Nhu cầu nhân lực gắn xu thế phát triển các ngành kinh tế trọng điểm
Đề cập về xu hướng thị trường lao động Việt Nam, trong đó có vùng Đông Nam Bộ, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh, thị trường lao động Việt Nam trong những năm tới nổi lên 4 xu hướng phát triển chính gồm: Gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn trở nên yếu thế và xu hướng lao động “khởi nghiệp, tự tạo việc làm” gia tăng. Việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến, làm thay đổi hình thức việc làm trên thị trường lao động. Theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện đòi hỏi kiến thức về kỹ năng số với những kỹ năng số cơ bản, trong khi đó 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu.
Đưa ra dự báo dưới góc độ chuyên gia, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, những năm qua, thị trường lao động Việt Nam, bao gồm cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự tăng trưởng. Thị trường lao động của vùng và từng tỉnh, thành phố có nhiều biến động, số lượng và chất lượng việc làm có xu hướng tăng qua các năm. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động qua đào tạo tăng nhanh về số lượng, nhưng chưa đồng bộ với nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhu cầu nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp, xã hội và hội nhập. Nghịch lý về sự chênh lệch cung - cầu lao động, mất cân đối giữa các ngành nghề vẫn diễn ra.
Phân tích từ thực tế tại TP Hồ Chí Minh - đô thị hạt nhân vùng Đông Nam Bộ, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh và cộng sự nhận định, hiện nay, thị trường lao động - việc làm tại Thành phố đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển chung. Trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân tác động như: Các khuynh hướng kinh tế toàn cầu hóa thông qua các định chế thương mại tự do, sự trỗi dậy của nền kinh tế số, tác động sau COVID-19, diễn biến phức tạp của xung đột quân sự trên thế giới.
Nhu cầu nhân lực của TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 - 2030 được xác định gắn với xu thế phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, chuyển đổi số, ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ; đồng thời phát triển thương mại theo hướng thương mại dịch vụ. Cụ thể, về chủ trương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa. Trong đó, mục tiêu cụ thể là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực gồm: Công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị. Điều này phù hợp với các tính toán dự báo cơ bản phản ánh xu thế phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, thuộc lợi thế so sánh của Thành phố.
Chiến lược cho phát triển bền vững
Nhằm phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ, hiện đại, chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP Ngày 10/1/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.
Ở góc độ địa phương, tại TP Hồ Chí Minh, theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, việc xây dựng Đề án phát triển chiến lược về lao động - việc làm với các giải pháp đi kèm chương trình hành động nhằm thúc đẩy thị trường lao động toàn diện, cải thiện phúc lợi của người lao động là cần thiết.
Trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn và các vấn đề đặt ra, từ khía cạnh nghiên cứu thị trường lao động và nguồn nhân lực, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ đề xuất, đối với việc cơ cấu lại lao động trên cơ sở cơ cấu lại lực lượng sản xuất, Thành phố cần tăng cường đầu tư hoạt động sản xuất vào các địa phương trong vùng đối với những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông. Trên địa bàn Thành phố sẽ tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, các trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Thành phố đã có chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tự động hóa sản xuất, phát triển kinh tế số... Điều này sẽ góp phần giảm lao động phổ thông. Trong ngắn hạn và dài hạn, địa phương cần có các gói hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, tự động hóa sản xuất, phát triển kinh tế số góp phần nâng cao năng suất lao động.
Bên cạnh đó, Thành phố cần có chính sách hỗ trợ đầu tư, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống kết nối cung - cầu lao động, đặc biệt là các sàn giao dịch việc làm trực tuyến, các trung tâm giới thiệu việc làm, tạo sự kết nối liên thông giữa doanh nghiệp và người lao động một cách hiệu quả. Cùng với đó, địa phương hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu việc làm và nhu cầu tuyển dụng, số hóa, liên thông để doanh nghiệp và người lao động có thể tiếp cận.
Liên quan vấn đề lao động, việc làm, nhấn mạnh yếu tố chất lượng nguồn nhân lực, dẫn chứng từ Bình Dương - địa phương cùng ở Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: Bình Dương là tỉnh công nghiệp hóa điển hình của cả nước, nhưng nền kinh tế vẫn cơ bản là nền sản xuất có tỷ lệ thâm dụng lao động khá cao. Đây là thách thức, đòi hỏi tỉnh có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại và đô thị thông minh, góp phần phát triển bền vững, toàn diện vùng Đông Nam Bộ. Vì vậy, đối với nguồn nhân lực, tỉnh cần tiếp tục có chính sách khuyến khích đào tạo, thu hút nhân lực, kết nối chuỗi cung ứng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với từng đối tượng, nâng cao hiệu quả đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao. Với các công nhân đang làm việc, tỉnh tập trung nâng cao tay nghề, kỹ năng, tác phong công nghiệp. Địa phương phấn đấu đến năm 2025 có 85% lao động qua đào tạo nghề, trong đó số lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 35%; đồng thời mỗi năm giải quyết việc làm cho thêm khoảng 35.000 lao động.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, để góp phần phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hệ thống cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Địa phương chú trọng phát triển các cơ sở đào tạo chất lượng cao; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo và đào tạo lại cho lực lượng lao động đang làm việc thích ứng với những biến động bất thường. Cùng với thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, tỉnh tăng cường đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao; nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững.
Các cơ quan chức năng tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI và các cơ sở đào tạo để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng, quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lực lượng lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo cân bằng cung - cầu của thị trường lao động. Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trên địa bàn tỉnh đạt 30%.