Nhân rộng các khu cách ly y tế tập trung
Đầu tháng 11 vừa qua, cơ sở cách ly tập trung F0 không có triệu chứng được thành lập tại khu KCN TP Hồ Chí Minh với diện tích 5.000 m2, quy mô 250 giường bệnh và đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 sau hai tháng gấp rút thi công. Theo đó, cơ sở cách ly tập trung này chuyên tiếp nhận các bệnh nhân là người lao động có kết quả dương tính nhẹ hoặc không triệu chứng, không có bệnh nền và không đủ điều kiện tự cách ly tại nhà.
Ngoài việc bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ khám, điều trị, cơ sở này còn được trang bị máy chạy bộ, thảm yoga, máy giặt và wifi để người bệnh thoải mái điều trị và tiếp tục làm việc sau khi điều trị hết bệnh. Khu cách ly này không thu bất kỳ khoản phí nào của người lao động, kinh phí để duy trì đều do các doanh nghiệp đóng góp.
Bà Hồ Thị Thu Uyên, đại diện Chi hội các doanh nghiệp Khu công nghệ cao (SBA) cho biết, ý định thành lập khu cách ly trong KCNC đã có ngay trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng. Vì vậy, khi TP Hồ Chí Minh có chủ trương cho F0 tự cách ly tại nhà, các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện.
"Chi phí ban đầu để lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho khu cách ly này hoàn toàn xã hội hóa từ các doanh nghiệp trong KCNC tự đóng góp. Ban đầu, chúng tôi vận động doanh nghiệp đóng góp nguồn quỹ 7-8 tỉ đồng để duy trì hoạt động trong 6 tháng trước mắt", bà Hồ Thị Thu Uyên cho biết.
Ngoài ra, Ban Quản lý các KCN-KCX thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA) cũng đã phối hợp với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trung tâm y tế các quận, huyện thành lập các khu cách ly tập trung đặt tại các KCN-KCX có chức năng điều trị, thu dung. Qua đó, giúp doanh nghiệp chủ động xử lý, điều trị khi phát hiện ca nhiễm, hạn chế việc điều trị tập trung và tránh tình trạng quá tải cho các bệnh viện dã chiến của thành phố.
Cụ thể, chủ đầu tư KCN Đông Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn Worldon (Việt Nam) đã thống nhất với HEPZA thành lập khu cách ly tập trung Khu công nghiệp Đông Nam (xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) có quy mô dự kiến từ 250 giường đến 300 giường. Mới đây, UBND huyện Nhà Bè, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước cũng thống nhất thành lập, xây dựng khu cách ly tập trung tại Trung tâm sinh hoạt công nhân Khu công nghiệp Hiệp Phước.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, trong suốt mùa dịch vừa qua, hơn 1.700 doanh nghiệp trong HEPZA luôn sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp với chính quyền TP Hồ Chí Minh để hoàn thành mục tiêu kép là hoàn thành sản xuất và phòng chống dịch hiệu quả. Theo đó, việc các công ty, doanh nghiệp mạnh dạn hình thành các khu cách ly tập trung y tế là điểm đáng ghi nhận. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.
"Sắp tới, HEPZA cần phối hợp với Sở Y tế để giải quyết các đề nghị của tổ y tế trong khu cách ly tại đây. Cụ thể, theo quy định khu cách ly tại các KCN-KCX-KCNC điều trị F0 không triệu chứng, nhưng khi xuất hiện F0 có triệu chứng vẫn phải giải quyết hỗ trợ người lao động kịp thời. Thứ hai, F0 điều trị tại khu cách ly tại KCNC có thể nhiễm bệnh khác ngoài COVID-19 nên các đơn vị cần được bổ sung các thuốc khác để kịp thời chữa bệnh cho người lao động", ông Nguyễn Văn Nên nói.
