TP Hồ Chí Minh: Nhiều bệnh viện thiếu thuốc, kiến nghị giải pháp giải quyết

Trước thông tin phản ánh của người bệnh về tình trạng thiếu thuốc tại một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã làm việc với các cơ sở y tế để nắm bắt tình hình cung ứng thuốc, đồng thời tìm giải pháp giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc.

Qua làm việc với các bệnh viện, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các đơn vị này đều đang thiếu thuốc tại cơ sở.

Bệnh viện hết thuốc, người bệnh phải mua thuốc ở ngoài

Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức cho thấy, nhiều người bệnh sau khi khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã phải ra các nhà thuốc xung quanh bệnh viện để mua thuốc. Chị Đ.T.T.H. (ngụ Bình Dương) đang điều trị ung thư, sau khi tái khám tại bệnh viện, chị phải ra ngoài mua thuốc Anastrozole 1mg (thuốc điều trị ung thư vú) vì trong bệnh viện hết thuốc. Chị H. định mua 28 viên thuốc nhưng sau khi kiểm tra lại tiền, chị chỉ đủ mua 14 viên với giá khoảng hơn 400.000 đồng

Chú thích ảnh
Nhiều bệnh nhân phải ra nhà thuốc xung quanh bệnh viện để tìm mua thuốc vì bệnh viện hết thuốc. 

“Những lần trước đi khám tôi không phải tốn tiền mua thuốc ở ngoài vì có BHYT hoặc có mua thuốc ngoài, nhưng cũng rất ít;thế mà hôm nay đi tái khám, bác sĩ nói hết thuốc Anastrozole 1mg, tôi đành phải ra ngoài mua thuốc. Tôi định mua một hộp 28 viên để dùng luôn một tháng, nhưng mang không đủ tiền nên chỉ mua được nửa hộp thôi”, chị H. cho biết.

Anh T.V.K. (ngụ Long An) lên tái khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy và cũng phải mua thuốc chống thải ghép ở ngoài vì bệnh viện hết thuốc. Anh K. cho biết, hai tháng nay khi đi tái khám anh đều phải tốn từ 4 - 5 triệu đồng để mua thuốc ở ngoài, vì bệnh viện không có thuốc. Chỉ vào toa thuốc anh K nói: “Trong đơn thuốc có 3 loại thì bệnh viện chỉ còn 2 loại, còn một loại đắt nhất là thuốc CellCept v-500mg không có, nên tôi phải mua ở ngoài. Với toa thuốc này thì tốn khoảng hơn 3 triệu đồng. Tháng này là ít rồi chứ tháng trước tôi toa thuốc của tôi tới gần 5 triệu đồng”.

Chú thích ảnh
Trong toa thuốc, bệnh viện cũng ghi rõ bệnh nhân tự túc do dược hết.

“Tôi thuộc diện được BHYT chi trả 100% nên những lần đi khám trước đó tôi không tốn tiền thuốc mà chỉ tốn mỗi tiền xe đi lên khám bệnh. Còn mấy tháng gần đây, bệnh viện hết thuốc nên tôi phải mua thuốc ở ngoài. Bệnh của tôi phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, nếu cứ tình trạng hết thuốc và phải mua ở ngoài với giá thế này làm sao gia đình gánh nổi”, anh K. chia sẻ.

Còn chị N. T. T L (ngụ Quảng Ngãi) điều trị hiếm muộn tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) cũng ngao ngán khi phải chạy đi nhiều nhà thuốc mà vẫn không mua được thuốc Cetrorelix acetat 0,25mg (thuốc giúp ngăn chặn quá trình rụng trứng sớm bằng cách ngăn hormon phóng thích – GnRH).

“Trong toa thuốc có 3 loại thuốc thì tôi mua được 2 loại, còn riêng Cetrorelix acetat 0,25mg tôi đi mấy nhà thuốc ở gần Bệnh viện Từ Dũ và cả những nhà thuốc ở gần Bệnh viện Nhân dân 115 cũng đều không có thuốc”, chị T. L mệt mỏi cho biết.

