Theo báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011 - 2016, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý an toàn thực phẩm được đồng bộ, phân cấp rõ ràng. Hệ thống kiểm nghiệm cơ bản đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm.
Công tác thông tin truyền thông được các ngành đẩy mạnh, kiến thức về an toàn thực phẩm của người quản lý, người liên quan đến sản xuất, chế biến kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm được nâng lên theo chiều hướng tốt. Công tác giám sát và phòng chống ngộ độc thực phẩm được quan tâm hơn...
Đến nay, Thanh Hóa đã có 35.000 ha diện tích trồng rau các loại, năng suất bình quân hàng năm đạt trên 119 tạ/ha. Toàn tỉnh đã hình thành 42 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung tại 23/27 huyện, thị, thành trong tỉnh. Thanh Hóa cũng có 2.590 cơ sở, điểm giết mổ gia súc gia cầm đang hoạt động, trong đó có hai cơ sở giết mổ lợn sữa xuất khẩu và 4 cơ sở giết mổ lợn tập trung.
Về công tác nuôi trồng, đánh bắt khai thác, chế biến thủy sản,toàn tỉnh đã hình thành 78 doanh nghiệp sơ chế, chế biến thủy sản, sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 141.668 tấn, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Giai đoạn 2011 - 2016, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương đã cấp 591 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở. 445 bếp ăn tập thể cấp tỉnh quản lý ký bản cam kết (đạt từ 99,7% - 100%).
Việc kiểm soát các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm đã được thực hiện chu đáo và có sự can thiệp kịp thời. Trong năm 2017 và giai đoạn tiếp theo, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình xã an toàn thực phẩm, chợ an toàn thực phẩm, bếp ăn an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại buổi làm việc, ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lưu ý, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian tới.
Các cơ quan chức năng quan tâm mở rộng quy mô các lò giết mổ tập trung; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Trước đó, chiều 17/1 và sáng 18/1, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã đi khảo sát tại 2 chợ dân sinh, 5 cơ sở giết mổ gia súc, 3 cơ sở làm nem chua và vùng rau an toàn trên địa bàn một số huyện ở Thanh Hóa.