Tình hình COVID-19 ngày 23/8: Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh thực hiện ‘ai ở đâu ở yên đó’

Ngày 23/8, dư luận quan tâm một số thông tin về tình hình COVID-19 trong nước: Số ca mắc  giảm so với ngày 22/8; TP Hồ Chí Minh ngày đầu siết chặt giãn cách xã hội với nhiều biện pháp hỗ trợ hiệu quả; Công điện của Thủ tướng về các giải pháp tăng cường chống dịch; khuyến cáo về việc tự ý mua máy thở, máy đo nồng độ ô xi...

Gần 7.000 người khỏi bệnh

Từ 18 giờ ngày 22/8 đến 18 giờ 30 phút ngày 23/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.280 ca nhiễm mới tại 39 tỉnh, thành phố; trong đó 14 ca nhập cảnh và 10.266 ca ghi nhận trong nước. Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 942 ca.

Chú thích ảnh

Luỹ tích, đến nay Việt Nam có 358.456 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.646 ca nhiễm).

Trong ngày 23/8, có 6.945 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 154.612 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị hồi sức tích cực (ICU) là 711 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị tim phổi nhân tạo (ECMO) là 26 ca.

Ngày 23/8, nước ta cũng ghi nhận 389 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 23/8 là 8.666 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Nhiều hoạt động hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh trong thời gian siết giãn cách xã hội

Chú thích ảnh
Tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai không còn cảnh ùn xe, đông đúc trong sáng 23/8.

Sáng 23/8 - ngày đầu tiên TP Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm việc “ai ở đâu ở yên đó”, đường phố đã vắng vẻ hơn dù các tuyến đường chính vẫn còn xe lưu thông. Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại một số tuyến đường vào trung tâm TP Hồ Chí Minh, lượng phương tiện lưu thông đã thưa vắng. Tại các tuyến cửa ngõ, lực lượng chức năng của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã tổ chức chốt chặn và tuần tra, kiểm soát lượng người dân di chuyển trên các tuyến đường. Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, số phương tiện lưu thông trên đường tính từ 0 giờ đến 12 giờ ngày 23/8 giảm 85% so với cùng thời gian của ngày 22/8.

Ngày 23/8 là ngày đầu tiên TP Hồ Chí Minh thực hiện “siết” giãn cách xã hội với nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó". Hàng chục người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ, ăn xin trên địa bàn Quận 4 đã được lực lượng chức năng đưa về khu tập trung để nuôi ăn ở, chăm sóc y tế và tiêm vaccine phòng COVID-19.

Chú thích ảnh
Người lang thang sẽ được gom về trường THCS Nguyễn Huệ trên đường Nguyễn Khoái, Phường 2.

Ngày đầu tiên TP Hồ Chí Minh thực hiện "ai ở đâu ở yên đó", lực lượng quân đội đã bắt đầu đi trao những phần quà, thực phẩm thiết yếu cho người dân. Người dân chỉ cần ở yên tại nhà, khi cần mua các nhu yếu phẩm thiết yếu sẽ được lực lượng quân đội, cán bộ phường giao đến tận nhà.

Cũng trong ngày 23/8, tiếp nối 6 Trạm y tế lưu động đã được đưa vào hoạt động, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phải đảm bảo tiến độ thành lập các Trạm y tế lưu động còn lại. Các Trạm y tế lưu động có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho F0 tại nhà, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3, giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong.

Chú thích ảnh
Các Trạm y tế lưu động có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho F0 tại nhà.

