Thực tế này đòi hỏi công tác đào tạo nghề, cung ứng nhân lực chất lượng tiếp tục có bước chuyển, đổi mới hoạt động hướng nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường.
Nhiều thách thức
Thị trường lao động tại nước ta, đặc biệt là tại các tỉnh thuộc các vùng kinh tế trọng điểm dự báo tiếp tục có những thách thức, thay đổi cả về nhu cầu tuyển dụng lẫn cơ cấu nguồn nhân lực. Tác động của tình hình thế giới khiến nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh gặp khó do nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm giảm sút. Cùng với đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục tác động tới nhiều lĩnh vực, làm thay đổi cả về cơ cấu cũng như thị trường lao động. Một số chuyên gia nêu dẫn chứng, Tổ chức Lao động quốc tế đã dự báo trong vòng hai thập niên tới, khoảng 56% lao động tại năm quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc do tự động hóa trong các khâu, công đoạn sản xuất. Thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay tại Việt Nam cho thấy, nhiều nhà máy sản xuất gốm sứ, mỹ nghệ, chế biến thủy hải sản… đã đầu tư các dây chuyền tự động hóa cao, góp phần tăng sản lượng và giảm giá thành sản phẩm, giảm thâm dụng lao động.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong ngắn hạn, thị trường lao động có những chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp tăng đơn hàng xuất khẩu. Song, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, kinh tế thế giới cũng có biến động, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và thị trường lao động. Trong nửa cuối năm 2023, các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 155.000-165.000 chỗ làm việc, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu là chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - cao su - nhựa, cơ khí, điện tử và các ngành dịch vụ chủ yếu như: thương mại, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải - kho bãi… Đáng chú ý, nhu cầu lao động qua đào tạo chiếm trên 86% tổng nhu cầu nhân lực.
Tại Bình Dương - địa phương cùng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, số lao động phổ thông (không có bằng cấp hay chứng chỉ nghề chuyên môn) rơi vào tình trạng thất nghiệp chiếm tới gần 92% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Trong điều kiện thị trường lao động nhiều biến động, thách thức, lao động có tay nghề, chứng nhận, chứng chỉ nghề vẫn có lợi thế. Vì vậy, công tác giáo dục, đào tạo cần tiếp tục được đẩy mạnh, đổi mới để cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng, góp phần phát triển thị trường lao động hiệu quả.
Đổi mới đào tạo để thích ứng
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (đóng tại tỉnh Đồng Nai) cho rằng, thị trường lao động có những thay đổi, biến động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp càng cần thay đổi, thích ứng để trang bị cho người lao động các kiến thức nền tảng và kỹ năng phù hợp.
Với định hướng trở thành trung tâm đào tạo nghề xuất sắc, đạt trình độ quốc tế, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã gia nhập Hội đồng nghề Vương quốc Anh, là thành viên Hiệp hội Hàn của Mỹ và đã được công nhận là một trong những trung tâm đào tạo và sát hạch thợ hàn quốc tế, thành viên của Hiệp hội đào tạo nghề châu Âu… Trường tổ chức đào tạo một số nghề theo mô hình đào tạo nghề chất lượng cao của các nước như Đức, Australia; đồng thời đẩy mạnh hợp tác với nhiều trường Cao đẳng lớn ở nước ngoài, trao đổi giáo viên và chương trình đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực qua đào tạo tại trường được trang bị kiến thức và các kỹ năng đáp ứng sự biến đổi của thị trường lao động, như năng lực số, công nghệ, lập trình, tương tác giữa người với người máy, khả năng tư duy sáng tạo mới. Đơn vị cũng xây dựng mới nhiều ngành nghề đào tạo như robot công nghiệp, kỹ thuật tự động hóa công nghiệp và công nghiệp 4.0, các ngành nghề thuộc lĩnh vực hàng không gồm kỹ thuật bảo dưỡng máy bay, kỹ thuật sửa chữa cấu trúc máy bay, logistics trong hàng không…, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động ở trong và ngoài nước thời gian tới.
Cùng đóng trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tổ chức tuyển sinh đào tạo một số nghề mới mà thị trường lao động có nhu cầu. Năm học 2023-2024, Trường tuyển sinh, đào tạo nhiều ngành nghề đáp ứng thị trường lao động; trong đó tiếp tục tuyển sinh hai nghề mới có nhu cầu cao trên thị trường lao động là: Công nghệ điện tử và năng lượng trong tòa nhà; công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí, góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong nước và quốc tế.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi cho hay, trường kết hợp giữa đào tạo kiến thức và trang bị các “kỹ năng mềm” cho học sinh, sinh viên như kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề hay các kỹ năng liên quan đến tìm hiểu, sáng tạo, sáng kiến về môi trường và tiết kiệm năng lượng, góp phần đáp ứng mục tiêu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Cao đẳng Cần Thơ cũng đang tích cực nâng cao chất lượng đào tạo. Các chương trình đào tạo đảm bảo tính phù hợp, linh hoạt, “mở”, gắn kết với thị trường lao động. Thông tin từ bộ phận tuyển sinh của Trường cho biết, xuất phát từ nhu cầu nhân lực tại Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng lân cận như Đông Nam Bộ, năm học 2023-2024, Trường tuyển sinh đào tạo các ngành nghề trình độ Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp; tập trung đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghề hiện có, trong đó có ba ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia mà thị trường lao động nhiều địa phương có nhu cầu tuyển dụng cao là: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, tin học ứng dụng, công nghệ kỹ thuật môi trường.
Trường thực hiện liên kết với doanh nghiệp, đào tạo theo hướng ứng dụng, duy trì và đảm bảo thời lượng thực hành nhiều hơn lý thuyết, chú trọng tổ chức thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.