, không mất mát, nhưng thắng lợi lớn nhất là tiền đề mở màn cho phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh. Ngôi chùa tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cách mạng tổ chức các cuộc tiến công, tập kích đánh phá sân bay, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, góp phần vào thắng lợi chung trong công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau 50 năm thống nhất đất nước, chùa Majjmaram Chruitimchas được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và sự chung tay đóng góp của người dân đã trở thành điểm sáng trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với các loại hình nghệ thuật như: nhạc Ngũ âm, trống Chhay dăm, đội ghe Ngo đạt nhiều thành tích vào những dịp lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo hằng năm.
Anh Thạch Thanh Tùng (thành phố Sóc Trăng) cho biết, trong mỗi người dân Khmer, ngôi chùa là điểm dựa tinh thần, nơi thể hiện lòng sùng kính với đức Phật. Ngôi chùa còn là một bảo tàng thu nhỏ, chứa đựng đầy đủ những tinh hoa văn học nghệ thuật của mỗi phum, sóc của đồng bào Khmer. Chùa Majjmaram Chruitimchas là nơi giáo dục truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer về lòng yêu nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hiện nay, đồng bào Khmer luôn chấp hành tốt chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước, cống hiến xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.