Ngày 23/8, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có báo cáo nhanh gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh và Bình Dương trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội từ ngày 23/8 đến 6/9/2021.Theo tổng hợp của Tổ công tác, cân đối cung cầu gạo, ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho cả Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu. Cân đối cung cầu rau toàn vùng, ngoài việc cung ứng cho người dân, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gần 1,5 triệu tấn rau, củ các loại cần được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Về thực phẩm, nguồn cung sản phẩm chăn nuôi vẫn duy trì đa dạng và không có biến động; trong đó, nguồn cung thịt lợn và trứng gia cầm tốt, cung ứng đủ cho hệ thống siêu thị, các mặt hàng thịt đông lạnh vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu về theo nhu cầu thị trường. Về kết nối tiêu thụ, tính đến ngày 20/8 Tổ Công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập hợp được 1.218 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm với đầy đủ các nhóm mặt hàng, bao gồm rau củ, trái cây, thủy hải sản, lương thực… của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và trang trại, doanh nghiệp, ban quản lý chợ. Tổ công tác cũng phối hợp với Tổng cục Hậu cần của Bộ Quốc phòng xây dựng phương án 2, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương khi có chỉ đạo của Chính phủ và Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đảm bảo cung ứng cho người dân trong những ngày thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.

TP Hồ Chí Minh điều chỉnh nhóm đối tượng được phép ra đường

Chiều 23/8, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn, điều chỉnh cho các nhóm đối tượng được phép ra đường từ ngày 23/8 đến ngày 6/9.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh bổ sung thêm đối tượng được phép ra đường từ ngày 23/8.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh cho phép nhóm đối tượng áp dụng theo 17 nhóm đã qui định tại Phụ lục đính kèm Công văn số 2800/UBND-VX ngày 22/8, tuy nhiên có điều chỉnh đối với các lực lượng được ưu tiên là không yêu cầu có giấy đi đường khi qua chốt bao gồm: lực lượng cán bộ, nhân viên ngành y tế có thẻ ngành y tế hoặc giấy đi đường do Sở Y tế, Thủ trưởng các cơ sở y tế được thành lập theo qui định pháp luật. Đối với người dân đi tiêm vaccine có tin nhắn báo lịch tiêm hoặc giấy báo mời tiêm và kèm giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để trình cho chốt kiểm soát.

Đối nhân viên hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực thực phẩm) có thẻ nhân viên và giấy xác nhận công tác của đơn vị; chỉ áp dụng cho đến khi có giấy đi đường do Công an Thành phố cấp.

Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh bổ sung thêm nhóm đối tượng được ra đường là các nhân viên, giảng viên các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề nghiệp (mỗi trường 10 giấy); nhân viên giao hàng bằng phương tiện vận tải của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn thuộc các đơn vị, doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” trong khu chế xuất, khu công nghiệp

Đối với các phương tiện vận tải hàng hoá (bao gồm tài xế và 1 phụ xế) đã được ngành giao thông vận tải cấp thẻ QR code, không tiến hành kiểm tra thẻ đi đường cá nhân.

UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Công an Thành phố là đơn vị in và ký cấp giấy cho toàn bộ các nhóm đối tượng trên; đề nghị các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị có liên quan cung cấp số lượng và danh sách về Công an Thành phố trước 21 giờ ngày 23/8. Khi chưa có giấy đi đường nêu trên của Công an Thành phố thì vẫn áp dụng các loại giấy đi đường đã quy định tại Công văn số 2800/UBND-VX và Công văn số 2796/UBND-VX cùng ngày 21/8 của Ủy ban nhân dân Thành phố cho đến 20 giờ ngày 25/8.

Tăng cường lực lượng giúp TP Hồ Chí Minh chống dịch

Chú thích ảnh
Bộ Quốc phòng đã trao 30 xe cấp cứu cùng lái xe và nhân viên quân y theo xe cho Sở y tế TP Hồ Chí Minh. Ảnh: H.L

Sáng 23/8/2021, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ ký bàn giao 30 xe cứu thương của Bộ Quốc phòng hỗ trợ TP Hồ Chí Minh tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.Theo đó, 30 xe cấp cứu kèm lái xe và 30 nhân viên quân y của Bộ Quốc phòng bàn giao đợt này trực thuộc các đơn vị Quân khu 9 và Quân khu 7. Trong đợt này, cùng tham gia với lực lượng quân y, Bộ Quốc phòng còn có đội ngũ cựu chiến binh là các y, bác sĩ quân y nghỉ hưu đã không ngại khó khăn, nguy hiểm tình nguyện cùng với lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu tham gia công tác lấy mẫu, xét nghiệm, khám bệnh và điều trị cho những người mắc COVID-19.

