Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Vì sao tăng cước 3G”, do Báo điện tử Infonet và Chuyên trang ICTNews tổ chức ngày 17/10, đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông); Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cùng các nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel đã giải đáp những vướng mắc liên quan đến việc các nhà mạng đồng loạt tăng cước dịch vụ 3G từ ngày 16/10.
Trả lời về những căn cứ để Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép các nhà mạng tăng cước dịch vụ 3G, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: Luật Viễn thông quy định tại Điều 55 và Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông có quy định tại Điều 38; Luật Giá quy định tại Điều 5; Luật Cạnh tranh quy định tại Điều 13, ... quy định giá cước viễn thông phụ thuộc vào một số yếu tố như giá thành, cung cầu trên thị trường, giá cước khu vực và quốc tế.
Người sử dụng băn khoăn liệu cước 3G tăng có đồng nghĩa với chất lượng tăng? Ảnh TTXVN |
Hiện nay, các doanh nghiệp đang bán dưới giá thành (các doanh nghiệp chứng minh giá thành theo quy định Bộ đã ban hành), thứ 2 là cung cầu trên thị trường, thứ 3 là giá cước dữ liệu của Việt Nam rẻ hơn hầu hết các nước trong khu vực và quốc tế. Các doanh nghiệp SMP (doanh nghiệp thống lĩnh thị trường) nếu bán dưới giá thành là cạnh tranh không lành mạnh (Khoản 4 Điều 38 Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Viễn thông) vì các doanh nghiệp nhỏ sẽ không có khả năng vươn lên được. Bên cạnh đó, thiết bị viễn thông hầu hết là nhập khẩu từ nước ngoài nên chi phí hay giá thành cũng khá tương đương với các nước, mặc dù thu nhập của người dân còn khó khăn hơn so với nhiều nước.
Liên quan đến vấn đề tăng cước 3G có đi kèm với tăng chất lượng dịch vụ, đại diện MobiFone chia sẻ: MobiFone luôn cố gắng nâng cao chất lượng tốt nhất cho khách hàng. Về vùng phủ sóng, năm 2013, MobiFone đã tăng 3.000 trạm và đến năm 2014, dự kiến sẽ xây dựng lên 4.000 trạm. Về chất lượng sóng trong thành phố, MobiFone liên tục đo kiểm để tối ưu hóa mạng lưới. Sắp tới, MobiFone dự kiến sẽ nâng cấp tất cả các trạm lên tốc độ 21Mbps, cao hơn rất nhiều so với tốc độ cam kết trước đây trong giấy phép kinh doanh 3G (7,2Mbps).
Đồng thời, MobiFone dự kiến lắp thêm 1.000 trạm micro cell, small cell, đảm bảo phủ vùng lõm trong thành phố vì đây là khu vực nhà cửa nhiều, nhiều khi bị mất sóng. Khi nhà mạng điều chỉnh cước, đồng nghĩa sẽ có nhiều cơ hội để tái đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Đại diện Viettel cũng cho biết: Sau khi được cấp phép 3G, Viettel là đơn vị đầu tư hệ thống hạ tầng lớn nhất với trên 26.000 trạm phát sóng. Trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục đầu tư, tăng thêm trạm phát sóng tại các vùng lõm để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Với VinaPhone, sau 3 năm cung cấp dịch vụ này, VinaPhone đều thực hiện đúng cam kết Bộ đưa ra. Tuy nhiên, đại diện VinaPhone cho rằng, khi xây dựng mạng thì phải theo lộ trình chứ trong một thời điểm không thể một lúc có thể xây dựng mạng hoàn chỉnh ngay, vừa xây dựng vừa tìm hiểu kỹ thuật để tối ưu hóa mạng lưới; điều chỉnh trạm phát sóng để phù hợp nhu cầu người dân. Trong lúc điều chỉnh nâng cấp mạng lưới như vậy cũng có nơi, có thời điểm chất lượng không đảm bảo yêu cầu khách hàng. Do đó nhà mạng đã và đang hết sức cố gắng để tăng chất lượng dịch vụ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Trước năm 2013, phần lớn giá cước viễn thông Việt Nam đều giảm. Đây là lần tăng giá đầu tiên phần lớn các gói cước truy nhập internet của cả 3 doanh nghiệp. Vì vậy, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh: Việc có tiếp tục điều chỉnh giá cước hay không tùy thuộc vào giá thành dịch vụ. Nếu không có biến động đột biến thì giá cước này còn điều chỉnh tăng để tiến tới giá cước không thấp hơn giá thành. Khách hàng khi sử dụng dịch vụ nên cân nhắc nhu cầu của mình để lựa chọn gói cước hợp lý.
Quang Toàn