'Âm thanh cổ' trong cuộc sống hiện đại

Chơi đồ cổ, một giá trị văn hóa - Bài cuối: “Âm thanh cổ” trong cuộc sống hiện đại


Trong cái hối hả của những công nghệ, máy móc hiện đại, vẫn có những người đang ngược dòng tìm nghe lại những bản nhạc xưa, những giai điệu của một thời xa vắng... từ chính những chiếc loa cổ.

 

Anh Phạm Văn Phương bên đôi loa Altec A8.

 

Như bao thú chơi khác, sở thích của những người đam mê âm thanh cổ cũng thật “lạ”. Trong khi xu hướng của thời đại là âm thanh đa kênh, âm thanh stereo... thì lại có những người tiếp tục trung thành với đĩa than, băng cối... những nguồn âm thanh mộc mạc, trung thực, gần với âm thanh tự nhiên. Người mê chơi âm thanh cổ không dừng lại ở những người trung tuổi mà có nhiều người trẻ tuổi cũng đam mê nó.


Và vì thế, những chiếc loa như Western Electric, Acoustic, Altec hay Vitavox... xuất hiện ở Hà Nội từ những thập niên 70 của thế kỷ trước, giờ vẫn có một chỗ đứng nhất định trong lòng những người “hoài cổ” này. 


Anh Hải Nam (Khương Trung - Hà Nội), chia sẻ: “Tôi đến với thú chơi loa cổ tình cờ lắm. Trong một lần đến nhà bạn chơi, vô tình được nghe một bản nhạc xưa, tôi như bị thôi miên. Hỏi ra thì được biết đó là âm thanh của bộ loa AR - 3 của hãng Acoustic Research. Ngay sau đó tôi đã lùng khắp nơi tìm mua nó nhưng không được. Hiện tại tôi sở hữu 3 bộ loa cổ, dùng để nghe nhiều dòng nhạc khác nhau”.


Cùng chung niềm đam mê này là anh Phạm Văn Phương, một người sưu tầm loa cổ nổi tiếng của Hà Nội. Anh Phương kể: “Tôi đam mê và sưu tầm loa cổ hơn chục năm nay, phần lớn những chiếc loa của tôi được sản xuất từ rất lâu rồi, từ vài chục năm cho tới hàng trăm năm. Đặc biệt, có nhiều đôi loa được làm từ những vật liệu quý như nam châm, lông thú... và giờ gần như đã ngừng sản xuất. Khi nghe nhạc trên những chất liệu như vậy, tôi thấy rất quyến rũ, rất mê hoặc và có cảm giác như người nghệ sĩ đang chơi nhạc trước mặt mình.”


Người chơi âm thanh cổ không chỉ có tâm hồn hoài cổ, lưu luyến cái xa xưa, mà quan trọng hơn họ không thể nghe nổi thứ âm thanh “chát bùm” của kỹ thuật số. Đó là lý do vì sao những người mê âm thanh cổ lại khao khát tìm kiếm những bộ âm thanh “có tuổi”. Anh Trần Hải Đăng, công tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cho biết: “Thời kỳ những năm 1975 - 1976, ở miền Bắc rất ít loa đài, có một số ít loa đài nhập từ Nhật về và chỉ có những gia đình có điều kiện mới có vì giá thành của chúng rất cao, có khi một đôi loa đổi lấy cả căn nhà mặt phố. Chính vì vậy, nhà nào sở hữu được một đôi loa như vậy thì rất quý, họ nghe từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ đời ông cha cho đến bố mẹ, con cái và thói quen ấy dần trở nên gần gũi, ngấm vào máu thịt trong đời sống của họ từ lúc nào không biết. Ngày nay, khi xã hội phát triển, có điều kiện nhưng nhiều người vẫn đi tìm lại những đôi loa cổ ngày xưa và thưởng thức chúng theo cách văn minh, tinh tế hơn.”


Văn hóa truyền thống đáng quý của người Việt đang đối mặt với cuộc sống gấp gáp, xô bồ. Có lẽ vì thế những chiếc loa cổ không chỉ thỏa mãn tình yêu âm nhạc của mỗi người mà còn góp phần mang mọi người đến gần nhau hơn và cùng nhau gìn giữ những giá trị văn hóa mang dấu ấn một thời còn đọng lại.

 

Bài và ảnh: Quỳnh Như

Chơi đồ cổ, một giá trị văn hóa - Bài 3: Đam mê cổ vật
Chơi đồ cổ, một giá trị văn hóa - Bài 3: Đam mê cổ vật

Từ đam mê vẻ đẹp của những bức tượng, Việt Phương đã tìm hiểu giá trị của những pho tượng qua sách báo, học hỏi những người có kinh nghiệm, từ đó mà anh hiểu thêm những giá trị văn hóa ẩn sâu trong hiện vật mà mình có...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN