Du khách tham quan gian trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu tại Bảo tàng tỉnh Nam Định. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN. |
“Bảo tàng sống” của văn hóa Việt
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là cả một hệ thống tri thức, văn hóa truyền thống của người Việt hội tụ trong tín ngưỡng thờ Mẫu, bao gồm lễ hội, lên đồng, hát văn, cầu cúng, đi lễ... với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa, được kết hợp một cách nghệ thuật, như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Trong đó, những bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, được trao truyền, kế tục giữa các thế hệ... đặc biệt quan trọng.
Ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, từ góc độ UNESCO đánh giá, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ người Việt có 4 đặc trưng rất nổi bật và đặc biệt. Cụ thể, đây là một bản sắc văn hóa rất đặc trưng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu góp phần khẳng định sự gắn kết trong cộng đồng, hồi tưởng lại lịch sử Việt Nam... bởi khi xem trình diễn hầu đồng, người xem có cảm giác như đang lật từng trang trong một cuốn sách lịch sử của Việt Nam, và trong những trang sách đó, hiện lên những vị anh hùng dân tộc, những người có công đóng góp cho đất nước, những người giúp dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. UNESCO cũng công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt có yếu tố tâm linh, có khát vọng tâm linh khác với các tín ngưỡng khác, bởi nó cầu mong cho cuộc sống hiện tại, mong có sức khỏe, mong một cuộc sống tốt đẹp cho chính những người đang sống, chứ không phải đợi đến thế giới khác... yếu tố này thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đậm đà của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam so với các tín ngưỡng khác.
Bảo vệ, quảng bá và phát huy
Có một thực tế là đang có rất nhiều người hiểu sai, hiểu chưa đúng về giá trị di sản được công nhận. Điều này dễ dẫn đến những sai lầm trong việc thực hành cũng như gìn giữ di sản trong cộng đồng, đặc biệt là trong điều kiện khái niệm hầu đồng đang nở rộ, trên cả đời sống tâm linh lẫn sân khấu, với nhiều biểu hiện sai lệch với di sản.
Nhiều chuyên gia di sản phi vật thể đã nhận định, thực hành nghi lễ lên đồng trong thời kỳ kinh tế thị trường bùng phát, và có chiều hướng khó kiểm soát, khiến cho một số cá nhân lợi dụng, trục lợi và làm sai lệch giá trị văn hóa, xã hội. Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý văn hóa từ Trung ương đến địa phương đã gặp những trở ngại trong việc quản lý hoạt động lên đồng.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại phủ Tây Hồ. |
Ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thừa nhận: “Bản thân tôi cũng hết sức lo ngại trước sự biến tướng “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” sau khi được vinh danh di sản. Tôi lo nhiều người sẽ lạm dụng điều này để mở phủ, lên đồng, rồi lấy lý do ‘bảo vệ di sản’ văn hóa đã được UNESCO vinh danh để ‘bào chữa’ cho việc này, và rồi nhiều người dân sẽ không phân biệt được, đâu là giá trị thật - giả của di sản. Thách thức này đang hiện hữu, và nếu chúng ta không kiểm soát được, nếu như di sản không được thực hành tốt có thể sẽ dẫn đến phản tác dụng, sẽ làm xấu hình ảnh Việt Nam”.
Ông Phạm Sanh Châu ví, di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu như một tấm huân chương có hai mặt, một mặt rất đẹp và bóng bảy, nhưng mặt sau của nó lại sần sùi. Chính vì vậy, điều cần làm hiện nay là giúp cộng đồng hiểu đúng về di sản được công nhận, cũng như giá trị của di sản trong văn hóa Việt. “Đây sẽ là một ‘gánh nặng’ rất lớn, đang đặt lên vai của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như cơ quan quản lý văn hóa ở các địa phương, đặc biệt là các cấp địa phương vùng sâu, vùng xa. Do đó, chúng ta cần phải có nhiều cuộc thảo luận để các nhà quản lý văn hóa hiểu rõ và hiểu đúng về “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ”, ông Phạm Sanh Châu nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, gánh nặng bảo vệ di sản không phải của riêng cơ quan quản lý văn hóa, mà còn ở ngay trong chính cộng đồng. Cụ thể, để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cần nâng cao nhận thức và ý nghĩa của di sản văn hóa phi vật thể, giúp cho việc kết nối, sự bình đẳng, hài hòa giữa thủ nhang, bản hội, tạo nên một cộng đồng thờ Mẫu thống nhất, giảm thiểu sự cạnh tranh không lành mạnh, tránh lợi dụng các cơ sở thờ tự để “buôn thần bán thánh”, “thương mại hóa”.
Nghi lễ lên đồng, một hoạt động trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. |
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cần tăng cường đội ngũ cán bộ cơ sở và phối hợp với các cộng đồng, người thực hành, tiến hành vinh danh các nghệ nhân hát chầu văn... Các nhà nghiên cứu cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về bản chất của hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu, lên đồng; nghiên cứu chuyên sâu về các giá trị nghệ thuật của chầu văn, nhảy múa, trang phục, âm nhạc, các bài hát chầu văn; kiểm kê di sản thờ Mẫu ở tỉnh, vùng miền, cập nhật danh mục kiểm kê di sản; sưu tầm các truyện kể về Thánh Mẫu, các vị thần, các bài hát văn; in sách nghiên cứu của về thực hành thờ Mẫu; sản xuất DVD, CD về chầu văn, lên đồng, lễ hội.
Chế độ cho các nghệ nhân
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài hát, điệu hát văn cổ cho thế hệ trẻ để gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc; tổ chức phối hợp giữa những người thực hành di sản (là các thủ nhang, thanh đồng, cung văn) với các sở VHTTDL, các đơn vị, công ty du lịch, kết nối với các phủ, các điện thờ... để giới thiệu du khách giá trị và bản sắc văn hóa Việt trong diễn xướng lên đồng, hát văn, lễ hội dân gian; xây dựng chương trình giới thiệu về lên đồng, hát văn trên các phương tiện thông tin đại chúng... giảm thiểu những tác động tiêu cực và những hành động trục lợi, “buôn thần bán thánh”...
Một trong những “hồn cốt” của tín ngưỡng thờ Mẫu là hát văn, cũng cần được bảo tồn đúng cách. Nhà nghiên cứu âm nhạc Hồ Thị Hồng Dung - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhận định: “Sau một thời gian bị kìm nén, từ những năm 1950 tới những năm 1980, khi được phục hồi, âm nhạc hát văn của tín ngưỡng Tứ phủ đã có những thay đổi mạnh mẽ. Sự tác động của kinh tế và đời sống xã hội, nhạc pop và nhạc phương Tây đã làm thay đổi thẩm mỹ âm nhạc của cung văn cũng như con nhang đệ tử”. Theo bà Hồ Thị Hồng Dung, cung văn hiện nay phần lớn chỉ học đàn và hát, thậm chí qua băng cassette mà không được đào tạo theo lối truyền thống biết khoa cúng, ngạch sớ, chữ Hán - Nôm và ít người hát được trọn vẹn một bản văn thờ...