Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, đây là hoạt động trọng tâm trong đợt kiểm tra cao điểm nhằm đảo bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên Đán 2021.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, lượng hàng hóa phục vụ cho Tết Tân Sửu 2021 về TP Hồ Chí Minh đang rất dồi dào. Hiện nay các lực lượng chức năng đang làm hết công suất để thực phẩm đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo an toàn.
“Trước Tết 2 tháng, chúng tôi đã thanh kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, đặc biệt là ở các kho nguyên liệu. Hiện chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra nhiều ở các kênh phân phối như chợ truyền thống, cửa hàng…”, bà Lan chia sẻ.
Theo báo cáo của Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, trung bình mỗi ngày chợ đầu mối Bình Điền tiêu thụ khoảng 250 tấn thực phẩm gồm rau củ quả, thịt, thủy hải sản. Dự kiến trong 10 đêm cận Tết, lượng hàng hóa về chợ có thể tăng bình quân 20-25% so với ngày thường, đặc biệt trong đêm cao điểm nhất vào 27 và 28 tháng Chạp sản lượng có thể tăng từ 50%-60% đạt khoảng 3.600 đến 4000 tấn/đêm. Riêng mặt hàng thịt lợn, vào đêm cao điểm có thể tăng hơn 2 lần, mặt hàng rau củ có thể tăng gấp 2 lần và trái cây tăng gấp 4 lần so với ngày thường.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, công ty cũng phối hợp với Đội 10 thuộc Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Theo đó, đơn vị sẽ lấy 500 mẫu thủy sản kiểm tra nhanh, trong đó 300 mẫu thủy sản kiểm tra hàn the, 100 mẫu thủy sản kiểm tra Formol, 100 mẫu thủy sản khô kiểm tra màu. Đối với mặt hàng rau củ quả và trái cây công ty chợ Bình Điền chủ động lấy mẫu tăng cường số lượng với 300 mẫu để kiểm tra chỉ tiêu dư lượng thuốc trừ sâu, chất tẩy trắng trong rau củ quả.
Còn đối với thịt gia súc, gia cầm, đơn vị cũng tăng cường kiểm soát tất cả lợn nhập vào chợ đầu mối Bình Điền phải được đeo vòng nhận diện và có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định; phối hợp kiểm tra ngoại quan và cảm quan động vật, sản phẩm động vật nhập vào chợ như kiểm tra giấy kiểm dịch, dấu niêm phong của lô hàng từ nơi giết mổ về chợ; kiểm tra chất lượng sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển. Trường hợp vi phạm thú y, đơn vị lập biên bản vi phạm và tiêu hủy lô hàng theo quy định.
Tại buổi kiểm tra chợ đầu mối Bình Điền, bà Phạm Khánh Phong Lan đánh giá, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối đóng vai trò rất quan trọng bởi đây là nơi cung cấp thực phẩm đến các chợ truyền thống, cửa hàng… "Nếu ngay từ nguồn, thực phẩm không đảm bảo thì tất cả những khâu sau đó đều vô nghĩa". Riêng đối với chợ đầu mối Bình Điền, Đội quản lý an toàn thực phẩm số 10 (Ban an toàn thực phẩm Thành phố) đã túc trực kiểm tra định kỳ nguồn gốc xuất xứ và đột xuất lấy mẫu kiểm nghiệm.
Ông Phan Thanh Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, mặc dù công ty và Đội 10 đã có sự phối hợp rất tốt nhưng tần suất và số lượng lấy mẫu trong thời gian qua vẫn chưa được như mong muốn. Thời gian lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và có kết quả mẫu phân tích kéo dài từ 5 đến 7 ngày nên khó khăn trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm hàng hóa bán ra khỏi chợ.
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên Đán 2021, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố đã thành lập 20 đoàn kiểm tra với hơn 300 thanh tra viên tăng cường kiểm tra việc phân phối, kinh doanh, tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm Tết, rượu bia, bánh mứt, rau củ quả, trái cây, các loại thịt dùng để chế biến thực phẩm, các kho lạnh tích trữ thực phẩm để phụ vụ Tết...
“Chúng tôi kết hợp với quản lý thị trường, công an kinh tế và lực lượng kiểm tra liên ngành ở các quận, huyện tăng cường kiểm tra giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải nghiên cứu làm sao để không ảnh hưởng đến người hành nghề, tránh làm phiền doanh nghiệp”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.