TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tốc độ năng suất lao động đạt 7%/năm

Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến 2030 đã đề ra mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) xã hội hằng năm đạt 7%/năm. Vì vậy, để tăng năng suất lao động, các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp đã tập trung triển khai nhiều giải pháp.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh nâng cao năng suất lao động để tăng thu nhập cho lao động.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo về thực hiện chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo đó, Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và quận, huyện chủ động nghiên cứu, tuyên truyền, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia tăng năng suất lao động đến năm 2030. Trong đó, lồng ghép, triển khai các nhiệm vụ của chương trình với các đề án, dự án khác thuộc thẩm quyền quản lý để tập trung nguồn lực thực hiện đạt hiệu quả; nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 đối với các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo để tận dụng cơ hội phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở tiếp cận và ứng dụng công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy năng suất lao động.

Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Sở Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB -XH) tham mưu, xác định các ngành, nhóm ngành ưu tiên gắn với phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng để có giải pháp phù hợp,  lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh... nhằm thúc đẩy năng suất lao động của TP Hồ Chí Minh.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Sở Kế hoạch Đầu tư tổng hợp tình hình thực hiện, lồng ghép chỉ tiêu tăng năng suất lao động vào các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh hàng năm. Đồng thời, phối hợp tham mưu việc bố trí vốn đầu tư công cho các dự án trên cơ sở nguồn vốn, khả năng cân đối vốn của TP Hồ Chí Minh để thực hiện chương trình; tích cực phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn thủ tục tiếp nhận các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức cho các chương trình, dự án, phi dự án liên quan.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của cả nước, hằng năm thu hút lượng lớn nhân lực chất lượng cao từ các tỉnh, thành đến làm việc, chưa kể mỗi năm có hơn 30.000 lao động người nước ngoài đăng ký làm việc tại đây. Do vậy, chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến 2030 đề ra mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng NSLĐ xã hội hằng năm đạt 7%/năm, chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu. 

Vì vậy, để tăng năng suất lao động, ngoài các giải pháp trên, các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp  cũng cần phải tăng cường đào tạo kỹ năng, nâng cao trình độ, nhất là chăm lo sức khỏe, đời sống tinh thần cho người lao động, bảo đảm hệ thống an sinh xã hội ngay từ trong môi trường lao động đến các vấn đề bên ngoài làm việc; giảm giờ làm để tạo điều kiện cho người lao động học tập, giải trí, có cơ hội nâng cao kiến thức, kinh nghiệm...

Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, NSLĐ quốc gia là thước đo hoạt động về kinh tế của một quốc gia, được tính bằng tổng giá trị GDP chia cho tổng số lao động có việc làm trong năm. NSLĐ của một địa phương cũng được tính tương tự.
Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Tháng Công nhân 2024: Để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất lao động
Tháng Công nhân 2024: Để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất lao động

Phân tích những yếu tố tác động đến sự ổn định của thị trường lao động tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”, nhiều ý kiến khẳng định các vấn đề về tiền lương, y tế, giáo dục, an sinh xã hội chính là động lực quan trọng để tăng năng suất lao động...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN