Thực phẩm 'bẩn' vẫn ở mức báo động

Những giải pháp mấu chốt, cụ thể để quản lý có hiệu quả an toàn thực phẩm - vấn đề đang gây lo lắng trong xã hội, vẫn chưa được các cơ quan chức năng đưa ra.

Đoàn giám sát Quốc hội đến kiểm tra thực tế tại vườn rau tại Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Còn nhiều tồn tại

Tại buổi làm việc mới đây của Đoàn giám sát của Quốc hội với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương để nghe báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, nhiều tồn tại trong công tác này đã được các bộ liên quan chỉ rõ.

Đánh giá chung về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết từ năm 2011 - 2015, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 100 tỷ đồng. Kết quả giám sát liên tục từ năm 2011 - 2016 cũng cho thấy, ngộ độc thực phẩm vẫn đang là thách thức lớn. Toàn quốc đã ghi nhận hơn 1.000 vụ với hơn 30.000 và 164 người chết. Tính trung bình có gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và gần 30 người chết do ngộ độc thực phẩm mỗi năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2011, cả nước có 28.285 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và đến nay số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đã tăng lên 29.557 cơ sở. Phần lớn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đều tự phát, không đăng ký kinh doanh, điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường. Hiện cả nước mới có 910 cơ sở giết mổ tập trung.
 
Thực hiện chức năng quản lý ngành, Bộ Công Thương đánh giá công tác hậu kiểm sau khi cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và sau khi xử phạt vi phạm của các đơn vị chức năng rất hạn chế nên không kịp thời chấn chỉnh và giải quyết dứt điểm các tồn tại của doanh nghiệp vì theo quy định, việc kiểm tra thường xuyên của các Đoàn không quá 1 lần/năm/doanh nghiệp.

Một trong những điểm chung được các Bộ nêu ra tại cuộc họp đó là kinh phí dành cho công tác thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho ngành Công Thương trong thực hiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011 - 2015 là 108,42 triệu đồng. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá kinh phí cấp cho hoạt động quản lý an toàn thực phẩm của ngành rất hạn hẹp, đặc biệt là các nguồn kinh phí cấp cho hoạt động của Sở Công Thương các địa phương nên các đơn vị thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu mức đầu tư từ ngân sách cho quản lý an toàn thực phẩm của ngành còn rất hạn chế so với mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết 34/2009/NQ-QH12 cũng như Chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm (kinh phí Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được cấp để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 -2015 chỉ đạt 29,68% so với kế hoạch đề xuất) là khó khăn lớn để đảm bảo hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế cũng đưa ra đánh giá tương tự, kinh phí dành cho công tác này giai đoạn 2011-2015 bình quân đầu người mới chỉ đạt khoảng 2.800 đồng/người/năm, trong khi tại Bắc Kinh mỗi năm thành phố này chi trên 100.000 đồng/người...

Đoàn giám sát Quốc hội kiểm tra tại khu giết mổ của Công ty Huy Quang, phường Lê Lợi, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Trách nhiệm của chinh quyền địa phương còn bỏ ngỏ

Nhiều ý kiến đánh giá, qua báo cáo của các bộ liên quan đều chung một nhận định là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phầm đầy đủ, đồng bộ, kiểm tra thường xuyên, những tại sao tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn ở mức báo động, thậm chí ở một vài địa phương đã đến mức báo động “đỏ”.

Đánh giá so với thời gian trước, việc kiểm tra an toàn thực phẩm trong năm qua đã đem lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thấy rằng nếu chỉ cảnh báo, giáo dục thì không đủ “liều” để đảm bảo an toàn thực phẩm. Năm 2016, riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập 159 đoàn, xử phạt 24,4 tỷ và vụ lớn nhất là phạt 470 triệu đồng. Chính vì tập trung phạt và liên kết với Bộ Y tế nên những nội dung liên quan đến an toàn thực phẩm có kết quả rất rõ nét - Bộ trưởng nói.


Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cùng với trách nhiệm của ba Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương trong lĩnh vực đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cần phải xem xét đến trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Dẫn chứng từ vụ ngộ độc rượu xảy ra tại Lai Châu gần đây, Bộ trưởng Y tế cho rằng nơi nào để xảy ra tình trạng sản xuất rượu giả, ruốc pha phụ gia, hóa chất, thịt lợn làm giả thành thịt bò khô… thì trước tiên, chính quyền cơ sở nơi đó phải chịu trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng cùng quan điểm này, nhận định địa phương nào có sự quan tâm chỉ đạo thì tình hình đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ khác. Ông Khánh dẫn chứng có sự khác biệt rất lớn giữa một cơ sở giết mổ tại Đồng Nai và tại tỉnh khác. Tại sao Đồng Nai làm được mà nơi khác không làm được hoặc sự khác biệt lớn giữa một chợ bán hàng tươi sống ở Thành phố Hồ Chí Minh với một nơi khác. Tức là quy định có rồi mà có nơi làm được, có nơi không làm được - Thứ trưởng nêu.

Bàn tới các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cần tăng cường hệ thống giám sát, cảnh báo gắn với kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp và sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm. Ba Bộ: Công an, Y tế và Công Thương cần tăng cường phối hợp liên ngành với Bộ đội biên phòng, Hải quan phát hiện, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục.

Các cơ quan chức năng thấy rằng bên cạnh thanh tra, kiểm tra quyết liệt, cần tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Cùng với lên án các hành vi sản xuất gian dối, cũng đồng thời cần khuyến khích, có cơ chế thúc đẩy các mô hình sản xuất sạch.

Giải pháp lâu dài là việc quản lý an toàn thực phẩm phải thực hiện theo nguyên tắc kiểm soát toàn bộ quá trình “từ trang trại đến bàn ăn”; kiểm soát chặt chẽ những công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ quy trình sản xuất và cung ứng nông lâm thủy sản. Kiện toàn bộ máy quản lý và thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm...

Quỳnh Hoa
Đoàn giám sát của Quốc hội kiểm tra an toàn thực phẩm tại Thanh Hóa
Đoàn giám sát của Quốc hội kiểm tra an toàn thực phẩm tại Thanh Hóa

Chiều 18/1, Đoàn Giám sát của Quốc hội do đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tình hình thực hiện chính sách pháp luật an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN