Giới thiệu “Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức người Việt”

"Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức người Việt" là chủ đề chương trình giới thiệu văn hóa tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội.

Nhân sự kiện di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, phối hợp với Văn phòng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) tại Việt Nam, Diễn đàn Hát văn Việt Nam tổ chức buổi trình diễn với chủ đề "Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức người Việt", tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tiết mục hát văn Công đồng do các nghệ nhân, cung văn trình diễn. 

Trong chương trình này, các nhà nghiên cứu, các thanh đồng đã chia sẻ về Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, và việc thực hành tín ngưỡng, cùng với đó là chương trình giới thiệu diễn xướng một số giá hầu đồng trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.


Tại buổi nói chuyện, GS.TS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, đã trò chuyện, về lịch sử, giá trị của di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong tâm thức người Việt, đồng thời chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong quá trình chuẩn bị và bảo vệ hồ sơ để UNESCO công nhận di sản "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

GS.TS Nguyễn Chí Bền chia sẻ về Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức người Việt.

Theo GS.TS. Nguyễn Chí Bền, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt có lịch sử lâu đời, đang được thực hành phổ biến và đa dạng ở khắp các vùng miền trong cả nước, cũng như cộng đồng người Việt nước ngoài. Tín ngưỡng này chứa đựng những sáng tạo văn hóa, trong đó có những sáng tác văn chương của các nhà Nho, đã văn chương hóa các nhân vật phụng thờ, là những lễ hội dân gian, những di tích lịch sử và nhiều giá trị văn hóa khác. Trong đó, lên đồng là một thành tố quan trọng trong thực hành tín ngưỡng này. 

Màn diễn xướng hầu đồng trong chương trình. 

Thanh đồng Nguyễn Văn Minh, thủ nhang đồng đền của đền đức thánh Vua Bà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vui mừng, khi di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, thanh đồng Nguyễn Văn Minh cũng bày tỏ sự lo ngại, khi hiện nay có nhiều người đang lạm dụng, lợi dụng việc thực hành tín ngưỡng để trục lợi, làm biến dạng, sai lệch giá trị di sản. Thanh đồng Nguyễn Văn Minh hy vọng, cơ quan quản lý văn hóa sớm có những giải pháp để đưa hoạt động thực hành nghi lễ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu vào khuôn khổ, để việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu được làm đúng cách, không bị sai lệch, không bị trục lợi. Theo Thanh đồng Nguyễn Văn Minh, các thanh đồng cũng có trách nhiệm gìn giữ giá trị văn hóa, tuyên truyền cho các con nhang, đệ tử hiểu và thực hành đúng các nghi thức trong thực hành tín ngưỡng, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy được những giá trị tốt đẹp của di sản.



Phương Lan
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thành Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thành Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại

Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN