Bướt ngoặt trong công trình khảo cổ ở An Khê

Việc phát hiện, khai quật và nghiên cứu các di tích khảo cổ học ở An Khê (Gia Lai) đã làm thay đổi cách nhìn của nhiều nhà khoa học ở một số nước trên thế giới và ghi nhận: Việt Nam hướng tới sự khẳng định có sự xuất hiện của con người thời tối cổ, người Vượn đứng thẳng - tổ tiên trực tiếp của con người hiện đại trong phạm vi lãnh thổ.

GS. TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Việc phát hiện, khai quật và nghiên cứu nhóm di tích thời đại Đá cũ ở An Khê có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Những tư liệu thu được bước đầu có giá trị quan trọng cho việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử quốc gia và hướng tới xây dựng vùng An Khê thành trung tâm lịch sử văn hóa nhân loại ở tầm quốc gia và quốc tế, góp phần thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.

Từ những năm trước, thực hiện Đề tài "Nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học thời đại Đá vùng thượng du sông Ba ở tỉnh Gia Lai", các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã phát hiện 5 di tích thời đại Đá cũ tại các khu vực Gò Đá, Rộc Tưng, Rộc Gáo, Rộc Lớn và Rộc Hương. Các di tích đã được thẩm định và đưa vào chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên bang Nga).

Quá trình khai quật tại khu di tích thời đại đá cũ ở An Khê (tỉnh Gia Lai).

Trong hai năm 2015 - 2016, công cuộc khai quật tại hai di tích Gò Đá và Rộc Tưng đã tìm thấy hơn 100 hiện vật đá gồm các loại công cụ mũi nhọn, công cụ nạo cắt, công cụ chặt thô, hòn ghè, mảnh tước... Đặc biệt, đợt khảo sát này đã phát hiện mới 4 rìu tay (handaxe) tiêu biểu, điển hình cho rìu tay sơ kỳ Đá cũ thế giới. Tại các điểm di tích đã được khai quật, hiện vẫn chưa tìm thấy di cốt người cũng như động thực vật bởi các di cốt phân bố ở ngoài trời nên các vật chất hữu cơ qua quá trình lâu dài đã bị phân hủy.

Kết quả nghiên cứu khoa học về các hiện vật khai quật được bước đầu đã có cơ sở để khẳng định rằng, đây là các di tích cư trú và nơi chế tác công cụ đá của người nguyên thủy đã có cách đây khoảng 80 vạn năm. Đặc điểm chung về kỹ nghệ công cụ đá được làm từ đá cuội trên các dòng sông suối có độ mài mòn kém để làm ra các loại công cụ phục vụ thiết thực phục vụ cho đời sống và sinh hoạt cho cộng đồng người cổ xưa. Loại hình công cụ đá nổi bật là những mũi nhọn lớn hình khối tam diện (mặt cắt ngang hình tam giác) và những chiếc rìu tay được gia công với trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao mang tính tiêu biểu của rìu tay giai đoạn tối cổ của nhân loại.

Việc nghiên cứu các loại hiện vật tại di tích Gò Đá và Rộc Tưng ở An Khê (Gia Lai) có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các nước trong khu vực, đã phản biện lại những quan niệm chưa đúng rằng, phương Tây sớm xuất hiện rìu tay đã thể hiện cho sự tiến bộ, năng động của con người; còn phương Đông bảo lưu lâu dài công cụ cuội ghè đẽo thô sơ, thể hiện cho khu vực bảo thủ, trì trệ và lạc hậu bởi không có đóng góp gì cho nhân loại.          

Theo nhà khoa học Thái Lan - ông Rasemi Shoocongdej, ở Thái Lan đã có một số vùng được khai quật và phát hiện nhiều di tích có niên đại rõ ràng với di cốt người gắn với bối cảnh văn hóa như công cụ đá, di tích động vật và nhuyễn thể được tìm thấy trong các mái đá giai đoạn Hậu kỳ Pleistocene. Để khẳng định các hệ thống văn hóa thời kỳ đá cũ, trong thời gian tới, Thái Lan tập trung nghiên cứu các di tích về niên đại, cổ môi trường, kỹ nghệ đá, phương thức sống và cư trú của người cổ xưa...

Nhà khoa học Kyaw Khaing (Myanmar) cho biết, ở Myanmar cũng đã phát hiện hai di chỉ quan trọng dọc sông Ayeyarwaddy và các hang đá, ở khu vực phía đông Myanmar và khai quật được hơn 1.600 di vật đá có niên đại từ Hậu kỳ đá cũ đến đá mới (gọi chung là văn hóa Anyathian). Hiện một số mẫu trầm tích đã khai quật được gửi đến Australia để nghiên cứu và biết được chuẩn xác về niên đại của văn hóa Anyathian, trên cơ sở đó khẳng định được sự xuất hiện của con người cổ xưa ở Myanmar.

Mới đây, tại thành phố Plâycu (Gia Lai) đã diễn ra Hội thảo Khoa học quốc tế "Thời đại đá cũ ở Việt Nam trong bối cảnh khu vực" do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức. Với 120 đại biểu là nhà nghiên cứu, quản lý, các nhà khoa học trong nước và một số nước trên thế giới Campuchia, Lào, Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nga và Italy về tham dự. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã ký kết hợp tác giai đoạn II (2015 - 2019) tiếp tục mở rộng chương trình khai quật và nghiên cứu nhóm di tích thời đại Đá cũ ở An Khê (Gia Lai). Thời gian qua, tuy kết quả cuộc khai quật các di chỉ ở An Khê mới là kết luận sơ bộ ban đầu nhưng cũng đã ghi nhận, sông Ba ở Tây Nguyên - nơi kết tinh thành tựu của nhân loại ở giai đoạn cổ xưa nhất, giai đoạn người vượn đứng thẳng và cũng đã cho thấy tiềm năng to lớn về khảo cổ học ở Tây Nguyên.
Bài và ảnh: Văn Thông
Kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý - Trần dưới ánh sáng khảo cổ học
Kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý - Trần dưới ánh sáng khảo cổ học

Kết quả nghiên cứu nhiều năm qua đã chứng minh rằng kiến trúc cung điện thời Lý là thành tựu đỉnh cao trong lịch sử phát triển của kinh thành Thăng Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN