Đồng chí Phan Xuân Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế - Phó Ban Thường trực, Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh khẳng định trong những năm qua công tác quản lý cũng như tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.
Nhận thức của người tiêu dùng, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng cao. Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng, chính quyền địa phương ngày càng đi vào chiều sâu; tổ chức bộ máy Nhà nước về an toàn thực phẩm từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn được kiện toàn; thực hiện phân công, phân cấp và phối hợp với giữa các Sở, ban, ngành phát huy hiệu quả.
Đồng chí Phan Xuân Dũng khảo sát thực tế tại khu chợ ở thành phố Hà Tĩnh. |
Nhờ đó, đến nay, trong sản xuất, kinh doanh rau, quả tươi sống tỉnh Hà Tĩnh bước đầu đã hình thành một số vùng tập trung với tổng diện tích 117,28 ha đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau an toàn.
Trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật được chú trọng phát triển, đã thành lập được 316 hợp tác xã, tổ hợp tác chiếm 64% toàn tỉnh.
Về quản lý giết mổ đã xây dựng mới và nâng cấp được 39 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, 1 nhà máy giết mổ, chế biến súc sản, các cơ sở hoạt động có hiệu quả. Công tác quản lý, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đã thực hiện kiểm dịch 100% số lô động vật, sản phẩm động vật vận chuyển đúng quy định, quy trình và thời gian theo thủ tục hành chính.
Trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản tươi sống đến nay toàn tỉnh hiện có 7.820 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có 2.777 ha trong vùng nước mặn lợ, 5.043 ha vùng nước ngọt.
Tỉnh hướng dẫn, khuyến khích chỉ đạo các cơ sở sản xuất nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện Hà Tĩnh đã xây dựng 6 vùng nuôi áp dụng quy trình nuôi tôm an toàn sinh học theo hướng VietGAP.
Đồng chí Phan Xuân Dũng khảo sát thực tế cơ sở sản xuất rau tại xã Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh. |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị với Đoàn giám sát một số nội dung như: Tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH 12 ngày 19/6/2009 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là đối với vấn đề bố trí kinh phí đảm bảo đủ mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm; sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm liên quan, trong đó có điều kiện an toàn thực phẩm siêu thị, chợ; bố trí ngân sách đảm bảo đầu tư xây dựng hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hà Tĩnh trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm thời gian qua.
Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian tới, trong đó quan tâm mở rộng quy mô các lò giết mổ tập trung; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.