Trong khi đó, ông Đ.V.H (67 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) cũng cho biết, ông bị huyết áp, tim mạch nên tháng nào cũng phải đi tái khám tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức. Ba tháng gần đây đi khám lần nào ông cũng phải mua thuốc ở ngoài vì bệnh viện hết thuốc. “Trước đây đi khám lúc nào tôi cũng được phát đủ thuốc BHYT, nhưng 3 tháng gần đây thì bệnh viện thường xuyên thiếu thuốc. Thông thường bác sĩ kê 3 loại thuốc thì trong toa lúc nào cũng thiếu 1 - 2 loại thuốc và phải ra ngoài mua. Thuốc mỡ máu là thường xuyên thiếu nhất”, ông Đ.V.H cho biết.

Thiếu thuốc do sợ sai không dám tổ chức đấu thầu?

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế mới đây, hầu hết giám đốc các bệnh viện đều cho rằng, tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở đã tồn tại từ lâu do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải do sợ sai mà không dám tổ chức đấu thầu hoặc đấu thầu muộn như một số phản ánh trên báo, đài.

Chú thích ảnh
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, cơ bản các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân do hầu hết các bệnh viện đã và đang tổ chức đấu thầu thuốc theo quy định.

Lý giải về nguyên nhân thiếu thuốc tại các cơ sở y tế, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, các bệnh viện trên địa bàn còn bị động trong vấn đề mua sắm thuốc thuộc danh mục đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Nếu chờ có kết quả của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thì khả năng thuốc bị thiếu. Nếu chủ động đấu thầu thì có lo gặp khó khăn trong thanh toán khi Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia có kết quả đấu thầu với giá thấp hơn giá mua của các bệnh viện đã đấu thầu trước đó.

Bên cạnh đó, một số thuốc mới phát sinh do các bệnh viện tuyến cuối triển khai thêm các kỹ thuật mới, chuyên sâu như thuốc điều trị trong lĩnh vực ung bướu, huyết học… Theo đó, hầu hết các thuốc này chưa có số đăng ký, chủ yếu là nhập khẩu chuyến hàng năm sau khi được Bộ Y tế cấp phép. Trường hợp Bộ Y tế chưa cấp phép kịp thì các thuốc này sẽ bị thiếu trong một khoảng thời gian nhất định.

Ngoài ra, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh còn cho rằng, một số cơ sở khám, chữa bệnh có quy mô nhỏ, thiếu nguồn nhân lực tham gia công tác đấu thầu thuốc theo quy định, chưa có kinh nghiệm trong mua sắm (như Trung tâm y tế quận, huyện; bệnh viện quận, huyện quy mô nhỏ). Do đó, các cơ sở này thường bị động trong công tác đấu thầu thuốc vì mua sắm với số lượng nhỏ và thiếu kinh nghiệm trong mua sắm thuốc bổ sung theo quy định đối với những thuốc không trúng thầu.

Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, ngành y tế Thành phố đang thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc, vật tư y tế trong thời gian sắp tới. Cụ thể, Sở đã xây dựng đề án và trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị. Trung tâm sẽ hoạt động theo lộ trình ở giai đoạn đầu mua sắm thuốc tập trung, sau khi ổn định sẽ tiến hành mua sắm vật tư y tế, trang thiết bị.

Song song đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị với UBND TP Hồ Chí Minh hỗ trợ ngân sách cho ngành y tế trong việc dự trữ một số thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh và sớm hiện thực hóa đề án xây dựng Khu công nghệ Y - Dược kỹ thuật cao để hạn chế việc lệ thuộc nhập khẩu một số thuốc, vật tư y tế trong cấp cứu và điều trị chuyên sâu.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục rút ngắn thời gian gia hạn số đăng ký đối với các thuốc đã hết hạn số đăng ký; xem xét và rút ngắn thời gian cấp phép nhập khẩu chuyến đối với những thuốc chưa có số đăng ký và xem xét, cấp số đăng ký đối với những thuốc thường xuyên phải xin phép nhập khẩu chuyến; đồng thời chỉ đạo Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia rút ngắn thời gian đàm phán giá, đấu thầu tập trung để các bệnh viện kịp thời ký hợp đồng mua sắm với các nhà cung cấp, tránh gây gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh.

Song song đó, ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Y tế cần có chính sách đặt hàng cho các nhà sản xuất trong nước ưu tiên sản xuất các loại thuốc cấp cứu, đặc trị như huyết thanh kháng nọc rắn…

Bài và ảnh: Đan Phương/ Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Số lượng tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Số lượng tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại tăng mạnh

Thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chiều 20/6 cho biết, chỉ sau một tuần phát động đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19, số lượng mũi tiêm tăng mạnh so với thời gian trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN