Người dân đồng lòng
Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã trải qua hai tuần thực hiện Công điện 1099/CÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 11/CT-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh về tăng cường giãn cách xã hội theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó", với các biện pháp quyết liệt. Cũng nhờ sự đồng lòng của người dân, TP đã có những kết quả khả quan, nhiều khu dân cư từ "vùng đỏ" sau 1 thời gian chống dịch đã dần chuyển thành "vùng xanh".
Chị Lê Thị Thúy Hải (ngụ ở khu phố 3, Phường 4, Quận 3) cho biết: "Khu phố nhà tôi từng là một trong những ổ dịch lớn của Quận 3, sau nhiều ngày “chiến đấu” quyết liệt với dịch bệnh, đến nay đã trở thành “vùng xanh”. Người dân rất vui khi được nới lỏng các biện pháp phòng dịch hơn".
Ðể có kết quả như này là nhờ chính quyền địa phương đã phát huy được nguồn lực trong dân, vận động người dân trong khu phố cùng tham gia chống dịch. Cụ thể, tại các đầu hẻm ra vào khu phố thiết lập các chốt bảo vệ vùng xanh, người dân thay phiên nhau trực chốt không kể ngày đêm. Ngoài ra, chính quyền còn vận động người dân đi tiêm vaccine, hiện đa số người dân tại khu phố đã hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19.
Còn phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức, sau khi phát hiện 5 ca mắc COVID-19 đầu tiên trong hẻm 34 đường 168, đã từ "vùng xanh" chuyển thành "vùng đỏ", khiến nhiều người dân sinh sống trong con hẻm này không khỏi lo âu, hồi hộp.
Anh Nguyễn Hữu Tâm, ngụ ở 34/1A đường 168 cho biết, ngay khi phát hiện ổ dịch tại đây, chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân các biện pháp phòng dịch, dân quân cũng đã xuống chốt chặn và kiểm soát chặt sự ra vào của người dân, cán bộ y tế tích cực truy vết xét nghiệm 3-4 lần cho toàn bộ người dân trong hẻm... Cuối cùng, nhờ sự đồng lòng chống dịch của chính quyền và các hộ dân trong hẻm mà hiện nay, con hẻm đã được chuyển từ "vùng đỏ" sang "vùng xanh".
"Hiện nay, nhờ sự vận động của địa phương, những người dân trong hẻm cũng đã lập chốt bảo vệ vùng xanh tự quản. Cụ thể, chính những người dân trong hẻm thay phiên nhau ra gác chốt vùng xanh ngay đầu hẻm để kiểm soát sự ra vào của người lạ, tránh cho dịch bệnh tiếp tục xâm nhập vào hẻm 34", anh Tâm nói.
Theo bà Vũ Thị Mỹ Ngọc, Phó Chủ tịch UBND Quận 3, đây là khu vực đầu tiên của thành phố thực hiện phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh” với nhiều đợt phát động thi đua cao điểm giữ vững an toàn “vùng xanh”. Cụ thể, trước khi thực hiện Chỉ thị 11, “vùng xanh” trên địa bàn chiếm tỷ lệ trên 7,7%; “vùng vàng” chiếm tỷ lệ 49%; “vùng cam” chiếm tỷ lệ 25% và “vùng đỏ” chiếm 22,4%. Ðến ngày 4/9, “vùng xanh” của quận đã nâng lên 51,54%; “vùng cận xanh” chiếm 11,26% và “vùng đỏ” giảm xuống còn 12,4%.
"Sau 15 ngày triển khai thực hiện thi đua giữ vững an toàn “vùng xanh”, Quận 3 đạt được kết quả khả quan, tỷ lệ “vùng xanh” và “cận xanh” của quận tăng lên liên tục, chiếm hơn 60%. Đây là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhân dân cùng với sự hỗ trợ tích cực của lực lượng quân đội, đặc biệt là lực lượng y tế trong công tác phòng, chống dịch", bà Ngọc cho biết thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Quận ủy Quận 5 cho biết, sau 2 tuần thực hiện nghiêm Chỉ thị "ai ở đâu ở yên đó", Quận đã tập trung các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Tầm soát có trọng tâm, trọng điểm tại các khu “vùng xanh”, “cận xanh”, “vàng”, “cam”, “đỏ”; chăm lo an sinh xã hội; tập trung chăm sóc F0 đang cách ly tại nhà; kiểm soát, giãn cách và công tác tiêm vaccine… Trong thời điểm quyết định, quận đã tăng cường “tiếp sức” cho cơ sở nhằm giúp cho các “pháo đài” thêm vững để thực hiện các biện pháp thật nhanh và hiệu quả. Các trạm y tế lưu động, trạm ô-xy, đội cấp cứu lưu động đều có kết nối chặt chẽ để sẵn sàng chuyển viện kịp thời, hạn chế số người chết.
