Vụ đắm thuyền ở sông Lô: Vẫn còn 5 người mất tích

Mặc dù may mắn thoát nạn nhưng những nạn nhân sống sót trong vụ đắm thuyền trên sông Lô (Tuyên Quang) ngày 12/1, vẫn chưa hết bàng hoàng, hoảng loạn.


Nước mắt vẫn chảy trên sông Lô, người nhà của 5 nạn nhân còn mất tích vẫn ngồi kín trên bờ sông, mong ngóng người thân. Đội cấp cứu chữ thập đỏ Sông Lô và lực lượng chức năng tỉnh Tuyên Quang vẫn "đằm mình" trong nước buốt để tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích.

Vẫn còn 5 người mất tích

Mắt đỏ hoe, giọng nói run run, răng lập bập vì rét, Lê Văn Đăng, SN 1983, xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) - một trong 4 nạn nhân sống sót trong vụ đắm thuyền kể lại: Sáng ngày 12/1, em cùng với bạn gái là La Thị Mận, SN 1984 và một số người nhà bạn em quê ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) lên dự lễ ăn hỏi chị Hà Thị Mơ ở tổ 22, phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang).


Sau khi dự lễ ăn hỏi xong mọi người rủ nhau sang nhà người quen ở soi Tình Húc (bên phải sông Lô), phường Hưng Thành chơi.

Đi trên chiếc thuyền định mệnh lúc đó có tổng cộng 13 người, trong đó 6 người Tuyên Quang, 7 người Vĩnh Phúc, tất cả đều là họ hàng của nhau. Thuyền vừa ra đến giữa dòng sông thì bỗng nhiên đầu thuyền chúi xuống, mọi người trên thuyền hoảng loạn, kêu cứu.


Anh Hà Văn Bình - người điều khiển chiếc thuyền đã cố chèo lái, nhưng chỉ được vài giây thuyền đã chìm. Lúc đó em chỉ kịp 1 tay kéo bạn em, một tay bơi trong dòng nước chảy, khoảng vài phút sau khi thuyền chìm, em được một người dân địa phương (đến giờ em vẫn chưa biết được tên người đã cứu sống mình) đang điều khiển chiếc thuyền gần đó ném sợi dây xuống kéo bọn em lên.

Người nhà nạn nhân ngóng tin người thân.


Danh sách 5 người còn mất tích (tính đến 17 giờ ngày 13/1): 1- Nguyễn Đình Chiểu, SN 1989, xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). 2- Nguyễn Văn Đại, SN 1987, xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). 3- La Thị Năm, SN 1963, xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). 4- La Thị Sáu, SN 1965, xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). 5- La Thị Tám, SN 1978, xã An Tường, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang).

Cũng được cứu vớt ngay sau khi xảy ra tai nạn và đã được các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tận tình cứu chữa, nhưng do tuổi cao, lại bị ngâm lâu trong nước lạnh nên bà La Thị Đức, xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) cũng đã qua đời vào tối ngày 12/1.

Ngày 13/1, Đội cấp cứu chữ thập đỏ Sông Lô và lực lượng chức năng tỉnh Tuyên Quang đã tìm thấy thêm một thi thể nạn nhân nữa là chị Nguyễn Thị Sáu, SN 1978, xã An Tường, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang) cách điểm xảy ra vụ tai nạn khoảng hơn 1 km. Như vậy, tính đến 17 giờ ngày 13/1, vụ đắm thuyền đã làm 4 người chết, 5 người mất tích.

Ông Hà Hữu Hải, 61 tuổi, tổ 24, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang thất thần: Trong đời tôi chưa bao giờ chứng kiến vụ đắm thuyền kinh hoàng thế. Nghe thấy tiếng kêu cứu ở bờ sông, tôi chạy ra nhìn xuống dòng sông đã chẳng còn thấy gì cả.


Chiếc thuyền chìm chẳng thấy dấu vết. Mọi người trên bờ nhốn nháo. Những chiếc thuyền cứu hộ chạy ngược chạy xuôi để tìm kiếm nạn nhân nhưng tất cả đều bặt vô âm tín...

Tìm kiếm nạn nhân bằng mọi cách

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chiếc thuyền bị đắm là chiếc thuyền sắt nhỏ gắn máy co le 4 mà người dân địa phương ở đây thường dùng để qua sông. Bến đò Đất (tên thường gọi của người dân địa phương), nơi xảy ra tai nạn cũng không phải là nơi được cấp phép thành lập bến bãi vận tải và chiếc thuyền bị tai nạn cũng không thuộc danh mục phương tiện vận tải để cấp phép.

Ông Tạ Đức Tuyên, Chánh văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn đắm thuyền, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức họp khẩn cấp để triển khai các biện pháp cứu hộ. Tỉnh đã huy động tối đa các lực lượng công an, thanh tra giao thông, các đội tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và người dân sống hai bên bờ sông Lô... tham gia tìm kiếm những người còn mất tích.


Đồng thời, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tích cực cứu chữa cho những nạn nhân trong vụ đắm thuyền và tổ chức thăm hỏi những nạn nhân và gia đình có người bị nạn; hỗ trợ người chết có hộ khẩu trên địa bàn Tuyên Quang 4,5 triệu đồng/người, người không thuộc địa bàn 3 triệu đồng/người...

Quần áo ướt sũng và phải thức cả đêm để tìm kiếm những người mất tích trong vụ đắm thuyền, nhưng ông Nguyễn Văn Tỵ - Đội trưởng Đội cấp cứu chữ thập đỏ Sông Lô vẫn nỗ lực chỉ đạo anh em trong đội tìm kiếm những nạn nhân mất tích và trục vớt chiếc thuyền bị đắm.


Ông Tỵ cho biết: Mặc dù rất rét và mệt, nhưng nhìn người nhà của những nạn nhân đau đớn và tuyệt vọng nên chúng tôi quyết tâm tìm bằng được những nạn nhân còn mất tích, bất chấp khó khăn.

Anh Nguyễn Hữu Tân - thành viên Đội cấp cứu chữ thập đỏ Sông Lô buồn rầu nói: Tôi đã nhiều năm tham gia cứu hộ, cứu nạn, nhưng chưa bao giờ chứng kiến vụ tai nạn đắm thuyền đau thương đến thế.


Từ khi xảy ra vụ tai nạn đến giờ (chiều ngày 13/1) nhiều anh em trong Đội cấp cứu chữ thập đỏ Sông Lô chưa được chợp mắt phút nào! 

Vũ Quang Đán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN