Cơ chế chính sách, nhất là công nghệ xử lý còn nhiều vướng mắc, khó khăn, bởi vậy cần ban hành chính sách, giới thiệu và đánh giá công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện Việt Nam… góp phần thực hiện Chiến dịch “Chống rác thải nhựa” trên phạm vi toàn cầu.
Theo thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường thải ra hơn 1 túi nilon/ngày gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2017, rác thải nhựa chiếm khoảng 7% tổng lượng chất thải rắn, tương đương 2.450 tấn/ngày. Trong khi đó, phần lớn chất thải rắn đều được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó điển hình là Hà Nội 95%, Thành phố Hồ Chí Minh 76% và một phần xử lý bằng phương pháp đốt tiêu hủy.
Theo các nhà khoa học, các phương pháp này không đem lại hiệu quả về môi trường-kinh tế, lãng phí nguồn tài nguyên đất, ngân sách nhà nước, lãng phí phần rác có giá trị tái chế, gây ô nhiễm thứ cấp môi trường lâu dài.
Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Công ty New Technology Limited cho rằng: Chất thải nhựa khó phân hủy gây nhiều vấn đề về môi trường như mất đất do chôn lấp, thời gian phân hủy kéo dài gây ô nhiễm môi trường, chi phí xử lý tốn kém…
Việt Nam cần áp dụng công nghệ xử lý rác thải không gây ô nhiễm môi trường. Hiện tại, trên thế giới đang lựa chọn công nghệ đốt phát điện và nhiệt phân, đây là 2 giải pháp tối ưu để thu hồi được những giá trị từ rác thải và giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả, mang lại nhiều giá trị và lợi ích lâu dài cho sự phát triển của các khu công nghiệp và đô thị tại Việt Nam.
Các tổ chức môi trường trên thế giới đánh giá công nghệ nhiệt phân thuộc nhóm công nghệ nhiệt-hóa, là một trong những giải pháp công nghệ tốt nhất hiện tại và khuyến cáo sử dụng thay thế cho các phương pháp xử lý khác.
Ứng dụng công nghệ nhiệt phân tái chế rác nhựa vừa giải quyết bài toán môi trường vừa giải quyết bài toán “năng lượng tái tạo” khi cung cấp cho xã hội những sản phẩm “năng lượng xanh” như dầu và than nhiên liệu.
Công nghệ nhiệt phân được quan tâm tại Việt Nam khoảng 4-5 năm gần đây. Hiện đã có một số đề tài nghiên cứu về công nghệ này như: Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Dầu khí, Trung tâm Hóa dầu-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ công nghệ mới…
Một số nhà máy trong lĩnh vực môi trường đã và đang triển khai ứng dụng như: Công ty Môi trường xanh Hải Dương, Công ty Môi trường Bình Phước, Công ty Môi trường xanh Huê Phương… và bước đầu thu được những kết quả khả quan.