Cũng trong ngày 23/8, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận 37 cán bộ, chiến sỹ của Cục Cảnh sát Giao thông và 310 cán bộ, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, 24 Cảnh sát Hình sự thuộc Cục Cảnh sát hình sự. Lực lượng này phân bổ tại 12 chốt, trạm kiểm soát phương tiện cấp thành phố, được test nhanh COVID-19 trước khi thực hiện nhiệm vụ và định kỳ hằng tuần.

Chú thích ảnh
Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra trên các tuyến đường trung tâm thành phố, Quận 3. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Sáng 23/8, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã tăng cường 58 cán bộ, quân y biên phòng cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch COVID-19.

Khuyến cáo người dân thận trọng khi mua máy thở và máy đo nồng độ oxy

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa có công văn số 874/TMĐT-QL yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm loại máy thở, các loại thuốc, các loại đo nồng độ oxy trong máu SpO2 vi phạm quy định thương mại để có căn cứ xử lý.

Đồng thời, Cục cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, nhất là không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng tung ra quảng cáo bán các thiết bị hỗ trợ trong việc điều trị tại nhà như các loại máy thở, các loại thuốc, các loại đo nồng độ oxy trong máu SpO2… với giá từ rất "bèo", chỉ vài chục nghìn đến vài triệu đồng, được mô tả là có thể dùng để đo chỉ số oxy trong máu tại nhà, thậm chí được quảng cáo là "có thể phát hiện virus Vũ Hán".

Các loại máy này thường nhái với các thương hiệu uy tín như Eveny, Omroni hoặc tên chung chung là Oximeter. Các máy này thường cho kết quả không chính xác.

Hầu hết các máy này có điểm chung là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị này có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy.

Theo phản ảnh tại mạng xã hội và một số bộ phận chuyên môn, các thiết bị đo SpO2 với giá dưới 300.000 đồng đều nhận phản hồi tiêu cực về chất lượng và bị đánh giá rất thấp. Người sử dụng những mặt hàng kém chất lượng này rất nguy hiểm khi tin theo những chỉ số báo trên máy không chính xác.

Máy đo SpO2 là thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu, kết hợp đo nhịp tim thông qua đầu ngón tay. Thiết bị nhỏ gọn này hỗ trợ theo dõi và kiểm tra các chỉ số sức khỏe, giúp bệnh nhân COVID-19 nhanh chóng phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu ngay cả khi cơ thể đang bình thường. Tuy việc sử dụng thiết bị đo SpO2 khá đơn giản nhưng cũng cần lưu ý vì có thể xảy ra sai số trong quá trình thực hiện.

Thủ tướng ra Công điện về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc

Chiều 23/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc.

Nội dung Công điện nêu rõ: Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của các lực lượng tuyến đầu, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ và tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thộc Chính phủ, cơ quan liên quan tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đẩy mạnh huy động sự tham gia của nhân dân. Thủ tướng khẳng định: “Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân”.

Về công tác tổ chức thực hiện, Thủ tướng khẳng định: “Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất là ở một số xã, phường, thị trấn”. Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm hơn, hiệu quả hơn các giải pháp: Giãn cách xã hội là yếu tố quyết định; Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt; Điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu; Vaccine, thuốc điều trị là chiến lược; Bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất khác... Tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giam, giữ, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội. Bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ trách nhiệm của các địa phương; Yêu cầu đối với công tác truyền thông; Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt; Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”…

PV/Báo Tin tức
Đi tìm con số tử vong thực của dịch COVID-19 trên toàn cầu
Đi tìm con số tử vong thực của dịch COVID-19 trên toàn cầu

Số người tử vong vì COVID-19 trên khắp thế giới đã vượt mốc 4,4 triệu ca, ít nhất là theo thống kê chính thức. Song một nghiên cứu mới đây lại đặt nghi ngờ về con số này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN