Trầy trật đòi phí bảo trì chung cư

TP Hà Nội có khoảng hơn 600 chung cư nhưng số chung cư đã được nhận bàn giao quỹ bảo trì rất ít, chỉ chiếm khoảng 20%. Thực tế này cho thấy, các chính sách về phát triển chung cư vẫn còn nhiều kẽ hở.

Theo quy định hiện nay, khi bán nhà, chủ đầu tư sẽ thu của người mua nhà 2% giá trị căn hộ để phục vụ cho việc bảo trì tòa nhà về lâu dài, hiểu đơn giản là tiền bảo hành, sửa chữa để ngăn ngừa xuống cấp về sau. Khoản phí này ban đầu sẽ được chủ đầu tư tạm giữ, rồi sau đó, bàn giao cho ban quản trị (BQT) chung cư khi BQT này được thành lập với sự nhất trí của cư dân và chính quyền địa phương.

Tuy nhiên thực tế, các chủ đầu tư lại đang rất chây ì, không chịu trả tiền cho BQT, điều này khiến các hộ dân khốn khổ khi đi đòi tiền của chính mình.

Văn bản cho phép chủ đầu tư chung cư Thăng Long Garden kéo dài thời gian bàn giao phí bảo trì đến ngày 28/2.

BQT Chung cư Thăng Long Garden (250 Minh Khai, Hà Nội) được chính thức thành lập ngày 30/8/2016. Theo quy định tại điều 37, Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, sau thời điểm BQT được thành lập, chủ đầu tư phải bàn giao phí bảo trì. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư là Công ty CP May Thăng Long vẫn chưa thực hiện điều này.

Ông Mai Anh Phong, Phó BQT chung cư Thăng Long Garden cho biết, chủ đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng và BQT đã họp và thống nhất thời điểm cuối để chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì cũng như hồ sơ dự án, các diện tích sở hữu chung… là ngày 15/2/2017 nhưng sát đến thời điểm này, chủ đầu tư không hề có động thái gì.

Cuộc họp ngày 13/2 vừa qua (có sự tham gia của ông Ngô Văn Đơn, Phó TGĐ Công ty May Thăng Long) đã kéo dài thời hạn bàn giao đến ngày 28/2, tuy nhiên, các hộ dân ở chung cư này vẫn không khỏi lo lắng. “Ước tính phí bảo trì lên đến 16-20 tỷ đồng. Chủ đầu tư không những không bàn giao mà còn không công bố việc sử dụng khoản tiền này như thế nào nên chúng tôi hoàn toàn bị động”, ông Phong cho hay.

Nhiều chung cư chưa được bàn giao phí bảo trì nên không có kinh phí sửa chữa. Ảnh chụp tại chung cư Thăng Long Garden.

Một khu chung cư khác cũng là tâm điểm của dư luận về việc khó đòi tiền phí bảo trì, đó là chung cư Keangnam, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đây là khu căn hộ cao cấp, được biết đến là khu của giới nhà giàu. Nhẩm tính, với hơn 900 căn hộ cao cấp có giá trung bình trên dưới 60 triệu đồng/m2, số tiền bảo trì lên tới hơn 100 tỷ đồng.

Số tiền này không được hoàn trả cho BQT thì chủ đầu tư đang chiếm dụng nó vào mục đích gì? Nếu chỉ mang đi gửi ngân hàng thì tiền lãi thu được đã không hề nhỏ.

Không chỉ chây ì bàn giao, các chủ đầu tư còn chậm hoặc không công bố minh bạch các chi phí bảo trì của tòa nhà, việc chi tiêu, sử dụng quỹ bảo trì như thế nào, gửi tiết kiệm lãi ra sao… nên khiến người dân ở nhiều chung cư rất bức xúc. Thậm chí, có những chung cư sau một thời gian sử dụng đã bị xuống cấp mà vẫn không đòi được quỹ bảo trì để sửa chữa và nâng cấp tòa nhà.

Hàng loạt chung cư khác trên địa bàn Hà Nội như Sky City, Tổ hợp chung cư NO5 Trung Hòa - Nhân Chính… cũng rơi vào chây ì bàn giao phí bảo trì. Theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội có khoảng hơn 600 chung cư nhưng số chung cư đã bàn giao quỹ bảo trì chỉ khoảng 20%.

Cũng như Hà Nội, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cư dân nhiều chung cư cũng rất bức xúc vì nhà thì xuống cấp mà không đòi được tiền phí bảo trì để sửa chữa. Gần đây nhất là vụ ì xèo xảy ra tại chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh, quận 5.

Người dân chung cư này đang phải sống trong cảnh trần thủng, tường phồng, hầm chảy nước, hệ thống điện chắp vá... Họ mòn mỏi chờ đợi bàn giao phí bảo trì 2% lên đến hàng tỷ đồng từ chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5 nhưng chủ đầu tư này lại cứ “bình chân như vại”.

BQT chung cư này được thành lập hồi đầu năm 2015, đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư phải kiểm toán và bàn giao phí bảo trì nhưng không được chủ đầu tư đáp ứng. 

Bà Trần Thị Hường, Trưởng BQT cho biết đã họp với chủ đầu tư nhưng họ không kí vào biên bản với lí do “không có tiền”. Sau đó, chủ đầu tư “bỗng nhiên” chuyển 500 triệu đồng cho BQT nhưng cũng không có biên bản bàn giao gì (?!).

Theo đánh giá của các nhiều BQT, các quy định về quản lý quỹ bảo trì chung cư đã có nhưng còn kẽ hở, thiếu những quy định chặt chẽ. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư đã lợi dụng để nhập nhèm trong quản lý quỹ và gây ra thiệt hại, bức xúc cho người dân.




Hoàng Dương
Cưỡng chế chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì nhà chung cư
Cưỡng chế chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì nhà chung cư

Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì, Ban quản trị có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu cưỡng chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN