Xét nghiệm rộng, cách ly chặt: Chìa khóa để Trung Quốc thắng COVID-19 sau 1 tháng

Chỉ trong vòng 1 tháng, Trung Quốc đã cơ bản thành công trong kiểm soát đợt dịch bùng phát COVID-19 với sự xuất hiện của biến thể Delta.

Chú thích ảnh
Nhân viên phun khử khuẩn lớp học tại một trường Đại học ở tỉnh Chiết Giang, chuẩn bị đón năm học mới. Ảnh: RTE

Trung Quốc trong ngày 22/8 không ghi nhận một ca lây nhiễm cộng đồng nào, đánh dấu bước tiến lớn trong chiến dịch ngăn chặn, kiểm soát đợt dịch nguy hiểm nhất sau hơn một năm qua, khởi đầu với các ca nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô hôm 20/7.

Một ngày sau, có hàng chục ca mắc mới được ghi nhận. Đến cuối tháng 7, số ca mắc mới trung bình ngày tại đại lục là 50 ca và sau đó tăng lên trên 100 ca/ngày, ở nhiều tỉnh, thành, với mức đỉnh là 140 ca/ngày. Đến giữa tháng 8, xu hướng tăng chậm lại và đến cuối tuần qua số ca nhiễm trong cộng đồng về ngưỡng một con số. 

Đợt bùng phát dịch lần này, với sự xuất hiện của biến thể Delta, được xem là bài thử nghiệm quan trọng nhất đối với mô hình chống dịch của Trung Quốc. Dịch bệnh đã lan tới 50 thành phố thuộc 17 tỉnh tại đại lục. Tuy nhiên, Trung Quốc đã khống chế được dịch chỉ trong một tháng, đúng bằng quãng thời gian mà nước này từng khống chế các đợt dịch trước đây, như đợt bùng phát hồi đầu năm 2021 ở một số tỉnh phía bắc, với số ca nhiễm lên tới 2.000 ca. 

Một thành công khác của Trung Quốc là giữ không có ca tử vong nào trong đợt dịch vừa qua. Giang Tô, tâm dịch nóng nhất lần này, ghi nhận 18 ca bệnh nặng, làm dấy lên lo sợ Trung Quốc sẽ ghi nhận trường hợp tử vong vì COVID-19 sau 6 tháng. Tuy nhiên, các trường hợp này sau đó đều hồi phục và không gặp nguy hiểm về tính mạng. 

Mô hình giúp Trung Quốc khống chế được biến thể Delta lần này cũng không khác nhiều so với đợt dịch tại Vũ Hán 18 tháng trước đây: Xét nghiệm diện rộng và cách ly triệt để và được bổ sung thêm nhân tố mới là tăng độ che phủ của vaccine. Nhờ đó, số ca mắc tại đại lục trong hơn 1 tháng qua được kiềm chế ở mức 1.200 ca.

Về xét nghiệm, chính phủ ngay từ đầu đã gấp rút triển khai công tác xét nghiệm diện rộng, ở cấp độ chưa từng có, nhằm xác định, bóc tách những ca nhiễm trong cộng đồng. Trong khoảng 1 tháng qua, Trung Quốc đã tiến hành hơn 100 triệu xét nghiệm. Việc này được thực hiện trên diện rộng, với nhiều thành phố có quy mô cả chục triệu dân và quét đi, quét lại nhiều lần. Như tại thành phố Dương Châu, xét nghiệm cho toàn bộ 4,5 triệu dân được thực hiện tới 12 lần. 

Chú thích ảnh
Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm kiểm tra các mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một cơ sở ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Cách ly cũng đóng vai trò quan trọng. Trong đợt dịch này, Bắc Kinh đã có thời điểm đóng cho dừng việc di chuyển bằng đường sắt và đường hàng không từ các vùng có dịch đến thủ đô, dù thành phố này mới chỉ ghi nhận 10 ca mắc. 

Những khu vực khác cũng triển khai một loạt các biện pháp mạnh tay, từ cấm người có vùng nguy cơ cao cho tới yêu cầu người dân địa phương cắt ngắn thời gian đi nghỉ trong dịp hè, hủy đi nghỉ. Đa phần người dân trong vùng dịch đều cách ly, không được phép ra khỏi nhà – một quy định được được thực thi rất nghiêm. Hơn 200 khu vực bị coi là vùng nguy cơ cao và trung bình, thuộc diện phải kiểm soát chặt. 

Về tiêm chủng, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết tính đến ngày 21/8, nước này đã tiêm khoảng 1,94 tỷ liều vaccine COVID-19 cho người dân trong nước, một số thành phố đạt ngưỡng 80% người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ. Hơn 80% người trưởng thành ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã được tiêm chủng đầy đủ, đồng nghĩa về mặt lý thuyết dân số ở cả hai thành phố đã đạt khả năng miễn dịch cộng đồng, tức tỷ lệ dân số cần được tiêm chủng để ngăn chặn virus lây lan.

Mặt trái của biện pháp kiểm soát mạnh tay là những tổn thất có thể xảy ra đối với nền kinh tế. Tiêu dùng và sản xuất tại đại lục suy giảm trong tháng 7 và chiều hướng này được cho là kéo dài sang cả tháng 8. Nhiều tổ chức tài chính, định mức tín nhiệm quốc tế cũng đã có động thái cắt giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm nay do những diễn biến dịch bệnh vừa qua. 

Đợt dịch vừa qua cho thấy Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược “không COVID-19” trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới có sự thay đổi trong cách tiếp cận, chuyển sang mô hình sống chung với dịch bệnh. Một số quan chức nước Trung Quốc còn khẳng định ý tưởng "cùng tồn tại" với virus là vô trách nhiệm và là nguyên nhân dẫn đến sóng lây nhiễm mới ở nhiều quốc gia hiện nay. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Bloomberg)
Trung Quốc không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng
Trung Quốc không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng

Trung Quốc ngày 22/8 không ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng và không có ca tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN