Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã tịch thu 7.530 giấy phép lái xe (GPLX), xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 236 tỷ đồng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, việc KTTTX năm qua đã tạo sự đồng thuận cao của xã hội, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ hàng, các chủ phương tiện và lái xe. Số lượng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải cơ bản đã giảm còn khoảng 10%.
Đặc biệt, tình trạng vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng đã giảm sâu; thị phần vận tải đang được cơ cấu lại hợp lý, có sự kết hợp hài hòa giữa các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa; góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường. Các Cảng biển lớn trong cả nước đã kiểm soát chặt chẽ tình trạng xe chở hàng quá tải ra vào Cảng và xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng.
Nhiều địa phương hiện đã duy trì tốt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, kiềm chế tái diễn tình trạng xe quá tải và xe vi phạm kích thước thùng hàng như: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai…
Tuy nhiên, kết quả nêu trên chỉ phản ánh được một phần số xe quá tải lưu thông qua đoạn đường có đặt Trạm KTTTX lưu động, cố định và những vị trí mà lực lượng chức năng kiểm soát bằng cân xách tay.
Trên nhiều tuyến quốc lộ (QL) trọng điểm như: QL1, QL2, QL3, QL6, QL14, QL18, QL19, QL20, QL32, QL51, đường Hồ Chí Minh… và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa vẫn tái diễn tình trạng xe quá tải, lưu thông đường dài. Việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, do cần phải có sự phối hợp với các Sở, ngành của địa phương vào cuộc xử lý dứt điểm.
Đáng lưu ý là vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ và các quy định về vận tải đường bộ chưa nghiêm. Một số doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi Tổ KTTTX hoặc khi bị kiểm tra thì không chấp hành như đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở các lực lượng làm công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Không ít Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công, nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp cảng, mỏ, nhà máy sản xuất thép, xi măng, clinke, doanh nghiệp vận tải, mặc dù đã ký cam kết với Bộ GTVT và UBND các tỉnh về không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện vận tải hàng hóa quá tải trọng quy định, nhưng thực tế vẫn vi phạm; nguyên nhân do thiếu chế tài pháp lý để xử lý các trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.
Năm 2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT đề nghị Thanh tra Bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp, các mỏ vật liệu xây dựng… và kiểm tra, xử lý xe quá tải tại vị trí đặt các Trạm KTTTX lưu động, cố định và trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó. yêu cầu các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư, nhà đầu tư chỉ đạo, xử lý nghiêm các nhà thầu sử dụng xe cơi nới thành thùng, chở vật tư, vật liệu xây dựng quá tải cung cấp cho các dự án, công trình do ngành GTVT quản lý; Cục Đăng kiểm Việt Nam giám sát, hướng dẫn các Trung tâm đăng kiểm về kiểm định xe cơi nới thành thùng, xe tự cắt thành thùng, với quy định về gắn thước đo chiều cao gắn ở 4 góc thành thùng xe.
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng Cảnh sát khác tiếp tục phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông tại các Trạm KTTTX lưu động; lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thị, thành phố phối hợp với Thanh tra các Sở GTVT, Công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng xe tại các tuyến đường trên địa bàn địa phương; các trường hợp không có giấy phép lưu hành xe, sử dụng sà lan để đưa hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi Cảng, sang tải, dồn tải, lưu thông trên đường bộ, đặc biệt là các cảng nhỏ, bến thủy nội địa.