Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: baochinhphu.vn |
Liên quan đến việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, hầu hết văn nghệ sĩ thành phố đều bức xúc, xót xa. Nghệ sĩ Nhân dân Đoàn Dũng cho rằng, chúng ta không thể cổ phần hóa bằng mọi giá mà phải nghiên cứu tính đặc thù, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, điện ảnh. Giá trị tinh thần của Hãng phim là vô giá với nhiều tác phẩm phim của Việt Nam đã ra đời, làm chấn động lòng người. Vì vậy, giá trị tinh thần lại chỉ bằng giá trị vật chất là quan niệm sai lầm ngay từ gốc rễ.
Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Huy Thành chia sẻ: Không thể đồng hóa văn hóa với các ngành khác vì nó tạo ra giá trị tinh thần rất lớn cho con người. Không có đất nước nào không làm phim truyền thống, ngay cả nước Mỹ, Pháp hay Trung Quốc. Do vậy, Nhà nước không chỉ làm phim mà cần phát hành và phổ biến điện ảnh đến công chúng sâu rộng hơn nữa.
Đánh giá mặt tích cực của các hãng phim tư nhân, Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đào Bá Sơn nhìn nhận: Tại các rạp chiếu phim hiện nay, phim nước ngoài hầu như “lấn át” thị trường phim Việt thì chính những hãng phim tư nhân đã hoàn thành tốt việc đưa khán giả trẻ đến rạp xem phim Việt. Tuy nhiên, hệ thống rạp chiếu phim do các đơn vị nước ngoài nắm thế đã “siết chặt” sự có mặt của các phim Việt. Do đó, nếu phim Việt không được luật pháp Việt Nam bảo vệ, chúng ta đang tự "giết" mình ngay trên sân nhà.
Phó Giáo sư Trần Luân Kim chia sẻ: Việc chuyển chế độ bao cấp sang cơ chế thị trường, xã hội hóa rộng rãi, trong đó có cả văn hóa ở hầu hết các lĩnh vực nhưng chúng ta chỉ đưa ra chính sách chung mà không tính đến cơ chế đặc thù riêng cho lĩnh vực văn hoá là không ổn. Theo thể chế và tư tưởng của đất nước, chúng ta phải khôi phục các hãng phim Nhà nước; tiếp tục tài trợ, nuôi dưỡng, phát động hình thức xã hội hóa để cả Nhà nước và tư nhân cùng phát triển song hành.
Phó Giáo sư Trần Luân Kim đề xuất Nhà nước và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên có các chương trình hoạt động tổng thể để sắp xếp hoạt động phù hợp theo từng lĩnh vực. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên tổ chức các hội thảo chuyền đề mời đại diện các bộ ngành, chuyên gia đến tham dự, trao đổi. Việc chuyển các cơ sở điện ảnh như Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng Phim truyện hoạt hình... thành một hệ thống do Nhà nước quản lý là điều rất cần thiết nhưng vẫn phải đặc biệt quan tâm đến nhu cầu của thị trường, thị hiếu khán giả. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ là nơi tổ chức giới thiệu, xuất khẩu phim ra thị trường nước ngoài vừa để tuyên truyền giao lưu, quảng bá văn hóa, con người Việt Nam.
Lắng nghe ý kiến các văn nghệ sĩ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ sự trân trọng những đóng góp quý báu của các bậc văn nghệ sĩ lão thành đã dày công cống hiến tài và lực cho nền điện ảnh Việt Nam.
Bộ trưởng cho rằng câu chuyện của Hãng Phim truyện Việt Nam chỉ là một phần của vấn đề trong hoạt động lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hiện nay. Không thể xem văn hóa nghệ thuật giống hoàn toàn các lĩnh vực kinh tế khác. Do đó, việc đổi mới cơ chế quản lý, phương thức điều hành và thay đổi tư duy hoạt động văn hóa là rất cần thiết. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp của các văn nghệ sĩ để báo cáo trình Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng thời sẽ giải quyết những vấn đề cấp bách càng sớm càng tốt.