Hình thành các trạm y tế lưu động
Ngoài việc chủ động hình thành các điểm cách ly y tế tập trung, doanh nghiệp trong các KCN-KCX, KCNC còn hình thành các trạm y tế lưu động ngay tại các KCN-KCX để có thể kịp thời thăm khám, hỗ trợ các F0. Cụ thể, trạm y tế lưu động đặt trong khuôn viên KCX Tân Thuận (Quận 7), mỗi ngày tổ chức test nhanh kháng nguyên, tư vấn điều trị cho gần trăm công nhân lao động. Có những ngày cao điểm, qua test nhanh đã phát hiện từ 30 đến 40 ca dương tính với COVID-19.
Bác sĩ Hoàng Đức Lĩnh, Tổ phó Trạm Y tế lưu động tại Khu chế xuất Tân Thuận cho biết, trạm y tế này là một trong số 420 trạm y tế lưu động được thành lập theo chủ trương của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh và là một bộ phận nằm trong Phòng khám đa khoa Sài Gòn -Tân Thuận, đi vào hoạt động từ giữa tháng 10. Trạm y tế chuyên khám sàng lọc, test nhanh, tư vấn qua điện thoại, hỗ trợ tư vấn những trường hợp là F0 cách ly tại nhà.
Theo bác sĩ Hoàng Đức Lĩnh, từ khi thành lập Trạm Y tế lưu động, người lao động làm việc trong KCN đã được tiếp cận để khám sàng lọc, tư vấn điều trị nhanh và chủ động hơn. Ngoài ra, với những công nhân sau khi được bộ phận y tế của công ty kiểm tra sức khỏe có dấu hiệu sốt, kết quả kiểm tra dương tính được chuyển đến trạm sẽ được kiểm tra lại, tư vấn điều trị cũng như hỗ trợ những trường hợp nặng chuyển đi cách ly tập trung.
Theo ông Nguyễn Thanh Trực, Phó Trưởng Ban quản lý HEPZA, sau một tháng đưa trạm y tế này vào hoạt động, có 80% số trường hợp F0 là công nhân đủ điều kiện cách ly tại nhà, 20% số trường hợp tư vấn đưa đi cách ly tập trung tại bệnh viện dã chiến trên địa bàn quận. Điều đó cho thấy, hiệu quả của việc thành phố thành lập các trạm y tế lưu động phục vụ khám, chữa bệnh ban đầu đối với các ca nhiễm trong lực lượng công nhân, lao động thiết thực và hiệu quả.
"Sắp tới, HEPZA đang tiếp tục rà soát các KCN-KCX, KCNC và các doanh nghiệp có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để thành lập thêm các trạm y tế lưu động, các khu cách ly tập trung. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động xử lý, điều trị khi phát hiện ca nhiễm, duy trì chuỗi sản xuất, tránh đứt gãy thực hiện các đơn hàng khi hiện nay các DN đang tăng tốc sản xuất hoàn thành các đơn hàng cuối năm", ông Nguyễn Thanh Trực nói.
Là doanh nghiệp luôn thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nidec Việt Nam cho biết, đợt dịch thứ tư vừa qua, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Cụ thể, doanh nghiệp đã áp dụng phương án "ba tại chỗ", thậm chí thuê khách sạn cho công nhân ở tạm khi nhà trọ bị phong tỏa để đảm bảo lao động cho hoạt động sản xuất; tiêm vaccine cho người lao động. Sau khi thành phố hết giãn cách xã hội, doanh nghiệp vẫn duy trì thành quả phòng chống dịch, hỗ trợ lao động khi đi cách ly y tế tập trung hoặc lao động bị F0 được điều trị tại nhà...
"Tính đến nay, đa số các doanh nghiệp trong các KCN-KCX đã được chủ động tổ chức các phương án phòng, chống dịch tại nơi làm việc theo Bộ Tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn. Nhằm tiếp tục hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn này, HEPZA sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ và hỗ trợ cho doanh nghiệp, kể cả trong việc thực hiện các công tác phòng dịch lẫn giải quyết các vướng mắc về sản xuất kinh doanh, thủ tục hành chính...", ông Nguyễn Thanh Trực nói.