15 ngày quyết định
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, từ ngày 23/8 đến 6/9 thực hiện Chỉ thị 11, công tác phòng, chống dịch được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, khẩn trương, tạo khí thế mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị, từ Thành phố đến cơ sở theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch. Một số địa phương chủ động, sáng tạo có những cách làm mới, mô hình hay.
Cụ thể, lưu lượng phương tiện lưu thông giảm khoảng 85% so với trước ngày 22/8; các khu dân cư cũng đã được siết chặt hơn, người dân cơ bản đã chấp hành yêu cầu của Thành phố. Phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh” đã được nhân rộng và đạt kết quả đáng khích lệ. Toàn thành phố hiện có 12.282 tổ tự quản bảo vệ “vùng xanh”, chiếm 48,41% tổ dân phố. Ðến nay, TP Hồ Chí Minh đã tiêm hơn 7 triệu liều vaccine. Tổng số mũi vaccine đã tiêm đến ngày 8/9 là 7.071.865 mũi. Trong đó, mũi 1 là 6.246.613 và mũi 2 là 825.252. Số người được tiêm trên 65 tuổi, có bệnh nền là 775.140 người.
Về việc truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, tính đến hết ngày 6/9 Thành phố cơ bản hoàn thành xét nghiệm tầm soát đợt hai tại 5 vùng. Từ kết quả tầm soát này, ngành y tế sẽ có đánh giá, sắp xếp lại các vùng để có những giải pháp chống dịch kịp thời trong thời gian tới. Thành phố đã thực hiện phát thuốc điều trị cho F0 cách ly tại nhà và bước đầu phát huy hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ các ca chuyển nặng, tử vong.
Đối với công tác an sinh, Thành phố tiếp tục nỗ lực chăm lo đời sống cho người dân khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Ðến nay, Thành phố đã chi tổng cộng gần 6.000 tỷ đồng cho người khó khăn, trong đó ngân sách chi 4.800 tỷ đồng và 1.200 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Thành phố cũng phát hơn 1,7 triệu túi an sinh và 14.000 tấn gạo. Chương trình SOS của Trung tâm An sinh thành phố đã hoạt động tích cực, kịp thời hỗ trợ khẩn cấp cho các trường hợp khó khăn cần giúp đỡ.
Chia sẻ về các giải pháp chống dịch trong thời gian tới, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, từ nay đến ngày 15/9, thành phố tiếp tục các biện pháp giãn cách như 15 ngày qua, nhưng sẽ có điều chỉnh. Theo đó, hệ thống siêu thị, chuỗi cung ứng được mở đến xã, phường, thị trấn và người dân ở "vùng xanh" được đi chợ 1 tuần/lần, khuyến khích người đi chợ đã tiêm vaccine. Riêng tại "vùng đỏ", shipper tiếp tục đi chợ thay cho người dân.
Ðể đạt mục tiêu kiểm soát dịch trước ngày 15/9, theo ông Phan Văn Mãi, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp y tế, trước hết là công tác xét nghiệm cộng đồng. Tiếp tục tập trung công tác xét nghiệm theo chỉ đạo của Bộ Y tế và kế hoạch của Thành phố theo hình thức cuốn chiếu để làm sạch địa bàn, phấn đấu đến ngày 15/9 “xanh hóa” địa bàn. Đối với các địa phương, cần củng cố quản lý F0 tại nhà, tại cộng đồng, giúp F0 tiếp cận sớm nhất với thuốc hỗ trợ y tế, ngăn chặn chuyển nặng, cố gắng không để người chết tại nhà. Thành phố xác định mục tiêu đạt hơn 90% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1; các xã, phường, thị trấn, quận, huyện cần tập trung tiêm cho các đối tượng cần bảo vệ, đối tượng nguy cơ, đối tượng tham gia hoạt động kinh tế thiết yếu sau này…
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ chú trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội với việc tiếp tục huy động tối đa nguồn lực từ ngân sách thành phố, phát huy vai trò của Trung tâm An sinh. Thành phố tiếp tục kêu gọi sự chung tay của cộng đồng xã hội, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp đóng góp, hỗ trợ kịp thời, cố gắng không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.
Theo Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi, từ nay đến ngày 15/9, tinh thần là an toàn đến đâu mở cửa đến đó, việc nới lỏng phải thực hiện từng bước, không mở đồng loạt cùng một lúc. Do vậy, để sớm đạt mục tiêu kiểm soát dịch, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát cần thực hiện quyết liệt hơn nữa. Các quận, huyện, TP Thủ Ðức phải bám sát các “pháo đài”, chỉ đạo kiểm tra, nhắc nhở, cùng làm, cùng chia sẻ ở cơ sở nhằm tận dụng tối đa “thời gian vàng” còn lại thực hiện tốt mọi nhiệm vụ để đạt được kết quả đề ra, sớm đưa thành phố trở về trạng thái “bình thường mới”.