Cách đây hơn 70 năm, mùa hè năm 1949, theo mệnh lệnh của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Bộ Tổng Tư lệnh, quân đội ta đã cử một số đơn vị gồm 4 tiểu đoàn và 3 đại đội độc lập chia làm hai cánh hành quân băng rừng, vượt núi sang Trung Quốc để cùng với các đơn vị Giải phóng quân Trung Quốc tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, truy quét những nhóm quân Quốc dân đảng cuối cùng tại một số khu vực ở miền Nam Trung Quốc.
Chiến dịch kết thúc thắng lợi ngay trước khi Cách mạng Trung Quốc thành công, nước CHND Trung Hoa ra đời (1/10/1949). Đây được coi là một trong những sứ mệnh quốc tế đầu tiên mà quân đội ta thực hiện khi điều kiện trong nước đang diễn ra cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ ác liệt chống thực dân Pháp.
Trong điều kiện trang bị còn thiếu thốn, nhưng chúng ta vẫn cử sang Trung Quốc những đơn vị tốt nhất, với phương châm “giúp bạn như giúp mình”. Tinh thần anh dũng, ý chí kiên cường, đức hy sinh cao cả, tinh thần quốc tế trong sáng của bộ đội Việt Nam trong những ngày tháng sống, chiến đấu trên đất Trung Quốc đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và các chiến sĩ Trung Quốc. Đặc biệt, tinh thần hiệp đồng chiến đấu, chia ngọt sẻ bùi giữa quân đội hai nước được thể hiện nồng ấm qua các trận đánh và trong sinh hoạt thường ngày. Cuối tháng 9/1949, lãnh đạo và nhân dân các vùng giải phóng nồng nhiệt tiễn đưa đoàn quân vang khúc khải hoàn trở lại Việt Nam.
Theo Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong chương trình đầu tư sáng tác tiểu thuyết sử thi và trường ca của Bộ Quốc phòng giao cho Văn nghệ quân đội thực hiện năm 2023, tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” của Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đã khai thác được tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, “giúp bạn cũng là giúp mình” mà Bác Hồ ra chỉ thị thành lập Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn có nhiệm vụ sang “Giúp giải phóng quân xây dựng một khu giải phóng vùng Ung - Long - Khâm (huyện Ung Ninh, Long Châu, Khâm Châu)…”.
Tiểu thuyết thuyết “Biên khu Việt Quế” đã mô tả quá trình chiến đấu anh dũng của bộ đội Việt Nam phối hợp tác chiến với quân giải phóng Trung Quốc trên tinh thần quốc tế trong sáng. Nhiều nhân chứng đồng thời là nhân vật trong tiểu thuyết sau độ lùi thời gian nhìn lại những cống hiến máu xương của bộ đội Việt Nam và quân giải phóng Trung Quốc để bảo vệ nhân dân hai nước là hết sức có ý nghĩa.
Nhà văn Phạm Vân Anh cho biết, chị đã dồn hết tâm lực cho tác phẩm “Biên khu Việt Quế”, chạy đua với thời gian để tiểu thuyết ra đời. “Biên khu Việt Quế” là một dấu mốc văn xuôi quan trọng của nhà văn Phạm Vân Anh.
Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh hiện công tác tại Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, BTL Bộ đội Biên phòng. Chị đã thành công với nhiều sáng tác có thế mạnh ở các thể loại: Thơ, trường ca, truyện ngắn, kịch bản phim tài liệu, ca khúc…